Cuộc “lột xác” của một bệnh viện quận

Từ cảnh “chợ chiều” đìu hiu…
Cuộc “lột xác” của một bệnh viện quận

Giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện (BV) tuyến trên là nhiệm vụ trọng tâm mà ngành y tế đã xác định với nhiều giải pháp được triển khai. Trong đó, việc đầu tư cho y tế cơ sở, tăng năng lực BV tuyến dưới là một trong những giải pháp căn bản và quyết định. Để làm được điều này, ngoài những biện pháp vĩ mô, sự điều phối trong công tác quản lý nhà nước thì sự tự thân vươn lên của cấp cơ sở là yếu tố quan trọng. Chuyện ở BV Quận 2 là một minh chứng…

Ngày càng có nhiều bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Quận 2.

Ngày càng có nhiều bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Quận 2.

Từ cảnh “chợ chiều” đìu hiu…

Được xây dựng mới vào năm 2008 tại số 130 đường Lê Văn Thịnh, BV Quận 2 đi vào hoạt động với quy mô ban đầu là 60 giường, đến năm 2010 tăng lên 150 giường. Dù cơ sở khang trang, sạch đẹp, trang thiết bị đầy đủ, hiện đại nhưng hoạt động khám chữa bệnh của nơi đây vẫn đìu hiu như cảnh chợ chiều. Năm 2011, mỗi ngày bệnh viện chỉ tiếp nhận khoảng 300 lượt khám ngoại trú, mà đa số là bệnh nhân bảo hiểm y tế, tới chỉ để làm thủ tục xin giấy chuyển viện lên tuyến trên! Con số điều trị nội trú còn “thảm” hơn, với công suất sử dụng giường bệnh dưới 20%. Thậm chí tại Khoa Nhi 50 giường, nhiều ngày chỉ có 1 giường bệnh và gia đình bệnh nhân cương quyết xin về vì “ở một mình sợ ma”!

“Tại sao bà con mình thà đi xa, vào khu vực trung tâm để chữa bệnh chứ không chịu khám tại bệnh viện quận gần nhà?” – câu hỏi này luôn trăn trở trong suy nghĩ của bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Quận 2. Không khó khăn để tìm được câu trả lời: Người dân không có niềm tin về chất lượng hoạt động của BV Quận 2! Thế là, ban giám đốc và đội ngũ cán bộ, nhân viên bệnh viện bắt tay vào hành trình chinh phục niềm tin của người dân…

Hành trình chinh phục niềm tin!

Đầu năm 2013, tại hội nghị cán bộ - công nhân viên chức của BV, một nội dung quan trọng đã được đồng thuận: Thay đổi giờ làm việc sớm hơn 1 giờ, để phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Trước đây, đối với người khám ngoại trú, khâu tiếp nhận làm đúng giờ hành chánh là nhận hồ sơ từ 7 giờ 30 và bác sĩ khám bệnh lúc 7 giờ 45. Cách làm này gây nhiều bất lợi cho người bệnh, nhất là các bác lớn tuổi. Ngay sau hội nghị, BV Quận 2 bắt đầu nhận bệnh từ 6 giờ 30, khám từ 7 giờ. “Khi đi khám bệnh, tui thường nhịn đói để thử máu, cho nên khám sớm như vậy đỡ lắm! Một cái tiện khác là con cái có thể chở tui tới đây rồi đi làm vẫn kịp giờ, còn như trước thì tui phải tự bắt xe ôm đến bệnh viện”, dì Nguyễn Thị Út (66 tuổi, ngụ khu phố 3, phường Phú Hữu, quận 9) cho biết.

Các khóa tập huấn về nguyên tắc ứng xử, thái độ phục vụ được tổ chức cho các điều dưỡng, kỹ thuật viên, y công, hộ lý “học ngày, học đêm” – theo cách nói của bác sĩ Khanh. Hiệu quả, số lượng phản ánh, than phiền về thái độ của nhân viên y tế không tốt giảm hẳn, đến nay hầu như không còn. Điện thoại đường dây nóng thì ghi đích danh giám đốc, phó giám đốc và trưởng phòng kế hoạch tổng hợp.

