Xuất ngoại chữa bệnh - Tiền hết, bệnh còn

Xuất ngoại chữa bệnh - Tiền hết, bệnh còn

Sau hàng loạt bệnh viện Singapore “tấp nập” mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, đến các bệnh viện của Trung Quốc mời chào điều trị ung thư như thần y, nay cả Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Malaysia cũng đang “câu” bệnh nhân sang nước họ điều trị. Theo ước tính của Bộ Y tế, mỗi năm có hơn 40.000 lượt bệnh nhân trong nước ra nước ngoài điều trị và tiêu tốn hết gần 2 tỷ USD.

        Đủ chiêu “câu” bệnh nhân

Nằm trong “tứ chứng nan y”, bệnh ung thư giai đoạn cuối gần như đặt dấu chấm hết cho bệnh nhân nhưng một số bệnh viện ở Trung Quốc, Singapore có văn phòng đại diện tại Việt Nam vẫn “nổ” để “câu” khách: đảm bảo kéo dài cơ hội sống còn, khống chế được khối u bằng các kỹ thuật tân tiến… “Do bệnh viện Việt Nam quá tải, chất lượng dịch vụ điều trị chưa được tốt nên tụi tui san sẻ”, một nhân viên của văn phòng đại diện Bệnh viện Ung bướu Hiện đại Q.C (Trung Quốc) thổ lộ. Không những điều trị, văn phòng đại diện của Bệnh viện Ung bướu Hiện đại Q.C còn mở thêm các dịch vụ “trọn gói” từ hướng dẫn làm visa, tour du lịch… Tại TPHCM, tuần nào các văn phòng đại diện của các bệnh viện nước ngoài cũng tổ chức tư vấn miễn phí các bệnh lý gan mật, ung thư, tim mạch… và mời chào người bệnh tham gia. Những lúc đó, nhân viên các văn phòng quảng cáo nào là bệnh viện hiện đại, bác sĩ chuyên môn bậc thầy của thế giới và hầu như chữa lành tất cả các bệnh…

Bệnh nhân được chạy thận nhân tạo trước khi đủ điều kiện ghép thận.

Bệnh nhân được chạy thận nhân tạo trước khi đủ điều kiện ghép thận.

“Do muốn thu hút người bệnh Việt Nam nên mới đây bệnh viện em cũng cạnh tranh mở văn phòng đại diện ở TPHCM. Bệnh viện em ở Singapore có lịch sử uy tín mấy chục năm rồi và toàn chuyên khoa xịn”, Th., nhân viên Văn phòng đại diện Bệnh viện M. của Singapore, hớn hở giới thiệu. Th. nói: “Tụi em chỉ chọn bệnh nhân có tiềm năng tài chính thôi, nên thường cử nhân viên xuống các bệnh viện ở TPHCM để nhờ các bác sĩ… sưu tầm và giới thiệu. Có hoa hồng hẳn hoi”.

Đại diện của một bệnh viện ở Bangkok (Thái Lan) tại TPHCM cho biết, từ năm 2000 đến nay, đã có ít nhất 5.000 bệnh nhân được tư vấn sang Bangkok chữa bệnh. Trong một chương trình tư vấn trọn gói sang Thái Lan chữa bệnh do Bệnh viện B. ở Thái Lan có văn phòng tại TPHCM tổ chức mới đây, nhân viên của văn phòng này quảng cáo: “Bệnh nhân sang sẽ được tiếp đãi đúng như thượng đế, ăn ở toàn 5 sao, còn dịch vụ điều trị thì từ A-Z mà khả năng dứt bệnh hoàn toàn. Tháng nào bệnh viện em cũng tiếp nhận cả trăm lượt bệnh nhân Việt Nam”.

        Tiền mất, tật vẫn mang

Mặc dù đã được ghép thận ở Trung Quốc nhưng hơn 1 năm qua, anh T.V.C. (ngụ TPHCM) vẫn phải tiếp tục điều trị thải ghép tại Bệnh viện Chợ Rẫy. “Tốn hết gần cả tỷ bạc rồi mà bệnh vẫn đeo đẳng, chắc cũng không thọ lâu”, anh C. rầu rĩ. Trước đó, anh C. đã chạy thận nhân tạo nhiều năm nhưng không tiến triển. Anh kể, khi qua chữa bệnh tại bệnh viện ở Quảng Châu (Trung Quốc), gia đình hy vọng lắm nên tốn kém mấy cũng chịu vì cứ nghĩ nước ngoài thì ngon hơn nước mình. Theo thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, mỗi năm có cả chục ca ghép tạng, điều trị ung thư ở nước ngoài nhưng phải nhập bệnh viện này điều trị lại. “Có không ít bệnh nhân bị biến chứng nặng, có bệnh nhân điều trị thêm được một thời gian ngắn thì tử vong. Đặc biệt biến chứng nhiều là do ghép thận”, PGS-TS Trần Ngọc Sinh, Trưởng khoa Thận-niệu Bệnh viện Chợ Rẫy, nói.

Đã gần 2 năm kể từ ngày chồng mất, chị Phương (ngụ quận 8, TPHCM) vẫn chưa hết cay đắng: “Ảnh bị ung thư đại tràng, Bệnh viện Ung bướu TPHCM nói chữa được và kéo dài sự sống chí ít cũng được 5 năm. Nhưng nghĩ gia đình có điều kiện, lại tìm hiểu thấy mấy bệnh viện ở Singapore nói hay quá nên đi. Giờ tiền hết mà ảnh cũng không còn”. Hay như bà Hoàng Ngọc L. (50 tuổi, ngụ Bình Thạnh) vẫn đang điều trị ung thư vú tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM sau khi phẫu trị, xạ trị cả tháng trời ở Thái Lan. “Bệnh vẫn hoàn bệnh. Chỉ tổ tốn tiền chú ơi”, bà L. ngán ngẩm. Bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho biết có hàng chục bệnh nhân điều trị ung thư ở nước ngoài về nhập lại bệnh viện mỗi năm. “Đa phần điều trị nước ngoài về rồi cũng sống chẳng được lâu, có người tiếp tục điều trị biến chứng rất khổ sở”, BS Minh chia sẻ…

Trong khi nhiều người bệnh trong nước đua nhau ra nước ngoài chữa bệnh thì các chuyên gia y tế trong nước khẳng định các kỹ thuật y tế trong nước không thua kém gì. Thậm chí người nước ngoài cũng tìm sang Việt Nam chữa bệnh. TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115 TPHCM, dẫn chứng, một bệnh nhân ở Campuchia bị khối u 12,5kg ở chân đã qua Thái Lan, Singapore chữa trị nhưng không hết bệnh, sau đó qua Việt Nam thì hết bệnh mà lại rẻ hơn nhiều. Theo TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), các kỹ thuật khó từ ghép tạng, mổ tim bẩm sinh dị tật phức tạp, điều trị ung thư, các phương pháp nội soi, ngoại khoa khác…, Việt Nam không chỉ đã sánh ngang tầm khu vực mà còn được đánh giá là tương đương với trình độ của các nước phát triển.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục