Thiếu hụt iốt, bệnh bướu cổ lại tăng

Từ năm 2005, Việt Nam đã chính thức thanh toán thành công bệnh bướu cổ. Tuy nhiên gần đây số người bị bướu cổ và những ảnh hưởng của căn bệnh này đang gia tăng mạnh mẽ trở lại mà nguyên chính là Chương trình phòng chống bướu cổ và việc sử dụng muối iốt đang bị lãng quên ở nhiều địa phương.

Từ năm 2005, Việt Nam đã chính thức thanh toán thành công bệnh bướu cổ. Tuy nhiên gần đây số người bị bướu cổ và những ảnh hưởng của căn bệnh này đang gia tăng mạnh mẽ trở lại mà nguyên chính là Chương trình phòng chống bướu cổ và việc sử dụng muối iốt đang bị lãng quên ở nhiều địa phương.

Thủ tướng đã quyết định lấy ngày 2-11 hàng năm là ngày “Toàn dân mua và sử dụng muối iốt”, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân trong cả nước tham gia hưởng ứng sử dụng muối iốt, phòng chống rối loạn do thiếu hụt iốt gây ra như bệnh đần độn, bướu cổ…

Tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, than thở, bệnh viện ngày nào cũng quá tải, ngày ít ngày nhiều cũng ngót nghét 1.000 người tới khám và nhập viện. Trong số bệnh nhân tới khám và điều trị, ngoài các bệnh như đái tháo đường, gút thì có tới 50% là khám bướu cổ với đủ mọi thành phần, từ những người bệnh ở tận Hà Giang, Cao Bằng cho tới không ít người bệnh ở Hà Nội.

“Cả bệnh viện chỉ có 180 giường bệnh, nhưng hiện đã phải dành riêng đến 2 khoa là Khoa Nội 1, Khoa Nội 2 để điều trị cho bệnh nhân bướu cổ. Đấy là chưa kể đến những bệnh nhân bị bướu cổ nằm điều trị tại phòng yêu cầu hoặc ở Khoa Ngoại để chờ mổ…”, TS Vinh cho biết thêm.

TS Nguyễn Vinh Quang cho biết, năm 2005, Việt Nam đã chính thức công bố thanh toán bệnh bướu cổ, với tỷ lệ độ bao phủ muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh lên trên 93,2% dân số, tỷ lệ bướu cổ ở trẻ từ 8-12 tuổi giảm từ 10,1% năm 2000 xuống còn 3,6%. Tuy nhiên, kể từ năm 2006, Chương trình quốc gia về phòng chống bướu cổ được chuyển sang thành hoạt động thường quy của ngành y tế, khiến sự đầu tư về nhân lực, vật lực của Nhà nước cho hoạt động phòng chống thiếu hụt muối iốt bị cắt giảm mạnh.

Thực trạng trên đã khiến cho độ bao phủ muối iốt tại một số khu vực đã bị sụt giảm dần và kéo theo bệnh bướu cổ gia tăng trở lại. Điều tra mới đây của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tính đến năm 2008, độ bao phủ muối iốt chỉ còn 69,5% dân số, đặc biệt tại một số thành phố lớn và khu vực, tỷ lệ bao phủ muối iốt đã sụt giảm đáng kể như: Hà Nội từ 99,8% còn 25,6%, TPHCM từ 67,3% xuống 54,3%, khu vực đồng bằng sông Cửu Long giảm từ 88,1% xuống 74,8%.

TS Nguyễn Vinh Quang nhấn mạnh, việc thiếu muối iốt sẽ gây ra những hậu quả lớn về lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, sự phát triển của nòi giống và kinh tế-xã hội. Các rối loạn do thiếu hụt muối iốt bao gồm: bướu cổ, đần độn, chậm phát triển trí tuệ. Phụ nữ mang thai bị bướu cổ có thể gây sẩy thai, thai dị tật hoặc chết lưu. Do đó, trước những nguy cơ trên, bệnh viện đang phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của việc thiếu hụt iốt. Đồng thời tiến hành nghiên cứu để đưa iốt vào nhiều loại sản phẩm như bột canh, nước mắm, nước tương, với hàm lượng thích hợp đạt hiệu quả phòng bệnh, để giúp cho người dân có thêm nhiều chọn lựa trong việc sử dụng thực phẩm hàng ngày.

TRUNG KIÊN

Tin cùng chuyên mục