Protamol không phải là hàng nhái

Protamol không phải là hàng nhái

Thời gian gân đây, có thông tin cho rằng Protamol (hạ sốt giảm đau) vỉ 20 viên nén của Công ty cổ phần Hóa-Dược phẩm Mekophar đã nhái thuốc Alaxan của United Pharma VN. Điều đáng quan tâm hơn, từ chuyện mẫu mã kiểu dáng, người ta lại chuyển sang nghi ngờ về giá cả sản phẩm.

Protamol không phải là hàng nhái ảnh 1

Mặt trước của vỉ Protamol.

Protamol không phải là hàng nhái ảnh 2

Mặt trước của vỉ Alaxan

Protamol không phải là hàng nhái ảnh 3

Mặt sau của vỉ Protamol.

Protamol không phải là hàng nhái ảnh 4

Mặt sau của vỉ Alaxan.

Lý do người ta cho rằng Protamol vỉ 20 viên nén của Công ty cổ phần Hóa-Dược phẩm Mekophar đã nhái thuốc Alaxan của United Pharma VN là vì mặt sau vỉ 20 viên của Protamol có màu cam giống Alaxan của United Pharma. Quan sát bằng cảm quan, có thể nhận thấy hai sản phẩm này có hình thức hoàn toàn khác nhau. Mặt sau vỉ 20 viên của Alaxan đều có màu cam và trên mỗi viên có gạch giữa và chữ Alaxan. Còn mặt sau vỉ 20 viên của Protamol có viên màu cam lẫn với viên màu trắng. Đó là chưa kể, mỗi viên Alaxan được ép bởi 3 lớp (lớp giữa là màu trắng còn hai lớp bề mặt là màu cam). Trong khi đó viên Protamol được ép bởi 2 lớp màu trắng và màu cam. Và để khẳng định thương hiệu của mình, gần đây trên mặt sau của viên Protamol ngoài dấu chữ thập, Mekophar đã cho in thêm chữ MKP.

Điều quan trọng hơn, về mặt pháp lý, sản phẩm Protamol của Mekophar đã được Cục Quản lý dược Việt Nam cấp số đăng ký (số VNB-0821-03). Và so với hồ sơ gốc đăng ký thì mẫu viên Protamol lưu hành trên thị trường không hề có sự “thay hình đổi dạng” như thông tin cho rằng các nhà sản xuất đã “qua mặt” Cục Quản lý dược theo cách “hồ sơ xin phép một đằng, làm một nẻo”. Về nhãn hiệu hàng hóa, theo tài liệu mà chúng tôi có được thì sản phẩm Protamol của Mekophar đã được Cục Sở hữu công nghiệp cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa (số 0636 - gia hạn đến ngày 16-6-2014).

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Cục Quản lý dược Việt Nam khẳng định: Nói Protamol nhái Alaxan là hoàn toàn không có cơ sở. Về chất lượng, sản phẩm được sản xuất tại nhà máy đạt tiêu chuẩn sản xuất thực hành thuốc tốt (GMP). Vả lại, đây là sản phẩm đã được người tiêu dùng tín nhiệm nhiều năm nay.

Mặc dù cũng là mặt hàng dược phẩm với công dụng như nhau nhưng Mekophar và United Pharma VN đã đưa ra thị trường hai mặt hàng dược phẩm với nhãn hiệu hàng hóa hoàn toàn khác nhau. Cụ thể, mặt hàng của Mekophar có nhãn hiệu hàng hóa là Protamol và mặt hàng của United Pharma có nhãn hiệu hàng hóa là Alaxan. Hai nhãn hiệu hàng hóa này hoàn toàn khác biệt và không có khả năng gây nhầm lẫn với nhau. Bên cạnh đó, mặt hàng thuốc Protamol của Mekophar đã được Cục Sở hữu công nghiệp cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 15529 ngày 3-3-1995 cho nhóm hàng hóa dược phẩm. Như vậy, mặt hàng thuốc Protamol của Mekophar và mặt hàng thuốc Alaxan của United Pharma không nhái của nhau về mặt nhãn hiệu hàng hóa.

Một hàng hóa chỉ có thể được xem là hàng nhái của một hàng hóa khác khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định. 

Luật sư Bùi Quang Nghiêm

HỒNG LAM

Tin cùng chuyên mục