Amip không có khả năng gây dịch

Sống trong môi trường nước bẩn
Amip không có khả năng gây dịch

LTS: Sau khi xảy ra một trường hợp tử vong có liên quan đến Amip Nagleria fowleri (mới đây được gọi amip “ăn não người”) tại TPHCM, để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi xin đăng bài viết của TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng  TPHCM về loại amip nguy hiểm này.

Amip Nagleria fowleri

Amip Nagleria fowleri

Sống trong môi trường nước bẩn

Amip sống tự do ở nước ngọt tự nhiên như ao, hồ, sông, suối, vùng có khí hậu nóng. Amip thích vùng nước ấm, nhiệt độ lý tưởng khoảng 35°C. Do đó ở các vùng khí hậu khô nóng, nhất là vào mùa hè, nhiệt độ nước ao, hồ tăng cao là nơi sinh sống lý tưởng của loài amip này.

Amip trong tự nhiên có 2 dạng: dạng bào nang (cyst) và dạng có roi (flagella), dạng bào nang kích thước khoảng 10 µm (micromet). Khi xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương của người (não, màng não), amip chuyển sang dạng hoạt động (Trophozoid), có kích thước khoảng 20 µm. Amip sống trong hệ thần kinh trung ương, sử dụng chất đường (glucose), đạm (protein) và nguồn oxy dồi dào của mô não để sinh sản bằng cách phân chia tế bào. Do đó khi bệnh nhân bị nhiễm amip, có thể phát hiện amip hiện diện rất nhiều trong dịch não tủy của bệnh nhân.

Trên thế giới, ước tính hàng năm có khoảng 200 ca nhiễm amip được báo cáo, hầu hết các bệnh nhân đều bị nhiễm khi đi bơi lặn ở các ao hồ vào mùa hè. Bệnh lưu hành ở tất cả các châu lục. Châu Mỹ có Hoa kỳ, Mexico. Châu Âu: Anh quốc, Cộng hòa Séc. Châu Phi: Nigeria. Châu Á: Ấn Độ, Pakistan, Hàn Quốc, Malaysia, lãnh thổ Đài Loan. Châu Đại dương: Úc, New Zealand. Tại Hàn Quốc, amip được tìm thấy trong nước cống, nước ngọt tự nhiên, và ghi nhận có vài bệnh nhân bị loét giác mạc do amip gây ra.

Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa kỳ (CDC), từ năm 1989 - 2002 ghi nhận được 31 trường hợp mắc bệnh, trong đó tất cả bệnh nhân đều có tiếp xúc với nguồn nước nhiễm amip, kể cả suối nước nóng tự nhiên. Các hồ nước ngọt có amip ở các bang Virginia, Oklahoma, California… trong đó các mạch nước ngầm ở một số vùng cũng phát hiện có amip.

Vì amip là sinh vật sống tự do trong tự nhiên nên chúng tồn tại song song với con người. Người khi bị sặc nước vào mũi hoặc nuốt nhiều nước vào miệng khi bơi, lặn trong vùng nước có amip lưu hành dễ bị nhiễm. Amip khi vào mũi, một phần chất nhầy niêm mạc mũi sẽ bao quanh amip và tống ra ngoài khi bệnh nhân hắt hơi, hỉ mũi. Tuy nhiên, một số ít amip bám được vào niêm mạc mũi, xâm nhập qua lớp biểu mô, đi vào lá sàng của xương sàng (cribriform plate), rồi đi vào khoang dưới nhện (subarachnoid space), vào não thất thông qua các lỗ Luschka và Magendie, tấn công vào não thất, gây bệnh cảnh viêm não thất, viêm màng não.

Hiếm gặp nhưng tỷ lệ tử vong cao

Lứa tuổi hay gặp là thanh thiếu niên vì thường xuyên bơi lội, người lớn tuổi hiếm gặp.

Triệu chứng điển hình là bệnh nhân sốt cao, cổ cứng, đau gáy, nhức đầu, nôn và buồn nôn, trước đó khoảng 1 tuần có đi bơi lặn ở ao, hồ… Bệnh cảnh giống như viêm màng não nhưng diễn tiến rất nhanh, thường là thể cấp và tối cấp. Bệnh nhân tử vong trong vòng 2 - 6 ngày sau khi khởi bệnh. Tỷ lệ tử vong trên 95% mặc dù điều trị kịp thời. Thuốc đặc trị là Amphotericin B truyền tĩnh mạch, tuy nhiên trường hợp tối cấp phải tiêm thẳng thuốc vào dịch não tủy.

Do ca bệnh được phát hiện đầu tiên ở Việt Nam, nên việc phòng ngừa hết sức quan trọng vì đặc điểm của bệnh là cấp tính và tối cấp, tỷ lệ tử vong cao nên hầu như khó điều trị thành công. Các tỉnh thành của nước ta có nhiều ao hồ, sông suối, vùng hạ lưu của suối nước nóng, do đó vào mùa hè dễ gia tăng nhiệt độ, tạo điều kiện cho amip sinh sống. Việc khử trùng các vùng nước ngọt tự nhiên là không khả thi.

Người đi du lịch hoặc người làm nghề chài lưới, thợ lặn đều có khả năng nhiễm bệnh nếu hít phải nước vào mũi. Cách phòng ngừa tốt nhất là khi bơi, lặn phải có nẹp mũi hoặc ống thở, chú ý không để sặc nước, tránh nuốt phải nước quá nhiều. Đặc biệt tại các suối nước nóng tự nhiên, ở vùng hạ lưu, khi nhiệt độ nước suối giảm xuống dưới 40°C là nơi rất thích hợp cho amip sinh sống, do đó cần chú ý không nên uống nước trực tiếp từ suối hoặc bơi lặn trong suối.

Một điều cần lưu ý là do tỷ lệ bệnh rất thấp, không có khả năng thành dịch nên người dân không nên quá lo lắng, chỉ cần tuân theo nguyên tắc phòng ngừa là đủ.

Ts-Bs Trần Phủ Mạnh Siêu
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM

Một bệnh nhân tử vong trong tình trạng hôn mê, kích động tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM và được ghi nhận là trường hợp tử vong đầu tiên do bị amip gây ra ở Việt Nam. Bệnh nhân (25 tuổi, quê ở Phú Yên, tạm trú tại Bình Thạnh, TPHCM), làm nghề bán đậu phộng dạo 2 năm nay tại TPHCM, tử vong sau một ngày nhập viện. Được biết, trước đó, vào giữa tháng bảy về quê dự đám cưới người thân, bệnh nhân cùng bạn bè lặn bắt trai ở một cái bàu (một dạng ao hồ rộng lớn) gần nhà. Trở lại Sài Gòn, ngày 30-7, bệnh nhân lên cơn sốt, nhức đầu, tự mua thuốc uống nhưng không khỏi. Sau đó, anh đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định với biểu hiện nhức đầu, lơ mơ. Chọc dịch não tủy, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân đã nhiễm một loại amip chưa thể xác định cụ thể nên chuyển qua Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới điều trị.

Tại đây, bệnh nhân sốt 39°C, lơ mơ, cổ cứng, thở nhanh 30 lần/phút. Kết quả xét nghiệm soi dịch não tủy không thấy có vi trùng lao hay vi nấm gây viêm màng não nhưng lại có sự hiện diện của một loại amip. Sau đó, bệnh nhân vẫn sốt cao 40-41°C, suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa và rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Đến 23 giờ ngày 31-7, bệnh nhân nhiều lần ngưng tim đột ngột và tử vong. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiếp tục làm nhiều xét nghiệm và kết quả xét nghiệm sinh học phân tử PCR cho thấy bệnh nhân chết do bị amip tấn công.

V.Nguyễn

Tin cùng chuyên mục