Tăng cường kiểm tra gia cầm lậu

Theo Bộ Y tế, tiếp tục các biện pháp ngăn chặn virus cúm A/H7N9 xâm nhập và lây lan vào nước ta, hôm nay 15-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đoàn công tác sẽ tiến hành kiểm tra việc chống dịch bệnh nguy hiểm này tại Bắc Giang, vì Bắc Giang được xem là điểm nóng, nơi tập kết gia cầm lậu sau khi gia cầm nhập lậu được vận chuyển qua biên giới Lạng Sơn.

(SGGP).- Theo Bộ Y tế, tiếp tục các biện pháp ngăn chặn virus cúm A/H7N9 xâm nhập và lây lan vào nước ta, hôm nay 15-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đoàn công tác sẽ tiến hành kiểm tra việc chống dịch bệnh nguy hiểm này tại Bắc Giang, vì Bắc Giang được xem là điểm nóng, nơi tập kết gia cầm lậu sau khi gia cầm nhập lậu được vận chuyển qua biên giới Lạng Sơn.

Cùng với hoạt động kiểm tra các địa phương trọng điểm, Bộ Y tế cũng tăng cường lấy mẫu xét nghiệm virus H7N9 từ các đối tượng gia cầm có nguy cơ, gồm gà đẻ thải loại, gà con giống, heo và chim bồ câu… được bán tại các chợ, các điểm tập kết trung chuyển động vật, sản phẩm động vật tại các địa phương khu vực biên giới trên đường vận chuyển và nơi tiêu thụ. Đồng thời Bộ Y tế sẽ cùng với WHO thành lập đội đặc nhiệm phòng chống dịch và trung tâm điều hành tình huống khẩn cấp để thường xuyên theo dõi và ứng phó với các tình huống của dịch cúm A/H7N9.

Về phía Bộ NN-PTTN, ngay trong tuần này, Cục Thú ý sẽ tập trung lấy mẫu giám sát 60 chợ gia cầm trọng điểm để phát hiện sớm cúm H5N1 và H7N9. Đồng thời, tăng cường lấy mẫu các loại gia cầm, chim nuôi, chim cảnh vận chuyển bất hợp pháp vào Việt Nam tiêu thụ để xét nghiệm chủng cúm H7 và H7N9.

Trong khi đó, ông Hoàng Đức Hạnh, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội cùng với 7 tỉnh biên giới phía Bắc gồm Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Ninh đã thống nhất lập đường dây nóng kết nối giữa các địa phương trong vùng để chia sẻ thông tin về ngăn chặn gia cầm lậu cũng như việc phòng chống dịch cúm H7N9. Về phía WHO trong thông báo mới cho biết, số người mắc cúm A/H7N9 tiếp tục gia tăng lên 51 trường hợp.

Sau hơn 1 tuần xảy ra trường hợp cháu Nguyễn Duy Hoàng Huy, 4 tuổi, tử vong do nhiễm cúm A/H5N1 ở ấp 1, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, các ngành chức năng trong tỉnh và huyện Cao Lãnh đã triển khai quyết liệt các biện pháp xử lý dịch, tuyên truyền khuyến cáo người dân không nên hoang mang, hợp tác cùng chính quyền thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Kết quả xét nghiệm mẫu của Viện Pasteur TPHCM trên 8 thành viên trong gia đình có trẻ tử vong, đều âm tính. Trường hợp em Nguyễn Mai Tấn Phát, 14 tuổi (cậu của bé Huy), được cách ly tại Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp do có dấu hiệu viêm hô hấp cấp đã được bệnh viện cho về nhà và em đã trở lại trường học.

Tại Trường THCS Tân Hội Trung (nơi em Phát đang học), nhà trường đã 3 lần cho học sinh nghỉ học để ngành y tế phun thuốc dập dịch, xử lý môi trường. Đoàn công tác của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đã đến giám sát và tìm hiểu thực tế tại gia đình trẻ tử vong.

Trước tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm gần đây diễn biến phức tạp và đã xảy ra tại một số tỉnh ở ĐBSCL, ngành thú y TP Cần Thơ đang nỗ lực kiểm soát chặt chẽ thị trường mua bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm, đảm bảo nguồn cung sản phẩm gia cầm an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch bệnh cho người tiêu dùng...; khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên sử dụng sản phẩm động vật ở những chợ, siêu thị, trung tâm thương mại có sự kiểm soát, kiểm dịch của ngành thú y…  

Nguyễn Quốc - Văn Thi - Phan Thị

>> Bộ Y tế và WHO ra thông cáo chung về dịch cúm A/H7N9

>> Virus cúm A/H7N9 dễ xuất hiện trên động vật có vú

Tin cùng chuyên mục