Nan giải đối phó với dịch bệnh

Dịch bệnh...tứ bề
Nan giải đối phó với dịch bệnh

Mặc dù có nhiều nỗ lực kiềm chế nhưng năm 2012 nhiều dịch bệnh ở người tại các tỉnh phía Nam vẫn tiếp tục “hoành hành”. Không chỉ số ca mắc bệnh dịch cao mà số ca tử vong cũng không hề giảm. Diễn biến dịch bệnh trong năm 2013 cũng được đánh giá vẫn phức tạp… Đó là những thông tin vừa được Viện Pasteur TPHCM đưa ra trong công tác đánh giá hoạt động phòng chống dịch bệnh năm 2012 và kế hoạch hành động năm 2013.

Điều trị bệnh nhân mắc dịch bệnh tay-chân-miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM.

Điều trị bệnh nhân mắc dịch bệnh tay-chân-miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM.

Dịch bệnh...tứ bề

Nhìn lại công tác phòng ngừa dịch bệnh trong năm qua, BS Lê Hoàng San, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, không khỏi băn khoăn vì diễn biến khá phức tạp, nhiều bệnh dịch nổi lên cùng lúc với số ca mắc cao. Theo BS San, điển hình phải kể đến là dịch bệnh tay-chân-miệng với hơn 75.000 ca mắc và 41 ca tử vong. “So với năm 2011, dịch bệnh tay-chân-miệng có số ca tử vong ít hơn nhưng số ca mắc lại tăng lên gấp bội”, BS San nhấn mạnh.

Rộ lên từ năm 2011, dịch bệnh tay-chân-miệng “hoành hành” khắp các tỉnh phía Nam với số ca mắc bị biến chứng, nguy cơ tử vong cao. Bộ Y tế đã vào cuộc quyết liệt để kiềm chế bệnh dịch nguy hiểm này vì lứa tuổi mắc thường rơi vào trẻ từ 0-5 tuổi, sức đề kháng yếu. Thế nhưng, sau những chiến dịch “hô hào” phòng chống, sang năm 2012, dịch bệnh tay-chân-miệng vẫn không hề thuyên giảm.

Đặc biệt, theo các chuyên gia dịch tễ, nếu như năm 2011, dịch bệnh tay-chân-miệng “tấn công” các thành phố lớn, nhất là các ổ dịch ở trường học thì năm 2012 lại “tấn công” các tỉnh lẻ, và ngay cả trẻ ở nhà, không đến trường cũng mắc hàng loạt. Một số tỉnh như Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An và TPHCM có số ca mắc và tử vong do dịch bệnh tay-chân-miệng đứng đầu khu vực phía Nam.

Theo các chuyên gia, trước diễn biến của dịch bệnh, các đơn vị y tế dự phòng chưa thể hiện rất trách nhiệm của mình, tình trạng lơ là, “đối phó” vẫn còn. Trong khi, chính các bậc phụ huynh lại chủ quan, chưa ý thức hết vệ sinh cho con em mình… Cũng không kém phần phức tạp, dịch bệnh sốt xuất huyết luôn là nỗi lo của không ít ngành y tế địa phương khu vực phía Nam, luôn có số ca mắc và tử vong nhiều nhất nước. Năm 2012, toàn khu vực phía Nam có tới hơn 67.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 12,3% so với năm 2011, trong đó có 61 ca tử vong (tăng 3,4% so với năm 2011).

Theo BS Nguyễn Thị Minh Phượng, Trưởng khoa Y tế cộng đồng-Viện Pasteur TPHCM, thì dịch sốt xuất huyết thật sự khó kiểm soát bởi phụ thuộc rất lớn vào yếu tố môi trường và ý thức phòng bệnh của người dân. Điều các chuyên gia y tế băn khoăn là thay vì trẻ em mắc và tử vong do sốt xuất huyết chiếm phần lớn thì năm 2012, số người lớn mắc sốt xuất huyết cũng không ít.

“Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết người lớn tăng dần liên tục từ năm 2008 đến nay, và đã chiếm 42% tổng số ca mắc. Điều này cho thấy đang có sự thay đổi mô hình bệnh tật rất lớn”, BS Phượng cho biết. Theo điều tra dịch tễ, dịch sốt xuất huyết vẫn phân bố nhiều ở các tỉnh, thành phố như TPHCM, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu… Đặc biệt, các ca tử vong do mắc sốt xuất huyết có diễn biến khá nhanh, trung bình trong vòng 3 ngày kể từ khi khởi bệnh. Trong đó, nguyên nhân chính được xác định là phát hiện và chuyển viện muộn.

Bên cạnh đó, các bệnh dịch cúm A/H1N1, A/H5N1 vẫn chưa có dấu hiệu chững lại kể từ năm 2004 đến nay. Cụ thể như dịch cúm A/H5N1 trong năm qua đã khiến thêm ca mắc và 2 ca tử vong. Đây là loại dịch bệnh gia cầm có nguy cơ tử vong cao nhưng khả năng kiểm soát, phòng ngừa vẫn còn nhiều lỗ hổng. Trong đó, việc giết mổ, buôn bán gia cầm sống vẫn bừa bãi, chưa kiểm soát được.

Vẫn khó kiểm soát

Theo TS Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp khắp cả nước chứ không riêng gì khu vực phía Nam. Do đó, công tác dự phòng đang đòi hỏi những giải pháp căn cơ và hiệu quả, nhất là phải hạn chế tối đa các ca tử vong.

Theo TS Hữu, kế hoạch phòng ngừa dịch bệnh hàng năm được chuẩn bị khá chu đáo và hướng dẫn về tận các địa phương. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng đảm bảo thực hiện nghiêm túc. Trong đó, một số dịch bệnh có số ca mắc cao như sốt xuất huyết, tay- chân -miệng, cúm, luôn đang là thách thức lớn.

Theo các chuyên gia y tế, dự báo năm 2013, dịch sốt xuất huyết tiếp tục tăng số ca mắc và tử vong, thậm chí tăng 12% so với năm 2011. Đáng lưu ý, tỷ lệ sốt xuất huyết người lớn sẽ tăng nhiều và tập trung vào các tỉnh khu vực miền Đông. Mặt khác, sự chuyển đổi týp virus sẽ khiến bệnh tình nặng hơn, khó điều trị hơn và gây tử vong nhanh chóng hơn. Hay như dịch tay –chân-miệng cũng được dự báo tiếp tục bùng phát trong năm 2013 với số ca mắc cao nhưng số ca tử vong được kìm hãm nhờ các kỹ thuật điều trị được cải thiện đáng kể…

Trước tình hình dịch bệnh không mấy “khả quan” cho năm 2013, TS Trần Thanh Dương, Cục phó Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế, cho rằng mục tiêu là phải hạn chế bằng được ca mắc và tử vong, trong đó chú trọng đến những bệnh dịch nguy hiểm như cúm, sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, dịch tả… “Trên cơ sở kế hoạch của Bộ Y tế, của Viện Pasteur TPHCM, y tế mỗi địa phương cần cụ thể hóa kế hoạch phòng chống phù hợp thực tế địa phương mình”, TS Dương chỉ đạo.

Theo TS Dương, vai trò của chính quyền các cấp rất quan trọng trong chống dịch. Địa phương nào được lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt về điều động nguồn lực, phối hợp các ngành, phân công thành viên ban chỉ đạo thì chắc chắn địa phương đó dịch bệnh sẽ giảm. “Vấn đề là phải có biện pháp quyết liệt trong việc xử lý các đơn vị không thực hiện đúng các biện pháp phòng chống. Có như vậy mới nâng cao trách nhiệm”, TS Dương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thực tế là ý thức phòng ngừa dịch bệnh của người dân mới quan trọng. Do đó, phải tăng cường truyền thông thay đổi hành vi nhận thức rửa tay vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh môi trường sinh hoạt… “Y tế dự phòng địa phương cần hướng dẫn cụ thể để người dân tự áp dụng các biện pháp phòng chống đóng vai trò then chốt trong việc ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh”, TS Dương chỉ rõ.

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục