Các ca ghép tạng từ người chết não hồi phục tốt

  •  Cần thay đổi quan niệm “chết phải toàn thây”

(SGGPO).- Ngày 23-4, PGS, TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, sau một tuần, 4 ca ghép tạng cùng lúc lấy nguồn tạng từ người chết não hiến tặng, sức khỏe các bệnh nhân được ghép tạng (1 ca ghép tim, 1 ca ghép gan và 2 ca ghép thận) đang có tiến triển rất tốt.

2 bệnh nhân ghép thận có thể được xuất viện trong tuần tới và sức khỏe bệnh nhân ghép gan cũng rất khả quan nên cũng sẽ sớm được ra viện. Đặc biệt, đối với bệnh nhân ghép tim hiện đã hoàn toàn tỉnh táo, đi lại được, không còn phụ thuộc máy móc hay loại thuốc trợ sức nào, nhịp tim ổn định đều, huyết áp bình thường.

PGS,TS Nguyễn Hữu Ước, phụ trách Khoa Phẫu thuật Tim mạch cho biết, bệnh nhân ghép tim hồi phục sức khỏe nhanh là thành công không ngờ vì  đây là ca ghép tim tiên lượng ban đầu khó do không có nhiều thời gian chuẩn bị và sự chênh lệch tuổi giữa người cho và người nhận khá nhiều. Trước khi ghép, bệnh nhân bị suy tim rất nặng, suy thận độ 2, nguy cơ đột tử cao.

Theo đánh giá của TS Nguyễn Tiến Quyết, sau ca ghép tim tại bệnh viện Việt Đức, cùng với những thành công bệnh viện Quân Y 103, Bệnh viện Trung ương Huế với 2 ca ghép tim trước đó, có thể khẳng định ngành ghép tạng của Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Trình độ y học  ghép tạng của bác sĩ Việt Nam không thua kém gì các bác sĩ trên thế giới. Hơn nữa, chi phí cho một ca ghép tạng ở nước ta thấp hơn nhiều so với nước ngoài. Nếu tính trung bình, một ca ghép tim, gan ở nước ngoài tiêu tốn khoảng 3 tỷ đồng thì ở trong nước chỉ mất chưa đầy 1 tỷ đồng/1ca.

Tuy nhiên, mặc dù ngành ghép tạng trong nước đang phát triển mạnh mẽ, nhưng nhiều chuyên gia y tế cũng bày tỏ lo ngại khi mà nguồn tạng để ghép ở nước ta hiện vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu ghép tạng  rất cao. Trong khi đó, mỗi ngày, cả nước có hàng trăm ca tai nạn, ca chết não, chỉ riêng tại bệnh viện Việt Đức, mỗi ngày có 5-10 trường hợp chấn thương sọ não không có khả năng sống sót nên đây là nguồn tạng rất quý giá cho người mắc bệnh hiểm nghèo nếu được hiến tặng. Do đó, theo nhiều chuyên gia y tế, nếu chúng ta thực hiện tốt vận động, tuyên truyền hiến tạng, thay đổi được quan niệm “chết phải toàn thây” thì  sẽ có nhiều người, nhất là với những người chết não hiến tặng nội tạng, giúp cứu sống được nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo.

Nguyễn Quốc

Tin cùng chuyên mục