Đau khớp háng, đừng coi thường!

Bệnh lý này thường khó chẩn đoán sớm vì không có triệu chứng đau điển hình, phương pháp chụp X quang chỉ phát hiện được bệnh ở giai đoạn muộn. Bệnh thường phát sinh ở độ tuổi 35 - 45 và tỷ lệ nam mắc bệnh cao gấp 8 lần nữ.
Đau khớp háng, đừng coi thường!

Bệnh lý này thường khó chẩn đoán sớm vì không có triệu chứng đau điển hình, phương pháp chụp X quang chỉ phát hiện được bệnh ở giai đoạn muộn. Bệnh thường phát sinh ở độ tuổi 35 - 45 và tỷ lệ nam mắc bệnh cao gấp 8 lần nữ.

Bơm tế bào gốc điều trị thoái hóa chỏm xương đùi tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh.

Bơm tế bào gốc điều trị thoái hóa chỏm xương đùi tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh.

  • Bị thay khớp vì “lướt” bệnh

Điều hành một doanh nghiệp lớn ở TPHCM, công việc rất bận rộn, nên dù đã xảy ra những cơn đau ở vùng khớp háng từ vài năm nay, ông Trần Văn M. vẫn cho qua vì không có thời gian đi khám bệnh. Đến một ngày, khi tham gia lớp golf với vài người bạn, ông M. nhận thấy rất khó khăn khi bước và thực hiện những động tác có biên độ rộng, đi khám, phát hiện khớp háng của mình đã thoái hóa nặng. Đến lúc này, bác sĩ chỉ còn cách thay khớp háng nhân tạo để giúp ông đi lại bình thường. Ông M. mắc một căn bệnh, đó là “hoại tử chỏm xương đùi vô mạch”. Người mắc phải bệnh này là vì chỏm xương đùi hay phần xương đùi nằm trong khớp háng bị hoại tử, do mạch máu đến nuôi dưỡng bị tắc. Bệnh nhân thường có cơn đau đột ngột. Cơn đau ngày càng nhiều khi xương chết làm xẹp chỏm xương đùi, đau khi đi đứng và giảm khi nghỉ ngơi. Cơn đau làm hạn chế các vận động xoay của khớp háng.

Khi có triệu chứng đau khớp háng, bệnh nhân nên đi khám để được làm xét nghiệm và chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, có thể điều trị bảo tồn được. Khi chẩn đoán bệnh ở giai đoạn trễ, bệnh nhân chỉ còn một giải pháp là thay khớp háng nhân tạo. Dù có thể giúp người bệnh đi lại bình thường nhưng điều chắc chắn là khớp háng nhân tạo không thể tốt hơn khớp háng thật. Bệnh nhân không được phép ngồi xổm hay bắt chéo chân vì nguy cơ có thể bị trật khớp háng. Ngoài ra, khớp háng nhân tạo chỉ có tuổi thọ nhất định, sau một khoản thời gian thì khớp hư, phải thay lại.

Hình ảnh XQ cho thấy hoại tử chỏm xương đùi (mũi tên).

Hình ảnh XQ cho thấy hoại tử chỏm xương đùi (mũi tên).

  • Phương pháp điều trị mới

Vì những biến chứng trên nên trong điều trị bệnh lý này, các bác sĩ thường cố gắng kéo dài thời gian sử dụng chỏm xương đùi thật càng lâu càng tốt, cho đến khi không còn cách nào khác thì mới thay chỏm. Trước đây các phương pháp điều trị bảo tồn chỉ là khoan làm giảm áp lực, phức tạp hơn có thể ghép xương xốp sau khi khoan, ghép mào chậu có cuống mạch hay xương mác có cuống mạch.

Tuy nhiên, các phương pháp này chỉ đạt kết quả khá hạn chế. Hiện nay phương pháp khoan giải áp kết hợp với ghép tế bào gốc tự thân đang là phương pháp mới, được các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng, mở ra một hướng bảo tồn chỏm xương đùi tốt hơn cho bệnh nhân. Tiến bộ của y học cho phép tách chiết được tế bào gốc từ mô mỡ, đây là nguồn tế bào gốc phong phú, dễ tiếp cận. Đồng thời, tế bào gốc từ mô mỡ rất dễ biệt hóa thành mô xương, mô sụn… Việc sử dụng tế bào gốc trung mô từ mô mỡ và huyết tương giàu tiểu cầu sẽ kích thích tăng sinh các mạch máu tại chỏm, đồng thời tế bào gốc sẽ biệt hóa thành tế bào xương thay thế cho các tế bào hoại tử. Tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, Đơn vị nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc đang nghiên cứu và từng bước áp dụng biện pháp điều trị này cho bệnh nhân, đã đạt được nhiều kết quả khích lệ.

Dù áp dụng phương pháp điều trị gì, chẩn đoán sớm bệnh đều giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân. Việc dự phòng bệnh hoại tử chỏm xương đùi vô mạch đòi hỏi phải loại bỏ các yếu tố nguy cơ. Trong đó, bên cạnh các yếu tố bệnh nghề nghiệp thì cần loại bỏ rượu và thuốc lá.

Thạc sĩ - BS TRẦN ĐẶNG XUÂN TÙNG
(Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh)

Tin cùng chuyên mục