Khám chữa bệnh diện BHYT - Vẫn vướng mắc và bất cập

Người dân có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh vẫn phải bỏ tiền túi một khoản không nhỏ. Trong khi đó, quyền lợi trong khám chữa bệnh và chất lượng dịch vụ y tế họ được thụ hưởng vẫn còn hạn chế. Thực trạng này khiến cho không ít người chưa thực sự… mặn mà với chính sách BHYT dù Luật BHYT đã 3 năm đi vào cuộc sống.
Khám chữa bệnh diện BHYT - Vẫn vướng mắc và bất cập

Người dân có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh vẫn phải bỏ tiền túi một khoản không nhỏ. Trong khi đó, quyền lợi trong khám chữa bệnh và chất lượng dịch vụ y tế họ được thụ hưởng vẫn còn hạn chế. Thực trạng này khiến cho không ít người chưa thực sự… mặn mà với chính sách BHYT dù Luật BHYT đã 3 năm đi vào cuộc sống.

  • 5% - gánh nặng lớn

Ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Mai Châu, Hòa Bình, cho biết mặc dù số người có thẻ BHYT tới bệnh viện khám tăng đều hàng năm, tuy nhiên với đặc thù là khu vực miền núi, đời sống người dân còn rất nghèo nên nhiều người đi viện không đủ tiền ăn cho chính mình và cả những người đi theo nói gì tới việc chỉ trả 5%. Có không ít bệnh nhân nghèo chỉ vì không chịu nổi được khoản chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh mà đã phải trốn viện, bỏ dở quá trình điều trị, thậm chí ốm đau không dám đi viện.

Bác sĩ Bệnh viện Quận 2 khám bệnh cho bệnh nhân có BHYT. Ảnh: MAI HẢI

Bác sĩ Bệnh viện Quận 2 khám bệnh cho bệnh nhân có BHYT. Ảnh: MAI HẢI

Đồng tình với ý kiến trên, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế thẳng thắn cho rằng, Luật BHYT quy định người bệnh BHYT phải thực hiện cùng chi trả 5% hoặc 20% chi phí khám chữa bệnh tùy theo nhóm đối tượng đang tác động đáng kể tới người bệnh. Đặc biệt, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính… phải chịu gánh nặng lớn chi phí khám chữa bệnh mỗi khi ốm đau bệnh tật. Trong khi đó, nhiều bệnh viện than thở, việc người bệnh có BHYT phải chịu thực hiện quy định về cùng chi trả đã khiến họ gặp nhiều rắc rối, phiền hà, cũng như tốn kém thời gian cho cả người bệnh khi thực hiện các thủ tục thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

  • Người bệnh cần được hưởng nhiều quyền lợi hơn

Theo điều tra của Bộ Y tế, tỷ lệ người nghèo bị ốm không được điều trị chiếm khoảng 40%. Trong đó, nguyên nhân khó khăn về tài chính chiếm 53%, gần 60% hộ nghèo mắc nợ do chi phí khám chữa bệnh. Như vậy, 5% cùng chi trả là gánh nặng về kinh tế, là “cái bẫy” đói nghèo của người dân.

Hiện mức chi tiêu trực tiếp tiền túi của hộ gia đình ở mức khoảng 49% tổng chi y tế, trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, chi phí này không nên vượt quá 30%.

Về phía Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Lê Bạch Hồng, Tổng Giám đốc cho biết, đến nay, cả nước đã có trên 57 triệu người tham gia BHYT, tăng hơn 4 triệu người so với năm 2011. Tuy nhiên, cả nước hiện vẫn còn tới 35% dân số chưa có BHYT, trong khi đó việc mở rộng các đối tượng tham gia BHYT vẫn gặp nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, trong nhóm đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT như: người lao động và người sử dụng lao động mới chỉ có hơn 58%, tương đương 9 triệu người có BHYT. Lãnh đạo BHXH Việt Nam cho rằng do thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện Luật BHYT. Chế tài xử phạt vi phạm pháp luật về BHYT chưa nghiêm túc và đủ mạnh dẫn tới một số đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT đã đứng ngoài cuộc.

Không chỉ có vậy, BHXH Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ rõ, đến nay, cả nước có hơn 2.453 cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT. Tuy nhiên, người bệnh hiện vẫn phải chịu cảnh quá tải, chờ đợi lâu ở nhiều bệnh viện tuyến trung ương. Chất lượng thuốc chữa bệnh, dịch vụ kỹ thuật y tế còn nhiều hạn chế, nhất là ở các tuyến y tế cơ sở và vùng sâu, vùng xa.

Trước những bất cập trên, để bảo đảm ổn định lâu dài và phát triển bền vững của chính sách BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, cần phải sửa Luật BHYT hướng đến 3 mục tiêu chính là tăng tỷ lệ người tham gia BHYT, người tham gia BHYT được hưởng nhiều quyền lợi hơn và chất lượng y tế cũng nâng cao hơn. Trong đó, đề nghị sửa đổi quy định cùng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh đối với một số nhóm đối tượng (người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người được hưởng trợ cấp xã hội, thân nhân liệt sĩ…” theo hướng giảm nhẹ và quy định giới hạn số tiền tối đa cùng chi trả.

Trong khi đó, BHXH Việt Nam đề nghị sửa đổi quy định về nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hướng tham gia BHYT theo “hộ gia đình” nhằm mở rộng được hơn nữa số người tham gia BHYT.

Lý giải cho đề xuất sửa đổi này, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT cho rằng, khi hướng tới BHYT theo hộ gia đình sẽ bắt buộc các thành viên trong gia đình phải tham gia 100%. Kinh nghiệm tại nhiều nước trên thế giới và khu vực đã cho thấy, việc tham gia theo hộ gia đình là một cách thức tối ưu để thực hiện BHYT toàn dân. Bà Tống Thị Song Hương cho biết, nếu chỉ có người ốm hoặc có nguy cơ ốm đau mới mua BHYT thì tính nhân văn, ý nghĩa chia sẻ rủi ro của BHYT không còn ý nghĩa. 

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục