Quản không nổi, “đá” trách nhiệm

Cuối cùng thì Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng “lòi” gót chân Achilles khi tự nhận ra rằng “không quản lý nổi giá thuốc”. Đó là khẳng định của ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, khi mới đây ông trình bày với Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ông Cường nói thuốc chữa bệnh có những 3 mặt: kinh tế - y tế - xã hội, nhưng ông sợ nhất mặt xã hội, bởi rất nhạy cảm, hễ thuốc tăng giá là dân phản ứng, bức xúc khiến áp lực luôn đè nặng.

Vậy là qua bao năm quản lý giá thuốc, cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã cảm thấy không… kham nổi. Điều đó không có nghĩa thị trường dược phẩm quá phức tạp, các hãng dược lũng đoạn mà chính năng lực quản lý còn quá hành chính và yếu kém.

Từ khi có Luật Dược năm 2005, giá thuốc được quản lý theo kiểu các cơ sở sản xuất, kinh doanh tự định giá, tự do cạnh tranh khiến giá thuốc được các công ty tha hồ “đưa- đẩy” để đua nhau “bóp cổ” bệnh nhân. Biết vậy, nhưng nói như ông Trương Quốc Cường thì can thiệp vào thị trường thuốc thông qua các biện pháp hành chính chỉ là giải pháp tạm thời, áp dụng cho một số trường hợp nhất định…

Vậy biện pháp nào không hành chính để quản lý giá thuốc phù hợp? Vẫn chưa có câu trả lời xác đáng. Quả thật là “huề cả làng” khi một Cục trưởng đương nhiệm phán rằng, lĩnh vực ông đích thân quản lý nhưng lại không quản được. Suy ra ông cũng dũng cảm vì dám chấp nhận sự thật, nhưng cũng đồng nghĩa hoặc là năng lực kém hoặc là cố ý buông lỏng để cho các hãng dược “tung hoành”? Vậy ai chịu trách nhiệm trước việc người bệnh phải vay mượn, cầm cố, nợ nần để lấy tiền mua thuốc, chưa kể không ít người bệnh đã phải chết một cách tức tưởi vì không đủ tiền mua thuốc.

22.000 danh mục thuốc đang bày bán trên thị trường, nhưng chỉ có khoảng 500 danh mục là thuốc thiết yếu, được người dân thường xuyên sử dụng. Vậy tại sao không tập trung quản lý những mặt hàng thiết yếu đó? Ý kiến này đã được ghi nhận từ lâu, nhưng không hiểu sao Cục Quản lý dược vẫn muốn ôm đồm, quản lý dàn trải và chạy theo vụ việc.

Để cho đến hôm nay, thị trường dược phẩm vẫn bát nháo, giá cả không kiểm soát nổi. Theo ông Cục trưởng Cục Quản lý dược, quản lý giá thuốc cũng đòi hỏi cơ quan quản lý phải có chuyên môn về lĩnh vực kinh tế- tài chính. Do đó, về lâu dài, ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành về kinh tế-tài chính, và lúc đó Bộ Y tế chỉ còn là cơ quan chuyên ngành về y tế thực hiện chức năng phối hợp!

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục