Ứng dụng kỹ thuật chọc hút máu đông

Phép màu cứu bệnh nhân nhồi máu não cấp

Tiêu sợi huyết bằng đường động mạch
Phép màu cứu bệnh nhân nhồi máu não cấp

Báo SGGP số ra ngày 23-2 đã đăng bài “Tai biến đột quỵ - Ngày càng trẻ hóa” rất được nhiều bạn đọc quan tâm. Thể theo nguyện vọng của bạn đọc, Báo SGGP tiếp tục thông tin thêm về kỹ thuật điều trị tai biến mạch máu não (đột quỵ) hiện nay, trong đó có kỹ thuật chọc hút máu đông (Penumbra) lần đầu tiên được triển khai tại Bệnh viện Nhân dân 115. Đây là đơn vị duy nhất của cả nước ứng dụng hiệu quả kỹ thuật này.

Bệnh nhân bị nhồi máu não được điều trị bằng kỹ thuật hút máu đông tại Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: Tg.LÂM

Bệnh nhân bị nhồi máu não được điều trị bằng kỹ thuật hút máu đông tại Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: Tg.LÂM

Tiêu sợi huyết bằng đường động mạch

Giữa tháng 10-2008, BV Nhân nhân 115 tiếp nhận bệnh nhân Trương Văn Ý (54 tuổi, ngụ Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân TPHCM) bị nhồi máu não cấp, liệt nửa người bên phải, không nói được, nguy cơ tử vong cao. Nhận định bệnh nhân bị đột quỵ thiếu máu cấp mức độ nặng do huyết khối di chuyển từ tim lên não làm tắc động mạch não và áp dụng phương pháp bơm thuốc tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch không hiệu quả, các bác sĩ BV Nhân dân 115 đã quyết định bơm thuốc bằng đường động mạch. Theo đó, một ống thông được luồn từ động mạch đùi lên động mạch chủ não bị tắc và bơm thuốc tiêu sợi huyết trực tiếp vào. Kết quả là sau 5 giờ điều trị, bệnh nhân nói chuyện được, cử động chân tay và dần hồi phục phần liệt nửa người bên phải… Đây là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam được BV Nhân dân 115 ghi nhận ứng dụng tiêu sợi huyết bằng đường động mạch.

Theo Ths-BS Nguyễn Huy Thắng (Khoa Bệnh lý mạch máu não BV Nhân dân 115), trước đây gần như 100% bệnh nhân đột quỵ đều tử vong hoặc bị di chứng liệt hoàn toàn, liệt nửa người, méo miệng… Sau đó, kỹ thuật y khoa thế giới có bước đột phá khi làm tái thông động mạch máu não bị tắc bằng phương pháp bơm thuốc tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch một cách gián tiếp.

Tuy nhiên, kỹ thuật này chưa đạt hiệu quả cao như mong muốn, nhất là đối với một số trường hợp bị nhồi máu não cấp. BS Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não BV Nhân dân 115 cho rằng, việc ứng dụng tiêu sợi huyết bằng đường động mạch có nhiều ưu điểm hơn bởi sự hiệu quả, an toàn, nguy cơ tai biến thấp, can thiệp ngay cả trên bệnh nhân có nhiều bệnh lý, tai biến khởi phát sau 6 giờ vẫn được can thiệp hiệu quả thay vì bình thường chỉ khoảng 3 giờ.

Cơ hội mới cho người bị đột quỵ

Sức khỏe ổn định, không để lại di chứng liệt nửa người đối với bệnh nhân L.T.Phiêu (65 tuổi, ngụ quận 11, TPHCM) được coi là phép màu nhiệm.

Cuối tháng 12-2009 vừa qua, bệnh nhân Phiêu cấp cứu tại BV Nhân dân 115 trong tình trạng liệt hoàn toàn bên phải, không nói được, huyết áp cao, tiểu đường… Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu não cấp mức độ nặng do cục máu đông làm tắc động mạch lớn của não. Với trường hợp này, theo BS Nguyễn Đức Khang, Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh, áp dụng tiêu sợi huyết là không hiệu quả. Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Liên cũng nhận thấy nguy cơ tử vong rất cao và cần ứng dụng một kỹ thuật cao hơn để lấy cục máu đông làm tắc động mạch não ra. Đó là kỹ thuật chọc hút bằng máy Penumbra. Kỹ thuật này đã được các bác sĩ Mỹ chuyển giao và BV Nhân dân 115 cũng đã cử người sang Mỹ để học tập cũng như mời các chuyên gia nước ngoài về tập huấn từ giữa năm 2009.

Theo BS Khang, kỹ thuật Penumbra là dùng kim chọc qua da ở vùng bẹn, luồn kim qua động mạch rồi đưa một ống thông đi vào lòng mạch máu não đến nơi cục máu đông đã được xác định qua hình ảnh chụp. Sau đó nối ống thông với thiết bị hút Penumbra và hút từ từ cục máu đông ra trong 20-30 phút. Sau khi hút xong sẽ tái thông lòng mạch máu não hoàn toàn, các mô não được tưới máu nuôi trở lại bình thường.

BS Nguyễn Thị Kim Liên cho biết, kỹ thuật Penumbra có thể cứu được bệnh nhân sau khi khởi phát đột quỵ từ 6 đến 8 giờ, tức khoảng thời gian “vàng” được phép dài hơn so với các kỹ thuật tiêu sợi huyết; được chỉ định trong những trường hợp đột quỵ mức độ nặng do tắc động mạch lớn, tắc máu nuôi não mà nếu ứng dụng các kỹ thuật khác cho khả năng thành công thấp. Với kỹ thuật Penumbra khả năng tái tuần hoàn máu nhanh hơn, bệnh nhân sớm bình phục. Tuy nhiên, nhược điểm của kỹ thuật Penumbra là đòi hỏi kỹ năng mà không phải bệnh viện nào cũng làm được, đồng thời chi phí cao (khoảng 100 triệu đồng/bệnh nhân). 

Là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba (sau bệnh tim mạch và ung thư), hàng năm tại Viện Nam, đột quỵ cướp đi sinh mạng của gần 11.000 người và để lại nhiều dị tật tai biến cho những người khác. Vì vậy, điều trị kịp thời, hiệu quả bằng kỹ thuật Penumbra đang mở ra cơ hội cho nhiều bệnh nhân mà ngay cả Singapore, Thái Lan hiện chưa ứng dụng thành công.

Quỳnh Chi

Tin cùng chuyên mục