Khám bệnh bảo hiểm y tế: Chưa hết trần ai

Đoạn trường gian nan
Khám bệnh bảo hiểm y tế: Chưa hết trần ai

Sau gần 2 giờ chờ đợi, cuối cùng anh N.T.H. (ngụ quận 7, TPHCM) cũng đến lượt vào khám. Vừa đưa sổ khám bệnh, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), cô nhân viên liền yêu cầu anh H. đưa thêm CMND. Sau khi trình bày việc để quên CMND ở nhà, cô nhân viên liền xẵng giọng: “Có bằng lái không. Lần sau nhớ mang đi nhé, chứ đừng tưởng ai cũng biết mặt đâu”. Qua 5 cửa ải, cuối cùng, anh N.T.H. cũng thực hiện xong quy trình khám tim mạch diện BHYT trong… một buổi sáng.

Điều dưỡng BV Nhân dân 115 dẫn bệnh nhân đi xét nghiệm lâm sàng giúp rút ngắn thời gian chờ đợi cho bệnh nhân. Ảnh: Tg.LÂM

Điều dưỡng BV Nhân dân 115 dẫn bệnh nhân đi xét nghiệm lâm sàng giúp rút ngắn thời gian chờ đợi cho bệnh nhân. Ảnh: Tg.LÂM

Đoạn trường gian nan

Mới 6 giờ sáng, khu khám BHYT chưa mở cửa tiếp nhận bệnh nhân nhưng dọc hành lang và ghế chờ của BV Nguyễn Tri Phương TPHCM đã đông kín người. Lúc này, con số hiện trên tấm bảng điện tử phía trước cửa làm thủ tục khám bệnh đã gần 2.000. Chị Lê Thị Kim Thúy, ngụ huyện Bình Chánh, cho biết: “Em dậy từ 4 giờ sáng. Hai mẹ con lục tục đến nơi đã gần 7 giờ”. Cầm số phiếu 2118, chị Thúy than thở vì phải đợi lâu mới đến lượt. Trong khi đó, bệnh nhân N.T.H. do mới đi khám BHYT lần đầu phải lòng vòng hỏi thăm một lúc mới lấy được số thứ tự 2193. “Qua bển mà mua sổ khám rồi đợi đến lượt gọi số. Cứ đi uống cà phê một vòng về là vừa kịp”, một cụ già đứng cạnh bên nhắc…

Yêu cầu khám tim mạch, anh H. được cho một phiếu thứ tự ghi số 0267 và phòng khám A.34. Vậy là qua khâu thủ tục ban đầu, lúc này đồng hồ vừa điểm 9 giờ sáng. Tính ra, anh H. đã đợi hết 2 giờ đồng hồ. Bước vào phòng khám A.34, cô điều dưỡng đo huyết áp rồi chuyển cho vị bác sĩ đang kê toa trên máy vi tính. Sau cuộc hỏi han chóng vánh, bác sĩ đưa 2 phiếu chỉ định cho cô điều dưỡng và cô này ghi trên góc phiếu: 38, 18, SA tim. Dò hỏi một lúc, anh H. mới được biết là qua phòng 38 đóng tiền, rồi qua phòng 18 đo điện tim và đi siêu âm tim. Quả chẳng khác nào đánh đố nhau. Sau khi “lượn” mấy vòng mò mẫm đi tìm chỗ làm 2 chỉ định trên, anh H. quay về phòng khám A.34 và được cho thêm phiếu chỉ định khác: điện tâm đồ gắng sức!

Tình cảnh của anh H. cũng chẳng khác gì mấy so với hầu hết bệnh nhân đến khám BHYT tại một vài bệnh viện công khác. Tại BV Chấn thương Chỉnh hình, thường thấy cảnh tượng chen chúc ở khu khám BHYT. Cả khuôn viên bệnh viện, lối đi cầu thang đều chật cứng bệnh nhân nằm, ngồi vạ vật. Một bệnh nhân than vãn: “Đã 10 giờ rồi mà mới tới số 120, mình những 640 thì chắc ngày mai mới đến lượt”. Tại các cửa phòng chụp X-quang, người đợi đến lượt chụp, nhận kết quả chen kín nhau nên gần như không còn khoảng trống. Một bệnh nhân bị đau cột sống nhiều năm khám BHYT tại bệnh viện rầu rĩ: “Hôm nào đi khám sớm thì mất nguyên ngày, còn muộn thì mất thêm ngày nữa”.

