Lại lo vỡ Quỹ Bảo hiểm y tế

Trong khi năm 2011 Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) kết dư khoảng 5.000 tỷ đồng và là năm thứ 2 liên tiếp quỹ này được kết dư sau nhiều năm liên tục bị… vỡ. Thế nhưng, sang năm 2012, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cảnh báo nguy cơ vỡ quỹ BHYT lại tái diễn do chi phí điều trị phải thanh toán quá cao, nhất là kể từ khi Thông tư 31/2011-TT-BYT hướng dẫn thực hiện danh mục thuốc được BHYT thanh toán và mở rộng bổ sung nhiều loại thuốc có giá… trên trời.
Lại lo vỡ Quỹ Bảo hiểm y tế

Trong khi năm 2011 Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) kết dư khoảng 5.000 tỷ đồng và là năm thứ 2 liên tiếp quỹ này được kết dư sau nhiều năm liên tục bị… vỡ. Thế nhưng, sang năm 2012, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cảnh báo nguy cơ vỡ quỹ BHYT lại tái diễn do chi phí điều trị phải thanh toán quá cao, nhất là kể từ khi Thông tư 31/2011-TT-BYT hướng dẫn thực hiện danh mục thuốc được BHYT thanh toán và mở rộng bổ sung nhiều loại thuốc có giá… trên trời.

  • Còng lưng với... giá thuốc

Cầm một mớ giấy tờ, hóa đơn ngồi chờ trước quầy chuẩn bị làm thủ tục thanh toán BHYT và xuất viện của Bệnh viện Ung bướu TPHCM, chị H.T.L (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) thở dài: “Chi phí điều trị nhiều quá, may mà có bảo hiểm thanh toán hết cho không thì lấy đâu ra”. Đưa toa thuốc, chị L. (bị ung thư thận tiến triển) chỉ vào loại thuốc Nexava viên uống nói: “Uống thuốc này mất cả trăm triệu đồng mỗi tháng đó chú. Không có bảo hiểm thì có bán nhà cũng chưa chắc lo liệu đủ”.

Với gánh nặng thanh toán giá thuốc, BHYT luôn lo ngại vỡ quỹ. (Trong ảnh: Người bệnh nhận thuốc BHYT tại Bệnh viện Nhân dân 115).

Với gánh nặng thanh toán giá thuốc, BHYT luôn lo ngại vỡ quỹ. (Trong ảnh: Người bệnh nhận thuốc BHYT tại Bệnh viện Nhân dân 115).

Trao đổi với một bác sĩ khoa ngoại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, vị này cho biết nhiều loại thuốc trị ung thư có giá rất cao mà nếu bệnh nhân không có điều kiện, không có BHYT thanh toán thì không theo nổi. Chẳng hạn thuốc Nexava điều trị các bệnh ung thư gan, ung thư thận tiến triển phải mất từ 80 triệu đồng đến 150 triệu đồng/tháng, hay như thuốc Tarceva điều trị ung thư phổi, ung thư tụy bình quân cũng 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng/bệnh nhân/tháng…

Trong khi đó, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, chi phí điều trị bệnh viêm gan C cũng không phải là ít. Một bác sĩ ở đây cho biết nếu dùng thuốc Interferon hay Peginterferon điều trị viêm gan C thì chi phí điều trị bình quân cho một bệnh nhân theo phác đồ trung bình từ 194 triệu đồng đến 300 triệu đồng, chưa kể chi phí xét nghiệm, thuốc hỗ trợ khác… Trong khi đó, để điều trị dứt hẳn viêm gan C cho một bệnh nhân phải mất ít nhất 3 năm.

Theo thống kê sơ bộ thì hiện cả nước có khoảng gần 3 triệu người mắc viêm gan C (khoảng 4% dân số), trong đó khoảng 300.000 người cần điều trị các thuốc đặc hiệu đắt tiền. “Nếu bệnh nhân có BHYT thì BHYT phải thanh toán thôi. Cứ lấy bình quân 200 triệu đồng/người nhân với 300.000 người thì biết”, vị bác sĩ trên cho biết. Theo ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM, kể từ đầu năm 2012, khi mở rộng thêm 25 loại thuốc chống ung thư, thuốc miễn dịch (trước đây các loại thuốc này nằm ngoài danh mục) BHYT phải thanh toán thì quỹ BHYT vơi dần.

Cao điểm như dịch bệnh tay-chân-miệng bùng phát mấy tháng đầu năm 2012, BHYT cũng phải thanh toán các loại thuốc, dịch truyền như Gamma Globuline có giá hàng triệu đồng/lọ. Hay như thuốc Immune globulin điều trị các bệnh viêm dây thần kinh có chi phí điều trị một đợt từ 240 triệu đồng đến 285 triệu đồng cho 6 ngày, người bệnh phải được điều trị nhiều đợt liên tục… “Bảo hiểm xã hội phải thanh toán nhưng nếu cứ tiếp tục như vậy thì có thu mức BHYT tự nguyện lên 3 triệu đồng/người cũng không đủ chi trả”, ông Sang khuyến cáo.

  • Lại lo vỡ quỹ

Theo Bảo hiểm Xã hội TPHCM, tính đến tháng 5-2012, toàn thành phố đã có 4,6 triệu người tham gia BHYT (tăng 3,5% với cùng kỳ năm 2011) và đã ký hợp đồng với 137 đơn vị y tế khám, chữa bệnh. Quý 1 năm 2012, BHYT đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh 1.314,3 tỷ đồng cho gần 3,1 triệu lượt người và đã sử dụng toàn bộ, không có kết dư. Trong khi đó, cả năm 2011 thanh toán cho hơn 10,8 triệu lượt người khám chữa bệnh chỉ hết 3.234 tỷ đồng và cân đối được quỹ BHYT.

Theo ông Cao Văn Sang, nguyên nhân mất cân đối quỹ BHYT là do tăng số thẻ BHYT tự nguyện nhưng đối tượng này lại chủ yếu tham gia BHYT khi có bệnh (chiếm 15% số người tham gia BHYT). Đồng thời, thực hiện viện phí theo Thông tư 04 vừa được Bộ Y tế ban hành sẽ có hơn 400 dịch vụ kỹ thuật tăng giá và gần 1.000 phẫu thuật, thủ thuật có mức giá tăng gấp 2 lần, khiến quỹ BHYT không kham nổi. Tuy nhiên, theo ông Sang, thanh toán BHYT cho tiền thuốc vẫn là nặng nhất, thường chiếm hơn 60% chi phí khám, điều trị. Bên cạnh đó là tình trạng lạm dụng quỹ BHYT vẫn chưa khắc phục triệt để như cơ sở y tế chỉ định rộng rãi về cận lâm sàng, sử dụng thuốc hỗ trợ (thực phẩm chức năng) chiếm tỷ lệ cao…

Năm 2011, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam kết dư gần 5.000 tỷ đồng. Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế - Bộ Y tế, số tiền này sẽ dành chi trong trường hợp viện phí tăng vào năm 2012. Tuy nhiên, cũng chỉ “muối bỏ bể” so với thực tế chi BHYT hiện nay. Riêng việc đưa viện phí mới vào áp dụng trong năm 2012, các chuyên gia tính toán quỹ BHYT phải sẽ chi thêm 10.000 tỷ đồng. Vậy nguồn thu nào để đảm bảo cân đối quỹ BHYT nếu không nói là từ ngân sách nhà nước?

Theo các chuyên gia y tế, hướng đến BHYT toàn dân là điều cần thiết để cân đối quỹ BHYT, đó là quy tắc lấy của số đông bù cho số ít. Theo bà Tống Thị Song Hương, hiện Bộ Y tế đang xây dựng Đề án thực hiện lộ trình tiến đến BHYT toàn dân nhằm mở rộng phạm vi bao phủ về tỷ lệ dân số tham gia BHYT, về phạm vi dịch vụ y tế được thụ hưởng và giảm mức chi trực tiếp từ người sử dụng dịch vụ… Thế nhưng, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, tiến tới BHYT toàn dân là cần thiết nhưng nếu không siết chặt tình trạng lạm dụng, kiểm soát việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế thì quỹ BHYT luôn trong tình trạng khó mà cân đối được.

TƯỜNG LÂM

Trẻ em trên 3 tháng tuổi không có thẻ BHYT phải trả tiền

Luật BHYT hiện hành quy định trẻ em dưới 6 tuổi có thẻ BHYT được miễn phí 100% khi khám chữa bệnh ở cơ sở y tế đúng tuyến. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đưa con đi khám, chữa bệnh vượt tuyến nhưng không có giấy chuyển viện, không có thẻ BHYT mà chỉ sử dụng giấy khai sinh, chứng sinh.

Do đó, Bảo hiểm Xã hội TPHCM cho biết UBND TPHCM vừa có chỉ đạo trẻ em trên 3 tháng tuổi khi đi khám chữa bệnh nếu không trình thẻ BHYT sẽ không được hưởng BHYT mà phải về phường, xã để được cấp thẻ, sau đó đến Bảo hiểm Xã hội để được thanh toán lại.

Tin cùng chuyên mục