Hỏi - Đáp

Hỏi - Đáp

* Con trai tôi năm nay 6 tuổi, thỉnh thoảng cháu có biểu hiện khò khè. Bác sĩ cho biết nguyên nhân gây khò khè, có phải bị suyễn không, và làm sao hết chứng bệnh này ?  KIM KHÁNH  (Cần Giờ - TPHCM)

Hỏi - Đáp ảnh 1

- BS LÊ THIỆN ANH TUẤN: Khò khè chỉ là một biểu hiện (triệu chứng) cho biết sự lưu thông khác thường của không khí trên đường hô hấp của người bệnh. Triệu chứng này có thể là do bệnh hen suyễn, có thể do viêm phế quản, viêm họng, cũng có thể do vật lạ lọt vào đường thở.

Bên cạnh những nguyên nhân vừa kể cũng cần phải nghĩ tới điều kiện và môi trường sống tác động gây gia tăng hiện tượng khò khè cho trẻ, như môi trường nhiều khói (khói thải công nghiệp, khói thuốc lá, khói tàu xe…), môi trường bụi cũng gây tác động nhiều đến trẻ khò khè.

Môi trường lạnh (mùa lạnh, ngủ phòng lạnh…) cũng dễ gây tác động làm cho trẻ bị khò khè. Ngoài ra, những trẻ bị khò khè kéo dài, kèm với kém ăn và hay sốt nhẹ về chiều thì cần phải nghĩ tới bệnh lao của trẻ. Đối với những trẻ bị khò khè kéo dài, cần đi khám bệnh để tìm nguyên nhân. Khi biết rõ nguyên nhân thì việc đề phòng chứng bệnh khò khè của trẻ chỉ là vấn đề đơn giản.

Các bà mẹ cần chú ý trong mùa mưa lạnh phải giữ ấm cho trẻ, tránh tiếp xúc với môi trường tác động nêu trên. Trẻ nhỏ bị bệnh suyễn gây chứng khò khè, cần chăm sóc dinh dưỡng thật tốt để tăng cường thể lực.

* Tôi bị đau đầu thường xuyên. Đi khám bệnh, bác sĩ nói bị viêm xoang, uống thuốc có đỡ một chút nhưng hết thuốc thì đau lại. Xin bác sĩ cho biết những nguyên nhân gây đau đầu và cách chữa trị?  THÀNH NAM (Tân Bình, TPHCM)

- BS THÁI HÒA:
Đau đầu là triệu chứng thường gặp do nhiều thể bệnh khác nhau như bệnh nhiễm khuẩn cấp tính; bệnh ở đầu, sọ não; chấn thương; mạch máu; các bệnh răng, mắt, tai- mũi-họng; tâm lý… Sau đây là một số nguyên nhân có thể gặp: khối u ở não, áp xe ở não, khối tụ máu ở não và đau đầu có thể gặp ở những người có tiền sử bệnh ở tai, viêm xoang.

Các bệnh viêm não, màng não cấp tính hay mạn tính; bệnh dây thần kinh cảm giác tại da đầu, rối loạn mạch máu, nhiễm độc, nhiễm khuẩn, nghiện rượu cũng gây nên đau đầu. Ngoài ra, yếu tố tâm lý thay đổi , trạng thái lo âu, rối loạn về tình cảm hay người bị suy nhược thần kinh, mất ngủ kéo dài cũng thường đau đầu…

Có nhiều trường hợp đau đầu mạn tính hay tái phát khó xác định. Nhiều khi cần phải làm một số xét nghiệm về máu, vi trùng, dịch não tủy, chụp X-quang, chụp điện toán cắt lớp (CT) hay chụp MRI để tìm nguyên nhân, nhất là khi có những dấu hiệu bất thường về thần kinh.
 

Tin cùng chuyên mục