Dịch heo tai xanh bùng phát

Hủy toàn bộ heo mắc bệnh nặng
  • 4 tỉnh quanh TPHCM mắc dịch heo tai xanh

Diễn biến phức tạp của dịch heo tai xanh tại các tỉnh miền Trung và Đông Nam bộ những ngày qua đã làm gia tăng lo ngại khả năng bùng phát đợt dịch mới khi nhiều địa phương vừa phát hiện chậm, lại thiếu kiên quyết trong việc dập dịch.

Tại miền Trung, dịch bệnh ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Báo cáo của Chi cục Thú y Thừa Thiên - Huế cho biết đã phát hiện thêm 128 heo bị mắc bệnh tại các huyện, xã đã có dịch trước đây. Còn tại Bình Định, dịch được xác nhận vào ngày 14-7 nhưng thực tế các ổ dịch đã phát ra từ ngày 2-7 tại hai thôn Xuân Khánh và Khánh Trạch, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn với tổng số 81 con heo mắc bệnh của 18 gia đình.

Phức tạp hơn cả là tình hình lây lan dịch tại tỉnh Quảng Trị khi đã có thêm 5 xã được đưa vào “bản đồ” dịch heo tai xanh tại huyện Hải Lăng, nâng tổng số 13 xã có dịch của 2 huyện Hải Lăng và Triệu Phong với 3.474 heo mắc bệnh. Theo ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), dịch lây lan nhanh chóng trong thời gian qua, chủ yếu là do các địa phương rất chủ quan, buông lỏng không chịu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Huyện Hải Lăng (Quảng Trị) là ví dụ điển hình, Hải Lăng là huyện giáp ranh với huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế), nơi đã từng xảy ra dịch, do tưởng đã hết dịch, nên người ta đã hạ chốt kiểm dịch, dẫn tới dịch lan nhanh ra tới 10 xã.

Trong công điện gửi riêng tỉnh Quảng Trị ngày 15-7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã nhấn mạnh lãnh đạo địa phương chỉ đạo quyết liệt việc tiêu hủy ngay heo bị bệnh tai xanh, không nuôi giữ chữa trị làm lây lan bệnh và không dứt điểm được dịch, sẽ dẫn đến dịch ngày càng rộng, số con bị bệnh gia tăng.

Quanh TPHCM hiện có 4 tỉnh nhiễm dịch là Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long với lượng heo đưa vào tiêu thụ trong thành phố lên tới hàng trăm ngàn con/tháng. Tỉnh Đồng Nai cũng đang đứng trước nguy cơ lây lan dịch trong đàn heo 1,3 triệu con khi nguồn heo ở Bà Rịa - Vũng Tàu cũng được tiêu thụ ở đây. Dù Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tập trung chống dịch để tránh lây lan ra các tỉnh Đông Nam bộ khác, nhưng dịch tại đây vẫn đang lan rộng. Đến ngày 15-7, Bà Rịa-Vũng Tàu đã có 8 xã, thị trấn thuộc 5 huyện, thành phố có heo lây bệnh tai xanh. Đáng lưu ý, từ ngày 25-6 đến ngày 4-7, tại huyện Côn Đảo, ngoài khơi cách đất liền hàng trăm km đã có 56 con heo chết, nguyên nhân đang được làm rõ.

Ông Bùi Quang Anh cho rằng, mặc dù quy mô dịch chưa lớn như đợt dịch vừa qua, song nếu tiếp tục chống dịch chủ quan và hời hợt, nguy cơ xuất hiện đại dịch hoàn toàn có thể xảy ra. Liên quan đến việc thử nghiệm vaccine tai xanh trên heo, ông Bùi Quang Anh cho rằng hiệu quả còn hạn chế do virus đã phá hủy hệ miễn dịch và thường xuyên biến đổi, do đó cách tốt nhất vẫn là tiêm phòng các loại vaccine phòng bệnh kế phát.

Thành Nam

Không chờ kết quả xét nghiệm
Hủy toàn bộ heo mắc bệnh nặng

Ngày 15-7, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 80/2008/QĐ-BNN về việc phòng chống bệnh tai xanh trên heo. Bộ NN-PTNT yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy số heo mắc bệnh nặng (heo có bệnh được chăm sóc tích cực, tăng cường sức đề kháng trong 7 ngày mà không có khả năng bình phục) không cần chờ kết quả xét nghiệm khi dịch xảy ra trên diện rộng. Quyết định này cũng quy định, người chăn nuôi khi phát hiện heo có dấu hiệu bất thường như sốt cao, bỏ ăn hoặc ăn ít, sẩy thai phải báo cáo ngay cho thú y xã hoặc trưởng thôn, tiến hành nhốt heo ra khu vực khác; bổ sung loại thức ăn tăng sức đề kháng, giàu dinh dưỡng; tiêu độc khử trùng hàng ngày khu vực chăn nuôi; không bán hoặc vận chuyển heo ra khu vực chăn nuôi khi chưa có kết luận của cơ quan thú y có thẩm quyền.

Trong thời gian qua, dịch heo tai xanh đã tái phát trở lại tại nhiều địa phương trên toàn quốc. Hiện nay, cả nước có 10 tỉnh là: Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Lào Cai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Bình Định và Phú Yên có dịch heo tai xanh.

Tin cùng chuyên mục