Làm chủ công nghệ ốc chân cung - Thêm cơ hội cho bệnh nhân chấn thương cột sống

Ốc chân cung (OCC) là loại ốc phục vụ các bệnh nhân liên quan đến điều trị chấn thương chỉnh hình cột sống. Các quốc gia như Pháp, Mỹ, Đức… đã tiên phong sản xuất loại ốc này và khi bán sang Việt Nam, giá thành ốc rất cao, từ 130 - 300USD/ốc. Trong khi đó chỉ riêng tại TPHCM, mỗi năm có hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân tìm đến bệnh viện điều trị chấn thương cột sống do té cao, ngã sâu, tai nạn giao thông. Nhiều người trong số đó phải bán nhà, vay nặng lãi chỉ để mua vài con OCC phục vụ ca mổ. Trước khó khăn của các bệnh nhân, một nhóm các nhà khoa học do PGS-TS-BS Võ Văn Thành (Trưởng khoa Cột sống A, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM) khởi xướng nghiên cứu và đã làm chủ công nghệ chế tạo OCC.

BS Thành cho hay: Trong một cuộc gặp tình cờ, tôi mang ý tưởng về OCC giá rẻ nói với PGS-TS Trương Tích Thiện (Đại học Bách khoa TPHCM). Chỉ một thời gian ngắn, một nhóm nghiên cứu với 9 thành viên đã hình thành, trong đó có cả những chuyên gia y khoa và cơ khí như PGS-TS Lê Hoài Quốc, TS Lê Phan Hoàng Chiêu, KS Nguyễn Minh Trí…

Từ đây, BS Thành cùng các cộng sự được sự hỗ trợ kinh phí từ Sở KH-CN TPHCM đã bỏ ra hơn 3 năm tìm ra phương pháp, vật liệu tối ưu nhất để chế tạo OCC giá rẻ. Nhóm nghiên cứu đã tham khảo các mẫu ốc của nước ngoài đang sử dụng tại Việt Nam (khảo sát ưu, nhược điểm khi sử dụng trong thực tế); tham khảo ý kiến của các bác sĩ trong lĩnh vực chấn thương, chỉnh hình, từ đó đưa ra hướng thiết kế chế tạo phù hợp với thể trạng người Việt. Đặc biệt, với các mẫu được sản xuất thử, nhóm nghiên cứu cũng tiến hành nhiều thí nghiệm để đưa ra các giá trị lực tới hạn trong một số trường hợp và kiểm tra độ an toàn của các mối ghép ren, để đến khi hoàn thành, OCC phải đảm bảo đầy đủ tính cơ học và sinh học.

Đến nay, đã có 16 bệnh nhân bị chấn thương cột sống được phục hồi sức khỏe sau ca mổ ghép OCC. Hiện nhóm đã quyên góp được hơn 3.500USD. Số tiền sẽ được dùng để tiếp tục sản xuất OCC phục vụ chữa trị miễn phí cho những bệnh nhân chấn thương cột sống có hoàn cảnh khó khăn.

PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM cho biết, đó là thành công bước đầu của một công trình nghiên cứu có sự kết hợp từ hai phía y khoa và khoa học công nghệ. Kết quả sẽ là động lực để nhóm nghiên cứu nghĩ đến khả năng thương mại hóa sản xuất đại trà. Trước mắt, đề tài sẽ tham gia đấu thầu khoa học cấp Nhà nước để tìm kiếm kinh phí, tiếp tục hoàn thiện công nghệ, làm chủ hoàn toàn kỹ thuật chế tạo OCC và các máy móc đi kèm.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục