Khó tiêu - Trướng bụng: Làm sao hết?

Khi ăn uống quá độ, nhiều chất béo và rượu, chúng ta có thể bị khó tiêu với các triệu chứng : buồn nôn, nặng lưỡi, nặng bụng, đau bụng, đôi khi đau đầu. Căn nguyên chính là do túi mật hoạt động không tốt khi co bóp mạnh phóng thích các muối mật vào tá tràng để tiêu hóa mỡ, hậu quả là gây đau bụng (vùng bên phải). Làm thế nào để nhanh chóng dứt được các triệu chứng khó chịu này. Xin giới thiệu đến bạn đọc một số giải pháp sau.

Dùng thuốc nào?

Để điều trị chứng khó tiêu, thường phối hợp thuốc trợ tiêu hóa và thuốc chống nôn, nếu quá đau bụng, có thể làm dịu bằng các thuốc chống co thắt. Có thể dùng một số thuốc trợ tiêu hóa như:

- Các men tiêu hóa : pancrelipase (tương ứng với lipase, amylase, protease), amylo-liquifase, proteo-liquifase, lactomin, cellulase. Uống vào bữa ăn với nhiều nước.

- Thuốc lợi mật, thông mật và thuốc hướng gan : làm tăng tiết mật và giúp bài xuất mật ra khỏi ống mật và túi mật. Thường gặp các hoạt chất như acid cinametic, membuton, sorbitol, mannitol, muối magnesi, natri bicarbonat ; betain, cholin, arginin, silymarin, methionin, một số dược thảo... Nói chung các thuốc này ít tác dụng phụ, nhưng không được dùng trong trường hợp tắc đường mật và suy tế bào gan.

- Thuốc chống buồn nôn : có thể dùng metopimazin đặc hiệu cho triệu chứng buồn nôn trong bệnh tiêu hóa-gan mật, sử dụng tối đa trong 2 ngày.

- Thuốc giảm đau bụng : dùng các thuốc chống co thắt cơ trơn (phloroglucinol, papaverin, alverin). Không dùng cho người bị tắc ruột, tắc ruột liệt.

Cẩn trọng với chế độ ăn uống

Bên cạnh đó, người bệnh phải có chế độ ăn uống và vận động thích hợp mới có thể dự phòng và điều trị hiệu quả chứng khó tiêu. Cần lưu ý tránh uống nhiều rượu và ăn các thực phẩm chứa nhiều chất béo hoặc các thực phẩm có thể lên men như rau quả khô, đậu trắng, bắp cải... Giảm dùng trà, cà phê, sôcôla, giấm, mù tạc... Ăn uống điều độ và từ tốn trong thời gian cần thiết. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi có các dấu hiệu như: nôn mửa ở trẻ sơ sinh, rối loạn tiêu hóa không giảm sau 48 giờ, các dấu hiệu mất nước, buồn nôn kèm đau nửa đầu, sốt, đau bụng dữ dội.

Bên cạnh chứng khó tiêu, chứng trướng dạ dày cũng là hậu quả của những bữa ăn quá giàu chất béo và đường, để phân biệt với chứng trướng ruột non, thường bị sau khi phẫu thuật làm tắc hay liệt ruột cũng như ở trẻ bị viêm tai, viêm họng hay khởi đầu viêm dạ dày ruột. Ngoài ra còn có chứng trướng ruột già do vi khuẩn sinh quá nhiều khí gây đầy hơi và co thắt, nguồn gốc từ các bệnh nhiễm ruột, chế độ ăn quá giàu bột, đường, đồ sống.

Thông thường, có thể cải thiện tình hình trướng bụng bằng một chế độ ăn hợp lý như ngồi khi ăn, ăn từ tốn, nhai kỹ, tránh dùng kẹo cao su, hạn chế đường, chất béo, nước uống có ga, trứng, kem, các thức ăn có thể lên men (đậu trắng, cần tây, bắp cải, nho khô, chuối, sầu riêng...). Nếu trướng bụng thường xuyên tái diễn và kéo dài, tùy theo mức độ có thể được điều trị bằng thuốc. Trường hợp đầy hơi với khí : dùng các thuốc hấp phụ với hoạt chất dimeticon, simeticon, povidon, than hoạt. Nếu trướng bụng kèm tiêu chảy : phải dùng các chất băng dạ dày ruột có thành phần đất sét (diosmectit, actapulgit). Nếu bị đau dạ dày kèm theo trướng bụng, nên phối hợp một thuốc kháng acid và một thuốc hấp phụ.

Có thể nói cuộc sống hiện đại đã mang quá nhiều phiền toái đến cho hệ tiêu hóa của chúng ta. Mặc dù hầu hết các triệu chứng bệnh có thể được khắc phục bằng thuốc, nhưng tốt hơn vẫn là phòng bệnh bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh nguy cơ. Nếu phải dùng thuốc, cần hết sức thận trọng và không quên hỏi ý kiến bác sĩ và dược sĩ để bảo đảm an toàn và hiệu quả. 

PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan
Giảng viên Khoa Dược Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh

Tin cùng chuyên mục