Cảnh giác với cúm

Tuy tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang cơ bản được khống chế, nhưng vào thời điểm cuối năm, tiết trời mùa đông thường là điều kiện thuận lợi khiến dịch cúm trên gia cầm và cúm trên người dễ bùng phát…
Cảnh giác với cúm

Tuy tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang cơ bản được khống chế, nhưng vào thời điểm cuối năm, tiết trời mùa đông thường là điều kiện thuận lợi khiến dịch cúm trên gia cầm và cúm trên người dễ bùng phát…

Không thể chủ quan

Theo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, đến nay tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản đã được khống chế. Cả nước không ghi nhận các ổ dịch về cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, dịch tai xanh trên gia súc. Tuy nhiên, theo TS Đàm Xuân Thành - Phó cục trưởng Cục Thú y, bên cạnh việc thời tiết cả nước đang bước vào giai đoạn mùa đông xuân thì thời điểm cuối năm cũng là lúc nhu cầu tiêu thụ, vận chuyển gia cầm thường tăng đột biến (nhất là tình trạng buôn bán gia cầm lậu qua biên giới), cho nên không loại trừ nguy cơ dịch cúm trên gia cầm sẽ bùng phát và lây lan sang người.

Thời tiết lạnh và ẩm cũng là điều kiện lý tưởng, thuận lợi cho các loại virus cúm dễ dàng sinh sôi và phát triển. Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, các ổ dịch cúm gia cầm vẫn xảy ra rải rác tại một số địa phương như cúm A/H5N1 xuất hiện ở 155 xã, phường của 33 tỉnh, thành phố, làm hơn 211.000 con gia cầm mắc bệnh. Đáng lo ngại hơn, chủng virus cúm gia cầm mới và rất nguy hiểm là H5N6 cũng đã lần đầu tiên được ghi nhận tại các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam và Quảng Ngãi, làm hàng loạt gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy.

Bệnh nhân nhiễm cúm từ gia cầm có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Trong khi đó, đối với chủng virus A/H5N8 mới phát hiện ở Anh và Hà Lan, đại diện Cục Thú y cho biết, mặc dù hiện Việt Nam chưa ghi nhận chủng virus cúm mới này nhưng nguy cơ chúng xuất hiện ở Việt Nam cũng rất cao, nên người chăn nuôi không được chủ quan. Đáng lưu ý, kết quả xét nghiệm cho thấy, virus cúm A/H5N8 ghi nhận tại các nước Anh và Hà Lan có cấu trúc gien tương tự như virus phát hiện ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản trước đó và bắt nguồn từ sự tái tổ hợp các virus, bao gồm cả virus cúm gia cầm A/H5N1 đang lưu hành ở khu vực châu Á.

Các chuyên gia nghiên cứu cho biết, virus cúm A/H5N8 có tỷ lệ gây tử vong cao trên gà, đặc biệt là gà tây, nhưng ở vịt tỷ lệ này thấp hơn khoảng 20% và không gây các biểu hiện ốm, chết ở vịt trời nên việc phát hiện loại virus này không đơn giản. Đáng lưu ý, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật châu Âu cho biết, đến nay trên thế giới chưa ghi nhận trường hợp nào ở người nhiễm H5N8, nhưng chủng virus này có thể lây truyền từ gia cầm sang người. Những người có nguy cơ cao nhiễm chủng virus này là người trực tiếp tiếp xúc, chăm sóc, giết mổ hoặc xử lý gia cầm nhiễm bệnh. Do đó, các chuyên gia y tế cho rằng, người sau khi phơi nhiễm cần được theo dõi sức khỏe ít nhất 10 ngày để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh.

Chủ động phòng chống

Song hành với nguy cơ bùng phát dịch cúm trên gia cầm là dịch bệnh cúm trên người vì hiện nay các chủng virus cúm mùa như cúm B, H3N2, H1N1 và cả H5N1 vẫn đang tồn tại ở nước ta. Cả nước hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi với nhiệt độ lúc nóng, lúc lạnh, nắng mưa bất thường nên nếu hệ miễn dịch của cơ thể yếu đi thì rất dễ mắc bệnh, nhất là cảm cúm. Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, dễ mắc cảm cúm là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai và những người có miễn dịch kém. Nguyên nhân chủ yếu khiến cơ thể mắc bệnh cúm là do thời tiết thay đổi từ nóng chuyển sang lạnh, độ ẩm không khí thấp đột ngột, lúc này cơ thể không thích ứng kịp thời, khiến sự xâm nhập của virus cúm sẽ rất thuận lợi.

Những người bị cúm thường có triệu chứng sốt, đau rát họng, chảy nước mũi, nước mắt hoặc nghẹt mũi, cơ thể đau nhức, đau đầu nhẹ... Do bệnh cúm thường có nhiều biểu hiện nhẹ với các triệu chứng rất bình thường, không điển hình nên không ít người chủ quan cho rằng bệnh sẽ tự khỏi và không đến cơ sở y tế khám. Trong khi đó, các bác sĩ cho biết, bệnh cúm cũng rất dễ xảy ra những biến chứng nguy hiểm nếu chủ quan, không được điều trị kịp thời. Trong đó, đáng lo ngại nhất là biến chứng dẫn tới viêm phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn, thậm chí dẫn đến tử vong. Bệnh trở nên đặc biệt nguy hiểm đối với những người có sức đề kháng kém như phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh tim, phổi mạn tính. Đối với phụ nữ mang thai, bệnh cảm cúm có thể gây biến chứng phổi hoặc sẩy thai. Nếu thai phụ mắc bệnh trong 3 tháng đầu có thể làm thai nhi bị ảnh hưởng bệnh lý, nhất là về hệ thần kinh trung ương.

Để chủ động phòng tránh lây nhiễm cúm gia cầm sang người, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên giết, mổ gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân. Không ăn tiết canh, không ăn thịt gia cầm chưa được chế biến kỹ. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương. Nếu xuất hiện các biểu hiện cúm có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Còn đối với các bệnh cúm mùa thông thường, mỗi người hãy tự bảo vệ bản thân bằng cách thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh hô hấp cấp tính; khi tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế. Tăng cường bảo vệ sức khỏe và khả năng phòng bệnh bằng cách sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt, cũng như kết hợp chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Thường xuyên dọn dẹp thông thoáng nhà cửa, vệ sinh cá nhân. Chủ động theo dõi sức khỏe hàng ngày để phát hiện triệu chứng cúm, nếu có biểu hiện bệnh thì chủ động cách ly và thông báo cho y tế địa phương để được tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan. Đặc biệt lưu ý, không tự ý sử dụng các thuốc kháng virus nếu không có sự hướng dẫn của thầy thuốc.

Minh Khang

Tin cùng chuyên mục