Bệnh nhân cúm A/H5N1 suy đa phủ tạng đã xuất viện

Sáng nay, 2-4, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức cho bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Thủy (25 tuổi, đang nuôi con nhỏ 3 tháng, ở Sóc Sơn, Hà Nội) được ra viện, sau 3 tuần được điều trị cúm A/H5N1. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên một bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 bị biến chứng suy đa phủ tạng được cứu sống ở nước ta.

(SGGPO).- Sáng nay, 2-4, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức cho bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Thủy (25 tuổi, đang nuôi con nhỏ 3 tháng, ở Sóc Sơn, Hà Nội) được ra viện, sau 3 tuần được điều trị cúm A/H5N1. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên một bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 bị biến chứng suy đa phủ tạng được cứu sống ở nước ta.

PGS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bệnh nhân Thủy được chuyển từ BV Bắc Thăng Long đến khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 10-3, trong tình trạng rất nguy kịch sốt cao 41 độ, suy hô hấp nặng (khó thở dữ dội, tím tái),  tim nhanh, mạch 120 -130 lần/phút, huyết áp tụt 80-90/60 mmHg.

Để xử trí cấp cứu ban đầu, các bác sỹ đã cho bệnh nhân thở máy qua mặt nạ với nồng độ  ôxy cao, kết hợp với truyền dịch và dùng thuốc vận mạch để nâng huyết áp. Tuy vậy, tình trạng của chị Thủy vẫn diễn biến nặng hơn. Qua xét nghiệm khẳng định bệnh nhân bị nhiễm cúm A/H5N1. Lúc này, việc điều trị bằng thuốc kháng virus Tamiflu cho bệnh nhân hầu như không còn tác dụng vì bệnh nhân đến viện quá muộn và bị biến chứng suy đa phủ tạng: suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy thận, rối loạn đông máu, rối loạn chuyển hoá, nhiễm trùng nặng. Thêm vào đó, với thể trạng sau sinh còn yếu nên việc điều trị gặp vô vàn khó khăn.

Trước sự sống của bệnh nhân Thủy còn rất mong manh, các bác sỹ đã quyết định sử dụng phương pháp lọc máu liên tục dùng quả lọc chuyên biệt nhằm hấp thụ các nội độc tố đang lưu hành trong máu làm giảm  giảm bớt các phản ứng viêm và tổn thương các cơ quan. Đồng thời, sử dụng các biện pháp điều trị hỗ trợ nội tạng, như: máy trợ giúp hô hấp, kết hợp hỗ trợ gan, hỗ trợ suy thận, chống các rối loạn đông máu, chống nhiễm trùng, dùng thuốc kháng virus, nuôi dưỡng … Sau 7 ngày điều trị với 3 lần nguy cơ tử vong , tình trạng  suy hô hấp và suy các tạng của bệnh nhân đã dần được cải thiện. Cho đến ngày thứ 10 thì các cơ quan nội tạng của bệnh nhân trở lại bình thường, các chỉ số sinh tồn gần hồi phục.

PGS.TS Nguyễn Gia Bình cho biết, việc cứu sống bệnh nhân Thủy được xem là một kỳ tích của tập thể bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai, trong đó có sự giúp đỡ tích cực  của các chuyên gia thuộc Trung tâm Quốc gia về y tế và sức khoẻ toàn cầu của Nhật Bản.

QUỐC KHÁNH

Tin cùng chuyên mục