Dịch cúm heo hoành hành trên người ở Mexico có nguy cơ nguy hiểm hơn SARS !

Tăng cường kiểm tra dịch cúm trên heo

Đây là thông báo của TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường trong cuộc trao đổi sáng nay, 27-4, với phóng viên báo SGGP, trước tình hình dịch cúm heo đang lây lan mạnh trên người tại Mexico.

TS Nguyễn Huy Nga cho biết, thông báo mới đây nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến nay tại Mexico đã có trên 1.300 ca nghi ngờ bị nhiễm cúm heo H1N1, trong đó có trên 80 ca tử vong. Ngoài ra tại Mỹ cũng có trên 10 trường hợp được xác nhận là mắc căn bệnh nguy hiểm này.

Theo TS Nga, điều tra ban đầu của WHO đối với một số trường hợp mắc cúm heo H1N1, có thể căn bệnh này còn nguy hiểm hơn dịch SARS năm 2003 làm hơn 8.000 người mắc, trong đó có  916 người tử vong tại 32 quốc gia. Bởi lẽ, chủng virus cúm heo hiện đang bùng phát trên người ở Mexico là chủng virus cúm A có sự tái tổ hợp gien của cúm heo - cúm gia cầm - cúm trên người nên độc lực rất cao.

Khả năng lây lan của dịch bệnh này là rất lớn, không chỉ lây từ nguồn heo bệnh sang người mà việc lây từ người sang người qua tiếp xúc với người bệnh cũng khá cao, thậm chí kể cả trường hợp chưa xuất hiện các biểu hiện bệnh nhưng có mang virus cúm heo cũng có thể truyền bệnh sang người khác. Trong khi đó, đối với dịch SARS trước đây, khả năng lây từ người sang người chỉ rõ rệt nhất khi người bị SARS có những biểu hiện bệnh như sốt cao, suy hô hấp.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường cũng cho biết, hiện nay WHO vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về dịch cúm heo H1N1 ở Mexico và vẫn chưa đưa ra những định nghĩa về ca bệnh. Tuy nhiên, những triệu chứng, biểu hiện rõ rệt nhất của bệnh đã xác định được là các triệu chứng về hô hấp cùng với sốt cao, khó thở, đau đầu, đau cơ và một số trường hợp có kèm theo tiêu chảy.

Hiện nay, ở Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào mắc cúm heo H1N1. Tuy nhiên, Bộ Y tế và WHO đều cho rằng, Việt Nam phải cảnh giác đặc biệt đối với cúm heo H1N1 trên người vì mầm bệnh cúm gia cầm H5N1 còn tồn tại và đã có các ca tử vong ở người do nhiễm virus H5N1 từ đầu năm tới nay. Cùng với đó, số hộ nuôi heo ở Việt Nam khá lớn, trong khi điều kiện vệ sinh môi trường và chuồng trại nhiều nơi vẫn không được đảm bảo.

Cục trưởng Nguyễn Huy Nga cho biết,  Bộ Y tế đã khẩn cấp yêu cầu các địa phương triển khai ngay việc giám sát dịch bệnh, nhất là hoạt động kiểm dịch y tế biên giới, tại các cửa khẩu quốc tế để kịp thời phát hiện và cách ly ngay đối với những trường hợp tới Việt Nam từ vùng có dịch cúm heo H1N1 mà có biểu hiện như sốt cao, viêm đường hô hấp. Các địa phương cũng phải cử cán bộ giám sát dịch tễ trực dịch 24/24, đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.

Trong khi đó, theo thông tin Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho biết, hiện nay khu điều trị cách ly và các trang thiết bị y tế cũng đã được sẵn sàng trong trường hợp có ca bệnh đầu tiên ở Việt Nam. Đối với người dân cần phải giữ gìn các biện pháp vệ sinh cá nhân, an toàn vệ sinh thực phẩm, đeo khẩu trang khi đi đến nơi đông người, trường hợp người có biểu hiện sốt, viêm đường hô hấp không rõ nguyên nhân cần cách ly và báo ngay cho cơ quan y tế để được thăm khám, điều trị.

Về phía WHO tiếp tục đưa ra cảnh báo các quốc gia cần phải theo dõi sát sao cúm heo H1N1 vì bệnh này có nguy cơ bùng phát thành đại dịch. Về phía Việt Nam rà soát hệ thống phòng xét nghiệm và trường hợp có bệnh phẩm không xét nghiệm được, cần nhanh chóng gửi bệnh phẩm tới các phòng xét nghiệm hợp chuẩn của WHO.

Tăng cường kiểm tra dịch cúm trên heo

Trước thông tin dịch cúm trên heo đang bùng lên ở Mexico, làm hàng chục người thiệt mạng, sáng nay, 27-4, Bộ NN-PTNT cho biết đang khẩn trương họp bàn và chỉ đạo các cục có liên quan tìm các giải pháp để ứng phó nếu dịch cúm trên heo xảy ra ở Việt Nam. 

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Xuân Dương,  Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, nước ta vẫn nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm từ nước ngoài, tuy nhiên sau khi tăng thuế suất đối với thịt ngoại thì lượng thực phẩm nhập khẩu đã giảm đáng kể, trong đó lượng thịt heo từ Mexico không nhiều. Tất cả các lô thịt nhập về đều phải kiểm dịch thực phẩm một cách chặt chẽ.

Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cũng cho biết, cục sẽ chỉ đạo các trung tâm kiểm dịch tăng cường và phối hợp với các lực lượng kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm thịt nhập ngoại nói chung để ngăn ngừa hiệu quả nhất các nguy cơ lây lan dịch từ bên ngoài, đồng thời đã khẩn trương chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên heo, hướng dẫn người nông dân nuôi heo đúng quy cách, vệ sinh chuồng trại, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển heo đi tiêu thụ nhưng không có kiểm dịch.

Khánh Nguyễn

Tin cùng chuyên mục