Hatapharm kinh doanh vượt rào?

Thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, năm 2000 Công ty Dược phẩm Hà Tây tiến hành cổ phần hóa và trở thành Công ty cổ phần (CTCP) Dược phẩm Hà Tây (Hataphar). Với tiền thân là Công ty Dược phẩm Hà Tây có bề dày hơn 40 năm phát triển, sau khi tiến hành cổ phần hóa, Hataphar đã trở thành một trong những doanh nghiệp dược phẩm mạnh khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, gần đây rộ lên một số thông tin về những uẩn khúc cần làm rõ.

Thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, năm 2000 Công ty Dược phẩm Hà Tây tiến hành cổ phần hóa và trở thành Công ty cổ phần (CTCP) Dược phẩm Hà Tây (Hataphar). Với tiền thân là Công ty Dược phẩm Hà Tây có bề dày hơn 40 năm phát triển, sau khi tiến hành cổ phần hóa, Hataphar đã trở thành một trong những doanh nghiệp dược phẩm mạnh khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, gần đây rộ lên một số thông tin về những uẩn khúc cần làm rõ.

Uẩn khúc một thương hiệu

Sau 10 năm cổ phần hóa, Hataphar được Cục Quản lý dược cấp phép sản xuất và lưu hành trên toàn quốc hơn 250 mặt hàng thuốc đa dạng chủng loại, như thuốc viên nén, viên nang cứng, viên bao film, viên bao đường, viên nang mềm, thuốc nước, thuốc tiêm, thuốc bột. Trong quá trình phát triển, năm 2007 Hataphar quyết định góp vốn trị giá 2 tỷ đồng bằng 5.000m² đất vào CTCP dược và thiết bị y tế Hà Tây (Hatapharm).

Đối với những doanh nghiệp cổ phần hóa, việc góp vốn làm ăn, mở rộng sản xuất để tăng doanh thu, lợi nhuận là quy luật phát triển bình thường. Tuy nhiên, với trường hợp Hataphar khi góp vốn đầu tư vào Hatapharm - một doanh nghiệp cũng có nhiệm vụ chính là sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc chữa bệnh như Hataphar lại khiến dư luận không khỏi nghi ngờ. Đặc biệt là thương hiệu của Hatapharm gần như trùng lắp với Hataphar và nhà máy sản xuất thuốc của Hatapharm cũng nằm gần Hataphar.

Đáng lưu ý, Hatapharm sau khi được Hataphar góp vốn đầu tư đã có sự phát triển lợi nhuận, doanh thu tăng đột biến và bất ngờ, không như các doanh nghiệp dược phẩm khác mới thành lập thường phải chịu lỗ trong quá trình đầu tư xây dựng nhà máy, xây dựng thương hiệu sản phẩm và chi phí quảng bá chiếm lĩnh thị trường.

Tìm hiểu việc này chúng tôi được biết, tháng 6-2007 Hatapharm được cấp giấy phép thành lập, đăng ký kinh doanh và cho tới tháng 7-2009, mới nộp đơn xin đủ điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng nhưng từ tháng 4-2008, doanh nghiệp đã có doanh thu từ sản xuất.

Tính cả năm 2008 là năm đầu tiên Hatapharm đi vào hoạt động, doanh thu đã đạt tới 18,83 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 108,7%; lợi nhuận gộp đạt 3,99 tỷ đồng. Tới năm 2009, doanh thu của Hatapharm tiếp tục tăng trưởng khủng khiếp, đạt hơn 39 tỷ đồng; lợi nhuận gộp đạt hơn 7,8 tỷ đồng. So sánh cho thấy, lợi nhuận gộp biên năm 2008 của Hatapharm đạt mức 21,2% so với 1,9 % của Hataphar, còn trong năm 2009 chỉ số này là 20% so với 2,5% của Hataphar.

Sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trước khi được cấp phép

Với những chỉ số lợi nhuận mà Hatapharm đạt được sau 2 năm được cấp phép hoạt động so với Hataphar, một doanh nghiệp đã có bề dày với nhiều yếu tố ưu điểm để giảm chi phí sản xuất, đầu tư khiến không ít doanh nghiệp và dư luận ngỡ ngàng.

Một số nguồn tin cho biết, sở dĩ Hatapharm đạt được lợi nhuận bất thường như vậy là do Hatapharm thực chất là công ty con của Hataphar. Vì vậy, trong quá trình hoạt động, Hatapharm đã tiến hành sản xuất nhiều loại mặt hàng thực phẩm chức năng vào giai đoạn cuối năm 2007 và 2008, cho dù mãi đến tháng 8-2009 Hatapharm mới được Bộ Y tế cấp phép sản xuất thực phẩm chức năng.

Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn là Hatapharm đã tiến hành gia công và sản xuất nhiều mặt hàng thuốc gắn nhãn hiệu Hataphar mà chưa được phép của Bộ Y tế. Điều này khiến cho người tiêu dùng không khỏi lo ngại về chất lượng không ít mặt hàng thuốc của CTCP Dược phẩm Hà Tây (Hataphar) sản xuất tung ra thị trường.

Để làm rõ hơn những vấn đề trên, tìm hiểu từ phía Cục Quản lý dược, chúng tôi được biết, cho tới tháng 9-2010 Bộ Y tế vẫn chưa cấp phép đủ điều kiện sản xuất thuốc cho Hatapharm, cũng như chưa cấp số đăng ký, lưu hành cho bất cứ mặt hàng dược phẩm nào của Hatapharm.

Về phía doanh nghiệp, ông Lê Xuân Thắng, Giám đốc Hatapharm, kiêm Phó giám đốc của Hataphar cho biết, những nghi ngờ và uẩn khúc xung quanh hoạt động của công ty đã được báo cáo lên Sở Y tế Hà Nội.

Còn về phía Sở Y tế Hà Nội, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, trước những vấn đề trên, hiện nay đoàn thanh tra của sở đang tiến hành kiểm tra để làm rõ những vi phạm của CTCP dược và thiết bị y tế Hà Tây (Hatapharm), cũng như những vấn đề liên quan tới CTCP Dược phẩm Hà Tây (Hataphar), sớm công bố để doanh nghiệp bảo đảm hoạt động ổn định, giải đáp các nghi vấn dư luận đang đặt ra. 

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục