Dịch heo tai xanh bùng phát: TPHCM sẽ ưu tiên tiêm phòng đàn heo giống

Thời gian gần đây dịch bệnh heo tai xanh bùng phát trở lại ở cả 3 miền với không dưới 10 địa phương, trong đó phía Nam có 5 tỉnh: Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước. Trong bối cảnh phần lớn các sản phẩm động vật tiêu thụ tại TPHCM là từ các tỉnh, nguy cơ dịch bệnh xảy ra trên địa bàn TP hiện rất cao, PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Huỳnh Hữu Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM xung quanh tình hình phòng chống dịch bệnh này.

* PV:
Dịch bệnh heo tai xanh đang áp sát TP, ông nhận định thế nào về tình hình này?

* Ông HUỲNH HỮU LỢI: Nguy cơ xảy ra dịch bệnh heo tai xanh ở TP phải khẳng định là cao. TP đang chịu nhiều áp lực vì đang có đàn heo khoảng 296.000 con, trong đó có những trại giống tốt lai tạo được nhiều năm nay. Dĩ nhiên, ngành thú y đang tìm mọi biện pháp để hạn chế.

* Ông có thể nêu vài biện pháp cụ thể?

* Không phải bây giờ mà ngay từ đầu năm TP đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để bảo vệ đàn heo. Riêng đợt này, TP xác định cần phải nỗ lực cao hơn bởi vùng có dịch đã áp sát TP. TPHCM đã tập huấn 54 buổi với 4.047 người chăn nuôi tham dự và phát hành 190.000 tờ bướm hướng dẫn cách nhận biết và phòng chống dịch bệnh. Tăng cường tiêu độc, khử trùng các chuồng trại, hạn chế nhập heo mới về nuôi, nhất là từ những nơi đang xảy ra dịch bệnh, đồng thời khuyến cáo người nuôi chọn cách tốt nhất là cùng nhập vào nuôi và cùng xuất ra bán, không nên gối đầu.

Ngoài ra, trong giai đoạn này, cần hạn chế hoạt động tham quan, cách ly chuồng trại với bên ngoài, tiêm phòng đầy đủ các loại bệnh (lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả heo, phó thương hàn). Thực hiện “5 không” (không giấu heo bệnh, không mua heo hay sản phẩm của heo mắc bệnh, không bán chạy heo mắc bệnh, không tự vận chuyển heo ra khỏi vùng dịch và không vứt xác heo bừa bãi). Chi cục giám sát dịch bệnh đến hộ và cơ sở chăn nuôi thông qua việc xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh với 484 cộng tác viên để báo cáo định kỳ và đột xuất khi có dịch bệnh; đồng thời quản lý chăn nuôi dịch tễ qua sổ theo dõi dịch tễ, nhất là các hộ tạm cư ở 9 quận, huyện (745 hộ, trên 43.000 con). Kiểm tra dịch tễ, giám sát huyết thanh học ở hộ và cơ sở chăn nuôi heo giống. Hiện đã làm một số bước và đều cho kết quả âm tính.

Tại 4 trạm đầu mối kiểm dịch TP là Thủ Đức, Xuân Hiệp, An Sương, An Lạc, phối hợp công an, quản lý thị trường quản lý 24/24 giờ việc vận chuyển động vật từ các nơi về. Tuần qua các thương lái đã được mới về dự buổi tập huấn về sự nguy hiểm của dịch bệnh, không ham rẻ mà mua heo, nếu phát hiện sẽ xử lý cả đàn. Tại các đầu mối giết mổ, kiểm soát chặt hồ sơ kiểm dịch, ghi rõ cả tên xã và tên huyện. Xử lý toàn lô hàng dịch bệnh, khử trùng tiêu độc tại cơ sở giết mổ và phương tiện vận chuyển trước khi rời khỏi cơ sở. Kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc sản phẩm tại các chợ kinh doanh sản phẩm động vật, cơ sở chế biến và quán ăn và tiêu độc khử trùng định kỳ.

* Việc phối hợp các tỉnh để cùng phòng chống dịch bệnh chắc cũng được chú ý?

* Chi cục Thú y TPHCM phối hợp chặt với lực lượng thú y các tỉnh thông qua các thông tin tình hình dịch tễ, tăng cường kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển về TP tiêu thụ. Bên cạnh đó, hỗ trợ các tỉnh chẩn đoán xét nghiệm bệnh, triển khai tiêm phòng vaccine bệnh heo tai xanh theo hướng dẫn của Cục Thú y. Khoanh vùng tuyên truyền người nuôi tự giác tiêm phòng, nhất là vùng con giống. Hiện nay sẽ tiêm phòng trại chăn nuôi nhà nước. Tập trung trước hết vào đàn giống, dự kiến sẽ tiêm phòng khoảng 10.000 - 30.000 đàn giống nọc, nái, nhất là đàn giống quan trọng.

* Xin cảm ơn ông. 

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục