Siêu âm thai nhiều lần

Nên hay không ?

Nên hay không ?

Hiện nay, siêu âm là phương tiện được sử dụng khá phổ biến trong việc theo dõi thai nhi trong bụng mẹ. Tuy nhiên siêu âm để làm gì, vì sao cần siêu âm, khi nào thì cần siêu âm, siêu âm có nguy hiểm cho thai nhi không, siêu âm bao nhiêu lần… là những điều mà có lẽ nhiều bà mẹ cũng chưa hiểu rõ hết nên nảy sinh tâm lý lo lắng, muốn được bác sĩ giải thích.

Siêu âm: Nên bắt đầu từ khi nào ?

Nên hay không ? ảnh 1

Khám thai trước sinh là việc làm cần thiết để có một cuộc sinh nở an toàn. Ảnh: TR.NG.

Theo tài liệu sản khoa, một thai kỳ bình thường thường kéo dài khoảng 40 tuần lễ tính từ ngày kinh đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng và được chia làm 3 giai đoạn. Trong những giai đoạn này, việc chẩn đoán tiền sản là rất cần thiết và siêu âm là phương tiện an toàn nhất để có thể cung cấp thông tin về thai nhi trong bụng mẹ như: thế nằm của thai, thai bình thường hay thai bất thường, sự phát triển của thai, kích thước của thai… Siêu âm có thể được thực hiện sớm nhất từ tuần lễ thứ 5 của thai kỳ.

Khi thực hiện siêu âm, bác sĩ có thể sử dụng dụng cụ gọi là “đầu dò” để rà soát theo bề mặt của thành bụng hoặc có thể đặt trong âm đạo một cách nhẹ nhàng mà không gây đau cho sản phụ. Siêu âm trong 3 tháng đầu thai kỳ sẽ giúp bác sĩ sản khoa có thể tính toán tuổi thai và ngày dự sinh sai biệt chỉ có 3 ngày; chẩn đoán thai nằm trong hay ngoài tử cung, nằm cao hay thấp; xem có bao nhiêu thai, thai có cùng trứng hay khác trứng.

Trong 3 tháng giữa của thai kỳ, siêu âm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì có thể giúp bác sĩ sản khoa chẩn đoán được thai có bình thường không, thai sống hoặc đã ngừng phát triển, thai trứng, thai có dị tật bẩm sinh không, đánh giá phần nào sự phát triển của thai nhi nhằm phát hiện sớm tình trạng suy dinh dưỡng trong bào thai hoặc thai quá to; đồng thời có thể khảo sát xác định giới tính của thai nhi. Và để chuẩn bị cho một cuộc sinh nở an toàn, việc siêu âm trong 3 tháng cuối của thai kỳ có ý nghĩa rất lớn vì nó giúp bác sĩ sản khoa xác định các bất thường xuất hiện muộn như: tật não úng thủy (đầu nước), phù nhau thai; thai tăng trưởng trầm trọng (thai nhỏ, suy dinh dưỡng) hay tăng trưởng quá mức (thai to) như trong trường hợp mẹ tiểu đường. Ngoài ra việc siêu âm trong giai đoạn này còn giúp bác sĩ khảo sát được lượng nước ối dư hay thiếu, ước tính trọng lượng thai để có hướng chuẩn bị cho cuộc sinh; xác định tư thế nằm của thai nhi có thuận lợi cho cuộc sinh sắp đến hay không: ngôi thuận hay ngôi nghịch.

Siêu âm bao nhiêu lần là đủ

Theo BS Vũ Thị Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương: Tối thiểu 3 lần, chia làm 3 giai đoạn của thai kỳ như đã nêu và ít nhất một lần ở mỗi giai đoạn đối với các thai kỳ bình thường. Ngoài ra cần siêu âm thêm vào những lúc thai có những dấu hiệu bất ổn (đau bụng, ra huyết…) hoặc có chỉ định đặc biệt của bác sĩ. Đối với phương pháp siêu âm Doppler màu và siêu âm 3 chiều – được xem là những loại siêu âm đặc biệt dùng để hỗ trợ cho chẩn đoán tiền sản – thì chỉ nên thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ (nghi ngờ thai chậm tăng trưởng, nghi ngờ nhau cài răng lược…). Đây không phải là loại siêu âm để khảo sát thường xuyên.

Cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh được siêu âm có hại hay không có hại, vì vậy siêu âm thai vẫn còn là một loại xét nghiệm rất an toàn và dường như không có một nguy cơ nào cả. Tuy nhiên các nhà chuyên môn vẫn khuyến cáo không nên sử dụng siêu âm tiền sản ngoài mục đích y khoa, ví dụ như: siêu âm chỉ để biết sinh trai hay gái, hoặc để xem hình dạng đứa bé ra sao, không nên tự ý lạm dụng siêu âm. Đặc biệt không nên sử dụng đại trà siêu âm màu Doppler và siêu âm 3 chiều khi chưa có chỉ định của bác sĩ. 

Triệu Lâm

Tin cùng chuyên mục