Đủ kiểu... hành

Có lẽ, chuyện mất thời gian, vạ vật qua các thủ tục khám BHYT vẫn là tâm tư của không ít người bệnh, đặc biệt đối với những người già, lớn tuổi. Trong cuộc họp sơ kết 1 năm triển khai Luật BHYT mới (có hiệu lực từ 1-7-2009), ông Bùi Minh Đông, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, cho rằng lượng người tham gia BHYT tăng nhanh, vượt 45% so với trước khi có Luật BHYT mới (hiện đã hơn 4 triệu thẻ BHYT) nhưng tiện ích công nghệ thông tin chưa đồng bộ khiến việc quản lý đối tượng khám chữa bệnh khó khăn. Trẻ dưới 6 tuổi dùng giấy khai sinh, giấy chứng sinh nên vừa khó cho bệnh viện vừa khó kiểm tra, thống kê cho cơ quan BHYT.

Hiện cơ sở vật chất của một số bệnh viện, nhất là tuyến quận huyện (nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu) chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. BS Trần Thanh Mỹ, Giám đốc BV Chấn thương Chỉnh hình, cho biết: “Cơ sở vật chất của BV chật hẹp, xuống cấp trong khi bệnh nhân ngày một tăng. Có muốn cải thiện đôi khi cũng khó”. Còn theo BS Nguyễn Thi Hùng, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, BV đã cố gắng nâng cấp mở rộng và ưu tiên “chỗ đẹp” cho khám BHYT, nhưng vẫn chưa giảm được thời gian chờ đợi. Với 60%-70% bệnh nhân khám ngoại trú thuộc diện BHYT trên tổng số 800-1.000 bệnh nhân đến khám/ngày đang là thách thức lớn cho BV Nguyễn Tri Phương. Nhẫm tính, một bệnh nhân khám BHYT phải qua ít nhất 5 khâu, từ nhận phiếu thứ tự đến lĩnh thuốc. Còn nếu có các chỉ định xét nghiệm lâm sàng, chụp chiếu thì phải tiếp tục chịu cảnh trần ai.

Hơn 1 năm kể từ khi Luật Bảo hiểm y tế mới được áp dụng, công tác khám chữa bệnh BHYT đã phần nào được cải thiện hơn với việc đồng chi trả và nỗ lực chấn chỉnh quy trình khám chữa bệnh của các cơ sở y tế. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bất cập khiến người bệnh bị đối xử bất công và tốn kém thời gian. Do đó, xây dựng một quy trình khám bệnh cho bệnh nhân BHYT làm sao vừa hiệu quả vừa rút ngắn thời gian đang là nhu cầu bức thiết cho người dân.

BS Nguyễn Đại Biên, Trưởng khoa Khám BV Nhân dân 115 bộc bạch: “Bệnh viện như trận đồ bát quái. Riêng việc bệnh nhân tự đi tìm chỗ làm các xét nghiệm lâm sàng cũng đủ mất thời gian”. Nhận ra điều này, Phòng khám BV Nhân dân 115 đã thực hiện quy trình mới là cho điều dưỡng dẫn bệnh nhân đi làm xét nghiệm mà không phải trả thêm tiền. Thế nhưng, điều này không phải dễ đối với nhiều bệnh viện khác bởi thiếu nhân sự, lấn cấn thu nhập…

Nhiều bệnh viện chú trọng “tăng thu” nên dù có bệnh nhân diện BHYT vẫn cố tình đẩy sang dịch vụ. Thậm chí BV đa khoa khu vực T.Đ thu dịch vụ khám lên tới 50.000 đồng. Sau khi trừ đi phần BHYT hỗ trợ là 3.000 đồng, bệnh nhân muốn “khám lè lẹ” phải è cổ đóng thêm 47.000 đồng. Hơn nữa, do tăng cường xã hội hóa dịch vụ nên một số bệnh viện tự áp giá, sau đó trừ đi phần BHYT chi trả, phần chênh lệch còn lại bệnh nhân phải trả mà không hề được biết đó là khoản gì…

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục