Bịt “lỗ hổng” trong quản lý giá thuốc

(SGGP).- Trước tình trạng giá thuốc vẫn liên tục biến động, gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng, đặc biệt là người bệnh phải trả giá thuốc quá cao so với thu nhập, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam thừa nhận, hiện nay trong việc quản lý giá thuốc vẫn tồn tại “lỗ hổng” khiến doanh nghiệp có thể thao túng được giá thuốc.

Theo Pháp lệnh Giá và Luật Dược năm 2005 thì Nhà nước quản lý giá theo nguyên tắc các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, buôn bán thuốc tự định giá, cạnh tranh về giá và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Cụ thể, đối với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc phải kê khai giá thuốc trước khi lưu hành trên thị trường và khi thay đổi lại giá thuốc thì phải kê khai lại với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý Dược cho rằng, quy định này đang bị doanh nghiệp lợi dụng vì thực tế, các doanh nghiệp khi nhập khẩu thuốc chỉ khai báo giá CIF (giá của hàng hóa nhập khẩu tính tại biên giới hải quan của nước nhập khẩu trước khi đóng bất kỳ loại thuế nhập khẩu hay thuế khác đánh vào hàng nhập khẩu) với cơ quan hải quan, trong khi giá CIF khai báo nhiều khi cũng không được kiểm chứng, sau đó doanh nghiệp đưa ra thị trường bán.

Trong khi đó, cơ quan quản lý giá thuốc hiện mới chỉ thực hiện được phần hậu kiểm, nghĩa là mới kiểm soát được giá thuốc khi doanh nghiệp kê khai, niêm yết giá và đấu thầu. Điều này đồng nghĩa với việc, ngay từ khi chuẩn bị nhập về Việt Nam đã bị doanh nghiệp “làm giá” tăng cao gấp nhiều lần so với giá gốc bán ra. Sau đó khi thuốc được nhập về, việc mua bán lòng vòng qua nhiều tầng lớp tiếp tục đẩy giá thuốc lên tiếp và cuối cùng người bệnh là nạn nhân phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất của giá thuốc “trên trời”.

Đối với thuốc sản xuất trong nước, dù cho tới nay đã chiếm lĩnh tới trên 50% thị phần thị trường dược nhưng thực tế 90% nguyên liệu để sản xuất lại phải nhập khẩu. Thực trạng này cũng tác động nhiều tới giá thuốc nội khi nguyên liệu sản xuất có những biến động về giá cả.

Trước những “lỗ hổng” trong quản lý giá thuốc hiện nay, Cục Quản lý dược Việt Nam sau buổi làm việc với Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và một số cơ quan chức năng đã thống nhất đề xuất sửa Luật Dược 2005 theo hướng tạo những công cụ kiểm soát mạnh hơn.

Cục Quản lý dược sẽ xây dựng một phần mềm quản lý liên thông giữa y tế, hải quan để kiểm soát giá thuốc vào Việt Nam và giá thuốc tại các nước trước khi khai báo hải quan. Đồng thời, Cục Quản lý dược sẽ tập trung kiểm soát giá 100-200 hoạt chất có số lượng người sử dụng lớn, điều trị những bệnh thiết yếu nhất, thuốc bị độc quyền, bị làm giá. Giá thuốc sẽ được quản lý từ đầu đến cuối chứ không chỉ quản lý ở khâu bán buôn như hiện nay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với 200 hoạt chất được Cục Quản lý dược tập trung quản lý về giá chỉ là muối bỏ bể so với hơn 20.000 mặt hàng thuốc đang lưu hành trên thị trường nên thị trường dược sẽ khó có thể sớm được ổn định.

T.KIÊN

Tin cùng chuyên mục