Xây dựng cơ sở vệ tinh tuyến dưới

Trước thực trạng quá tải các bệnh viện tuyến trên hiện nay, nhiều giải pháp đang được đưa ra. Tuy nhiên, với thực tiễn cơ sở vật chất, nhân lực hiện nay, giải pháp đột phá nào có thể mang lại hiệu quả. Bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho rằng cần xây dựng các cơ sở y tế vệ tinh ngay trong các bệnh viện tuyến dưới.

- PV: Là một trong những bệnh viện chuyên khoa quá tải trầm trọng nhất hiện nay tại TPHCM, có giải pháp nào hạn chế tình trạng này?

- BS LÊ HOÀNG MINH: Vấn đề quá tải không phải mới đây mà đã diễn ra nhiều năm nay. Mỗi năm bệnh viện tăng thêm 10% lượng bệnh nhân, trong khi giường bệnh không tăng. Đáng nói, 60%-70% bệnh nhân đến từ tuyến tỉnh. Nguyên nhân vì đâu? Các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đều có khoa ung bướu, thậm chí có cả bệnh viện ung bướu như Cần Thơ, nhưng đầu tư chưa đồng bộ, chưa đúng mức. Nên bệnh nhân vượt tuyến. Ở đây, các giải pháp chống quá tải có thể trước mắt và lâu dài.

Trước mắt, đó là nội lực của bệnh viện như khám sớm, khám thông tầm để tận dụng thời gian; khám, điều trị ngoài giờ, kể cả ngày nghỉ; ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính; đầu tư thêm trang thiết bị máy móc hiện đại; hỗ trợ đào tạo và tập huấn chuyên môn cho bệnh viện tuyến dưới; mở thêm các khoa, phòng... Về lâu dài, đang xúc tiến xây dựng thêm cơ sở 2 ở quận 9 và Khu khám, chẩn đoán, điều trị kỹ thuật cao tại 47 Nguyễn Huy Lượng, phường 14, quận Bình Thạnh.

- Tuy nhiên, những biện pháp trước mắt xem ra hiệu quả chưa đáng kể, còn lâu dài thì khó triển khai trong ngày một, ngày hai. Liệu có biện pháp đột phá không?

- Tôi nghĩ đây là cái mà TPHCM cũng như ngành y tế đang cần để chống quá tải. Đối với BV Ung bướu đã nghiên cứu các giải pháp đột phá và nhận ra rằng chỉ có 2 cách. Một là chỉ tập trung cho bệnh nhân nội trú và một số khoa quan trọng. Những bệnh nhân còn khỏe mà có nhà ở TPHCM hoặc ở tỉnh nhưng có thân nhân ở TP thì kiên quyết đưa ra ngoại trú. Với 1.700-1.800 bệnh nhân nội trú hiện nay, trong năm 2012 này bệnh viện sẽ giảm xuống 15%-20%.

Thứ hai là BV Ung bướu đang bàn thảo với các bệnh viện quận huyện chưa hoạt động hết công suất giường để mở các khoa vệ tinh. Chẳng hạn đã bàn thảo với bệnh viện quận 2, quận 9 để xin mỗi bệnh viện 40-50 giường triển khai khoa vệ tinh. Hay như đã kết hợp với BV quận Bình Thạnh mở phòng khám tuyến giáp và thu hút khá đông người bệnh.

Với 23 bệnh viện quận huyện, phần lớn mới đạt công suất 60-70 giường bệnh, thiết nghĩ, UBND TPHCM có chủ trương để không chỉ BV Ung bướu mà các bệnh viện tuyến trên khác như Chấn thương Chỉnh hình, Nhi đồng 1... có thể kết hợp xây dựng các cơ sở y tế vệ tinh vừa giúp giảm tải cho tuyến trên, vừa nâng cao chất lượng khám, điều trị, tạo uy tín cho tuyến dưới. Cái quan trọng nữa là giải quyết giảm tải bệnh nhân tuyến tỉnh. Điều này, ngoài việc đầu tư cho các địa phương, bệnh viện tuyến trên như Ung bướu, Chợ Rẫy... có thể đưa bác sĩ xuống huấn luyện và cử bác sĩ tuyến tỉnh lên tập huấn nhưng chỉ hạn chế thôi.

Cốt lõi là Bộ Y tế cần có giải pháp xây dựng cụm bệnh viện trọng điểm. Chẳng hạn Cần Thơ là trọng điểm khu vực ĐBSCL thì phải tập trung xây dựng các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa mạnh để thu hút bệnh nhân trong vùng, tránh vượt tuyến lên TPHCM.


TƯỜNG LÂM (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục