Điều trị bệnh lý mạch máu: Phương pháp mới hữu hiệu

Điều trị bệnh lý mạch máu: Phương pháp mới hữu hiệu

Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã áp dụng phương pháp mới điều trị thành công các ca phình động mạch chủ (ĐMC) ở bệnh nhân cao tuổi và mắc nhiều bệnh mạn tính, mở ra hy vọng cho những người chẳng may mắc phải căn bệnh nguy hiểm vốn bị mệnh danh là “lưỡi hái của tử thần” này. Hiện nay, bệnh phình ĐMC đã và đang trở thành vấn đề lớn của sức khỏe khi độ tuổi trung bình của dân số tăng lên và các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp xuất hiện ngày càng nhiều.

        Bệnh lý nguy hiểm của mạch máu lớn nhất cơ thể

Tại BV Chợ Rẫy, bệnh nhân Trần Hữu Q. (79 tuổi, ngụ An Giang) đến khám sau một ngày bị những cơn đau đột ngột xuất hiện ở vùng hạ sườn trái. Kết quả chụp CT Scan có cản quang cho thấy ông Q. bị phình ĐMC kéo dài từ ĐMC ngực xuống ĐMC bụng. Còn tại BV Đại học Y Dược TPHCM, bệnh nhân Lê Thị T. (86 tuổi, ngụ Bến Tre) đến khám vì đau âm ỉ ở vùng ngực trái. Bà cho biết, suốt một tháng qua, bà thường có triệu chứng đau ngực sau xương ức, lan sau lưng, đau liên tục và âm ỉ ngay cả khi nằm. Kết quả kiểm tra cho thấy bệnh nhân bị phình ĐMC ngực. Đáng nói, túi phình của bệnh nhân có đường kính đến 6,5cm (bình thường dưới 4cm), vị trí túi phình ở đoạn quai xanh và đoạn đầu động mạch chủ ngực xuống.

Bệnh phình động mạch chủ thường xảy ra ở người lớn tuổi do bị xơ vữa mạch máu. Ảnh: Trương Ngọc

Bệnh phình động mạch chủ thường xảy ra ở người lớn tuổi do bị xơ vữa mạch máu. Ảnh: Trương Ngọc

TS-BS Nguyễn Hoàng Định (Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, BV Đại học Y Dược) phân tích: ĐMC là động mạch lớn nhất của cơ thể, xuất phát từ tim, đi xuống ngực (ĐMC ngực) và bụng (ĐMC bụng), cho các nhánh dẫn máu đến các tạng và các bộ phận trong cơ thể. Phình ĐMC là tình trạng thành ĐMC thoái hóa, yếu đi và phình to ra. Khi khối phình bị nứt hoặc vỡ sẽ gây xuất huyết cực kỳ nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Còn theo TS-BS Phạm Minh Ánh (Trưởng khoa Phẫu thuật mạch máu, BV Chợ Rẫy), bệnh phình ĐMC thường xảy ra với người lớn tuổi do bị xơ vữa mạch máu, riêng với người trẻ thì bị mắc bệnh thường do viêm mạch máu hay chấn thương.

        Áp dụng thành công kỹ thuật mới

Tại Mỹ, tần suất phình ĐMC ngực là 6 - 10 trường hợp/100.000 dân; trong đó 60% là phình động mạch chủ ngực đoạn lên, 10% phình quai động mạch chủ và khoảng 30% phình động mạch chủ ngực xuống. Có đến 70% bệnh nhân không điều trị sẽ bị biến chứng vỡ túi phình, tỷ lệ tử vong 90%. Tỷ lệ sống còn sau 5 năm nếu không điều trị dao động trong khoảng từ 15% - 55%.

Phương pháp điều trị tiêu chuẩn đối với bệnh phình ĐMC là phẫu thuật mở (mổ hở), khi mổ phình ĐMC ngực còn đòi hỏi phải ngưng tuần hoàn tạm thời, sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể, hạ thân nhiệt. Mổ hở để xử lý phình ĐMC là phẫu thuật rất lớn, nhiều nguy cơ, thời gian hồi sức kéo dài, biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong cao, nhất là khi đa số người mắc bệnh lý này thường là người cao tuổi và mắc cùng lúc nhiều bệnh mạn tính khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận mãn…

Với bệnh nhân Trần Hữu Q., nếu mổ cổ điển thì phải mở từ vùng ngực xuống bụng, đường mổ dài, mà ông đang bị tăng huyết áp và suy thận nên rất nguy hiểm. BV Chợ Rẫy đã áp dụng phương pháp mổ can thiệp nội mạch, chỉ gây tê và ít đau đớn. Ca mổ kéo dài 45 phút, mổ xong là ông Q. ăn uống được ngay và chỉ sau 6 giờ là được chuyển lên trại, 3 ngày sau xuất viện. Theo TS-BS Phạm Minh Ánh, từ hơn 1 năm qua, nơi đây đã áp dụng phương pháp can thiệp nội mạch trong điều trị các bệnh lý hẹp hoặc phình ĐMC cho khoảng 30 ca, tỷ lệ thành công hơn 90% (so sánh với phương pháp mổ hở: bệnh nhân dưới 50 tuổi thì tỷ lệ thành công là 70% và với người cao tuổi thì chỉ khoảng 30%).

Hình vẽ mô tả phương pháp đặt giá đỡ có phủ cho ĐMC ngực.

Hình vẽ mô tả phương pháp đặt giá đỡ có phủ cho ĐMC ngực.

Tương tự, với trường hợp của bà T., các bác sĩ BV Đại học Y Dược đã đặt giá đỡ có phủ cho ĐMC ngực. Giá đỡ được đưa vào ĐM đùi (qua một vết mổ nhỏ ở bẹn), đưa đến đoạn phình ĐMC và mở bung ra, giúp loại trừ đoạn động mạch bệnh lý, tạo nên độ vững chắc cho thành mạch, giảm nguy cơ vỡ túi phình và điều chỉnh dòng chảy trong lòng mạch đúng với sinh lý. Sau khi được điều trị, bệnh nhân T. hồi phục nhanh chóng, tỉnh táo hoàn toàn, không yếu liệt tay chân, không có dấu hiệu tổn thương thần kinh và được xuất viện sau 6 ngày. Tái khám một tuần sau, bệnh nhân cảm thấy khỏe, có thể sinh hoạt bình thường, ăn uống được, không còn đau ngực, kiểm tra CT ngực cho kết quả tốt.

Trong tương lai, việc áp dụng phương pháp mới trên hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích và hy vọng cho bệnh nhân vì ít biến chứng, tỷ lệ tử vong thấp, đặc biệt là với những bệnh nhân lớn tuổi, nguy cơ cao, cần được can thiệp tối thiểu.

HOÀNG TRỌNG KHÔI

Tin cùng chuyên mục