Loạn thuê bằng dược sĩ

“Tôi đã cho thuê bằng mấy lượt rồi. Hết hạn tôi lại cho thuê tiếp. Lần này cho chú thuê là ưu ái lắm nhé, chỉ 10 triệu đồng/tháng thôi. Giá cả leo thang, giá thuê cũng phải tăng chút chút”. Đó là cuộc trao đổi thuê bằng dược sĩ đại học để mở nhà thuốc giữa chị N.T.M. (ngụ quận 8, TPHCM) với anh H. Mặc dù Bộ Y tế cũng như Luật Dược năm 2005 nghiêm cấm tình trạng này nhưng nhiều năm qua, các cơ quan chức năng không kiểm soát được tình hình và nay tình trạng này càng rộ lên khi thời hạn buộc các nhà thuốc đăng ký cấp giấy phép thực hành nhà thuốc tốt (GPP) đang đến gần.
Loạn thuê bằng dược sĩ

“Tôi đã cho thuê bằng mấy lượt rồi. Hết hạn tôi lại cho thuê tiếp. Lần này cho chú thuê là ưu ái lắm nhé, chỉ 10 triệu đồng/tháng thôi. Giá cả leo thang, giá thuê cũng phải tăng chút chút”. Đó là cuộc trao đổi thuê bằng dược sĩ đại học để mở nhà thuốc giữa chị N.T.M. (ngụ quận 8, TPHCM) với anh H. Mặc dù Bộ Y tế cũng như Luật Dược năm 2005 nghiêm cấm tình trạng này nhưng nhiều năm qua, các cơ quan chức năng không kiểm soát được tình hình và nay tình trạng này càng rộ lên khi thời hạn buộc các nhà thuốc đăng ký cấp giấy phép thực hành nhà thuốc tốt (GPP) đang đến gần.

  • “Sốt” bằng dược sĩ

Sau một ngày dò hỏi, anh H. được biết chị M. đang có nhu cầu cho thuê bằng dược sĩ đại học liền liên hệ. “Mình không nhanh chân là hết cơ hội. Bây giờ kiếm bằng dược sĩ đại học “sạch” đỏ cả mắt”, anh H. tâm sự.

Là một đầu nậu chuyên cung cấp các mặt hàng thuốc tân dược cho các nhà thuốc bán lẻ, nhất là thuốc xách tay, anh H. đã nhiều năm bắt mối với các doanh nghiệp dược. Tuy nhiên, chỉ tốt nghiệp bằng Cao đẳng Marketing nên muốn mở nhà thuốc anh H. phải thuê bằng dược sĩ đại học để đứng tên xin giấy phép. “Cũng có mấy nơi cho thuê bằng nhưng phải cân nhắc vì có bằng đã bị vô “danh sách đen” của Sở Y tế rồi thì khó làm ăn lắm”, anh H. cho biết.

Không ít nhà thuốc thuê bằng dược sĩ đứng tên (ảnh có tính minh họa). Ảnh: Tg. LÂM

Không ít nhà thuốc thuê bằng dược sĩ đứng tên (ảnh có tính minh họa). Ảnh: Tg. LÂM

Tương tự, qua giới thiệu của một trình dược viên, chị K. liên hệ với một dược sĩ có bằng đại học ở quận 3, TPHCM để đặt vấn đề thuê bằng. Tuy nhiên, khi tiếp xúc, chị K. “choáng” vì giá cho thuê lên đến 15 triệu đồng/tháng và yêu cầu phải trả nguyên một năm. Đồng thời, thời hạn cho thuê là từng năm một. Theo chị K, vị dược sĩ cho thuê bằng tốt nghiệp Đại học Y Dược TPHCM năm 1998 và không có điều kiện mở nhà thuốc hay công ty dược. Nhiều năm qua vị này đã cho thuê bằng nhiều lần và đã có 1 lần bị Thanh tra Sở Y tế TPHCM xử phạt hành chính vì không có mặt tại nhà thuốc lúc bị kiểm tra và bán thuốc hết hạn sử dụng.

Dù đã có nhà thuốc từ 3 năm nay gần BV Chợ Rẫy, quận 5, TPHCM nhưng chị K. chưa làm thủ tục xin cấp giấy phép GPP vì không có bằng dược sĩ đứng tên. “Bắt buộc người đứng tên trong bằng phải có mặt tại nhà thuốc 24/24 giờ và ít nhất thời gian cho thuê 2 năm. Nhưng nay, do nhu cầu quá cao nên mấy dược sĩ làm eo, có khi qua năm, giá thuê bằng lại tăng gấp đôi”, chị K. nói. Chị cũng đang dự tính... mua hẳn bằng dược sĩ đại học để nâng cấp nhà thuốc lên công ty dược và làm ăn lâu dài. Chị cho biết cũng đã liên hệ mấy người có bằng dược sĩ đại học đặt vấn đề mua hoặc hợp tác kinh doanh nhưng giá hơi cao.