“Hôm rồi, cũng đã khuya, tôi đang lơ mơ ngủ, một bệnh nhân Khoa Nội gọi điện than phiền là nhà vệ sinh hết nước. Tôi hứa trong vòng 5 phút sẽ xử lý xong. Khi tiếp nhận thông tin, dù là chuyện lớn hay nhỏ, mình đều phải giải quyết rốt ráo thì mới tạo được niềm tin cho người dân”, bác sĩ Khanh khẳng định.

Điều quan trọng nhất để người bệnh tìm đến vẫn là chất lượng chuyên môn. Bên cạnh việc tuyển thêm nhiều bác sĩ chuyên khoa, BV Quận 2 tận dụng chương trình hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ của các bệnh viện tuyến trên. Đến nay, BV đã thực hiện được nhiều kỹ thuật cao, thậm chí là kỹ thuật y khoa chuyên sâu (như tái tạo thần kinh vi phẫu) trong khám chữa bệnh. Về trang thiết bị, ngoài phần đầu tư từ ngân sách, bằng phương thức xã hội hóa, BV đã có thêm nhiều phương tiện hiện đại và mới đây nhất là phòng chạy thận nhân tạo 8 máy.

Số liệu về công tác khám chữa bệnh năm 2012 của BV như mong đợi, tăng gấp 3 lần so với năm trước: Bình quân tiếp nhận 1.100 lượt khám ngoại trú/ngày, bệnh nhi từ 120 đến 150 ca/ngày; công suất sử dụng giường đạt 90,3% (trong đó, khoa Nội và khoa Ngoại thường xuyên bị quá tải, BV phải cải tạo hội trường để tăng thêm 60 giường bệnh). Tỷ lệ bệnh nhân BHYT đến chỉ để xin giấy chuyển lên bệnh viện tuyến trên “rớt” ngoạn mục: năm 2012 giảm 72% so với 2011; 6 tháng đầu năm 2013 giảm 82% so với cùng kỳ.

Thân chủ của BV không chỉ là người dân quận 2 mà có rất nhiều bệnh nhân sống ở các quận 4, 7, 9, huyện Nhà Bè. Đặc biệt, có đến phân nửa dân số huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) là bệnh nhân của BV. Thú vị hơn nữa, BV Quận 2 đã tiếp nhận điều trị nhiều ca theo “quy trình ngược”: bệnh nhân ở bệnh viện cấp tỉnh (Cà Mau, Đồng Nai…) tìm đến để được điều trị tại bệnh viện quận!

Bác sĩ Trần Văn Khanh đánh giá: “Chúng tôi thấy mình đã thực hiện được nhiệm vụ chia lửa cho bệnh viện tuyến trên. Thử hình dung, nếu 1.200 bệnh nhân mỗi ngày không chọn BV Quận 2 mà cứ đi vào 3 bệnh viện trung tâm là Gia Định, 115 và Nhi đồng 2 như trước đây thì 3 nơi đó sẽ quá tải thêm 300 - 400 người bệnh nữa”.

Nhận định về phương hướng sắp tới, bác sĩ Khanh cho biết đến cuối năm, cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu TPHCM đặt tại BV Quận 2 sẽ đi vào hoạt động với quy mô 150 giường. Bên cạnh đó, việc BV ngày càng áp dụng nhiều kỹ thuật mới, y tế chuyên sâu trong khám chữa bệnh sẽ tạo thêm lực hút đối với người bệnh.

Dù đã đạt được những kết quả khả quan, đội ngũ cán bộ y tế BV Quận 2 vẫn đang tiếp tục hành trình chinh phục niềm tin của người dân…

PHONG LAN

Tin cùng chuyên mục