Tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm lây lan qua biên giới

(SGGP). – Ngày 23-1, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện hỏa tốc về việc tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm lây lan qua biên giới. Công điện nêu rõ: Dịch cúm gia cầm A (H7N9, H10N8, H5N1, H5N2, H6N1) đang xảy ra tại nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực và các nước giáp biên giới với Việt Nam.

Dịch cúm gia cầm diễn biến rất phức tạp, với sự xuất hiện của nhiều chủng virus cúm khác nhau cả trên người và động vật. Nguy cơ các chủng virus cúm mới xâm nhập vào Việt Nam thông qua các hoạt động nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm, khách đến từ các nước có dịch là rất cao, nhất là trong thời gian trước và sau Tết Giáp Ngọ.

Để chủ động ngăn chặn các chủng virus cúm gia cầm mới, độc lực cao xâm nhập và lây lan vào Việt Nam, hạn chế thấp nhất virus lây nhiễm và gây tử vong cho người, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện về việc phòng, chống dịch cúm gia cầm A (H7N9), A (H5N1); tăng cường công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; đôn đốc thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 và ngăn chặn vận chuyển trái phép gia cầm, thực phẩm, phụ gia thực phẩm qua biên giới.

Đặc biệt tập trung chỉ đạo, phối hợp để triển khai thực hiện có hiệu quả “Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép” theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời chủ động bố trí đủ kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch cúm gia cầm nói chung và cho các hoạt động bắt giữ, tiêu hủy gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu; cung cấp đầy đủ phương tiện và bảo hộ cá nhân cho lực lượng tham gia trực tiếp công tác phòng, chống dịch.

Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế cùng các địa phương, nhất là các tỉnh biên giới thường xuyên theo dõi sát tình hình dịch cúm gia cầm trong nước và các nước xung quanh; tiếp tục triển khai các biện pháp giám sát gia cầm và người qua biên giới; giám sát gia cầm, chợ gia cầm sống, bệnh nhân có dấu hiệu mắc bệnh cúm nhằm phát hiện sớm nhất các chủng virus cúm gia cầm mới, độc lực cao khi mới xâm nhập vào trong nước để có biện pháp xử lý kịp thời. Các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người”, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để làm cơ sở triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả.

NGỌC MINH

Tin cùng chuyên mục