Theo dược sĩ Đông Phương, hiện đang làm việc cho một công ty dược ở quận Phú Nhuận, từ 3 tháng nay, bằng dược sĩ đại học, kể cả trung học được săn lùng gắt gao. Ngoài nhu cầu của thị trường, theo dược sĩ Phương, quy định bắt buộc làm GPP sắp hết hạn cũng tác động rất lớn. Vốn dĩ có bằng đại học dược sĩ nhưng chị Phương cũng đang đắn đo tìm xem chỗ nào cho thuê được giá cao mà… an toàn.

Còn theo dược sĩ T.N., đang công tác ở một công ty dược phẩm Trung ương, ai đồng ý thuê khoảng 12 triệu đồng/tháng anh sẽ cho thuê ngay. Trên các diễn đàn y dược gần đây, không ít người cũng đứng ra giới thiệu, như: “Hiện tôi là dược sĩ đại học có chứng chỉ hành nghề công ty dược, vậy ai có nhu cầu xin liên hệ…”; hoặc “Cần thuê chứng chỉ hành nghề để mở nhà thuốc. Giá hợp tác…”; “Hiện tôi đang có nhu cầu cho thuê bằng dược sĩ đại học, tốt nghiệp năm 2004. Cá nhân, đơn vị có nhu cầu mở công ty, hiệu thuốc… vui lòng liên hệ…”. Tuy nhiên, theo một số dược sĩ, không ít trường hợp cho thuê bằng chỉ là “cò” hoặc sau khi thuê cho thuê lại với giá cao hơn.

  • Biết nhưng... bó tay

Tại TPHCM, cơn sốt cho thuê bằng đã lan sang những dược sĩ vừa mới ra trường và số dược sĩ chưa đủ 5 năm từ ngày ra trường. Tuy nhiên, không ít công ty dược phẩm của quận, huyện “săn” bằng để mở hiệu thuốc. Tại một công ty dược phẩm trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, TPHCM, dược sĩ nào mới ra trường đến đây cũng được chào đón nhiệt tình. Để hợp thức hóa kiểu thuê bằng “non” này, lãnh đạo công ty đã yêu cầu các dược sĩ làm một bộ hồ sơ gồm giấy khám sức khỏe, photocopy bằng dược sĩ, đơn xin việc vào công ty. Mỗi tháng không làm gì, dược sĩ trẻ cho thuê bằng photocopy cũng kiếm từ 1 - 2 triệu đồng… Theo quy định, dược sĩ khi ra trường phải có 5 năm kinh nghiệm mới đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận hành nghề dược. Tuy nhiên, hiện “cơn khát” bằng dược sĩ đã khiến các công ty dược… ăn lúa non.

Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, hiện toàn TP có tới 3.600 nhà thuốc bán lẻ và gần 1.000 công ty TNHH dược phẩm các loại. Thế nhưng, theo tìm hiểu, chỉ khoảng 60% hiệu thuốc, công ty có dược sĩ của mình đứng tên, số còn lại đi thuê bằng. Đặc biệt gần đây, khi một số công ty dược mở hệ thống chuỗi nhà thuốc GPP thì càng thuê bằng dược sĩ nhiều hơn.

Biết vậy nhưng theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, các cơ quan chức năng vẫn chưa chấn chỉnh được tình trạng này. Cụ thể là đến hết năm 2010, TPHCM cấp được khoảng 1.500 giấy phép GPP cho nhà thuốc bán lẻ sẽ phần nào hạn chế tình trạng thuê bằng. “Yêu cầu đạt GPP là phải có dược sĩ đại học đứng tên phụ trách chuyên môn và thường trực tại nhà thuốc 24/24 giờ nên các nhà thuốc cũng khó thuê được”, PGS Phong Lan nói.

Theo một cán bộ Thanh tra Sở Y tế TPHCM, trong các đợt thanh, kiểm tra gần đây đã phát hiện không ít trường hợp nhà thuốc, công ty dược thuê mướn bằng dược sĩ đứng tên nhưng mới chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính. “Nếu ngành y tế kiểm soát chặt chẽ nạn cho thuê, mượn bằng dược sĩ tại TPHCM sẽ có khoảng hơn 60% nhà thuốc, hiệu thuốc bán lẻ đóng cửa”, một cán bộ thanh tra y tế cho biết.

Thực tế cho thấy, hầu hết những dược sĩ cho thuê bằng hiện nay đều có công việc ở các cơ quan nhà nước hoặc công ty dược. Do đó, yêu cầu buộc có mặt 24/24 giờ tại nhà thuốc là không thể. Đó là chưa kể nếu nhà thuốc làm ăn “bậy bạ”, chứng chỉ hành nghề sẽ bị tịch thu, xử phạt. Trong khi đó, với lộ trình 100% nhà thuốc đạt GPP đến cuối 2010 khiến bằng dược sĩ đại học bị thiếu hụt

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục