Quy hoạch bệnh viện ở nội thành TPHCM - Bài 2: Nơi được xây, nơi không!

Trong khi một số bệnh viện trần ai để xin nâng cấp, xây mới mở rộng thì vẫn có một số bệnh viện lại được xem xét nâng cấp mở rộng xây mới khá hoành tráng mặc cho Công văn 8933 của UBND TPHCM (ngày 21-12-2007) cảnh báo “hạ tầng kỹ thuật thành phố trở nên quá tải và ngày càng xuống cấp trầm trọng, tình trạng ùn tắc giao thông trong các giờ cao điểm càng gia tăng”. Thậm chí ngay cả bệnh viện tư nhân cũng được cho phép mở ngay cả trong nội thành TPHCM.
Quy hoạch bệnh viện ở nội thành TPHCM - Bài 2: Nơi được xây, nơi không!

Trong khi một số bệnh viện trần ai để xin nâng cấp, xây mới mở rộng thì vẫn có một số bệnh viện lại được xem xét nâng cấp mở rộng xây mới khá hoành tráng mặc cho Công văn 8933 của UBND TPHCM (ngày 21-12-2007) cảnh báo “hạ tầng kỹ thuật thành phố trở nên quá tải và ngày càng xuống cấp trầm trọng, tình trạng ùn tắc giao thông trong các giờ cao điểm càng gia tăng”. Thậm chí ngay cả bệnh viện tư nhân cũng được cho phép mở ngay cả trong nội thành TPHCM.

        Xé rào

Ngày 1-3 vừa qua, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TPHCM đã cùng lúc đưa vào hoạt động 2 công trình cải tạo, nâng cấp mở rộng là khu khám bệnh (khu M, 227 Cống Quỳnh, quận 1) và xây mới khu kỹ thuật chăm sóc sức khỏe sinh sản (khu N, 191 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1). Với 2 khu mới này, quy mô mở rộng lên tới 500 giường nội trú dành cho các sản phụ sau sinh.

Với tổng kinh phí xây dựng, đầu tư 2 khu mới này hơn 357 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách TP cấp gần 148 tỷ đồng, tổng diện tích đưa vào sử dụng mới của 2 công trình lên đến gần 30.000m² phần nào giảm tải tình trạng bệnh nhân phải nằm giường đôi hoặc nằm trên hành lang.

Tại buổi khai trương, thạc sĩ - bác sĩ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết khu M được tái bố trí cho các khoa chăm sóc trước sinh (khám thai, chẩn đoán tiền sản), khám bệnh phụ khoa, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, hiếm muộn, kế hoạch hóa gia đình, khám trẻ em lành mạnh, khoa hậu sản. Riêng khu N thực hiện các dịch vụ y tế chuyên khoa phụ sản về chẩn đoán hình ảnh, kỹ thuật chẩn đoán, xét nghiệm di truyền y học - sàng lọc sơ sinh, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, sàng chậu, khoa hậu sản…

Như vậy, trước áp lực quá tải, Bệnh viện Từ Dũ đã phải nâng cấp xây mới mở rộng. Tuy nhiên, xét về Công văn 8933 thì quả là Bệnh viện Từ Dũ nằm ngay khu vực trung tâm thành phố có mật độ dân cư, lưu lượng giao thông rất lớn nên việc tạo thêm sức nặng cho hạ tầng kỹ thuật, giao thông thành phố là không thể tránh khỏi.

Mặc dù vướng Công văn 8933 nhưng Bệnh viện tư nhân Mắt kỹ thuật cao Phương Nam tọa lạc ngay trung tâm quận 3 vẫn được xây dựng.

Mặc dù vướng Công văn 8933 nhưng Bệnh viện tư nhân Mắt kỹ thuật cao Phương Nam tọa lạc ngay trung tâm quận 3 vẫn được xây dựng.

Việc dừng xây mới bệnh viện theo Công văn 8933 năm 2007 cũng đã gây khó khăn cho không ít dự án bệnh viện trong nội thành thành phố vào thời điểm đó nhưng một số dự án vẫn được triển khai như dự án xây mới Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn tại 60 - 60A đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TPHCM. Dự án này có quy mô 200 giường, 42 phòng khám, 8 phòng mổ, có thể phục vụ 2.000 lượt bệnh nhân mỗi ngày.

Và bệnh viện này cũng mới được đưa vào hoạt động hồi tháng 3-2012 ở một vị trí cũng tạo thêm áp lực cho hạ tầng đô thị, giao thông trong nội thành cũng không nhỏ. Thậm chí đã có việc “xé rào” khi mới đây đã cho thành lập và đưa vào hoạt động một bệnh viện tư nhân cũng nằm ngay trong nội thành. Đó là Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Phương Nam tọa lạc tại số 360 Điện Biên Phủ, phường 11, quận 10, TPHCM (đối diện Bệnh viện Bình Dân) là địa điểm có mật độ giao thông, áp lực hạ tầng rất lớn.

Hệ thống cơ sở hạ tầng của bệnh viện này được đầu tư xây mới hoàn toàn với tổng diện tích 2.220m², tổng vốn đầu tư hơn 120 tỷ đồng. Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Phương Nam do bà Trần Thị Phương Thu, nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM, Chủ tịch Hội Nhãn khoa TPHCM, cùng đội ngũ các giáo sư, bác sĩ chuyên khoa mắt đầu ngành phía Nam thành lập với 4 khoa chức năng, gồm: khoa khám bệnh trong ngày, khoa phẫu thuật Phaco điều trị đục thủy tinh thể, Laser Excimer điều trị tật khúc xạ (cận, viễn và loạn thị), khoa cận lâm sàng và khoa dược.

        Có cởi trói?

Mới đây, một đơn vị tại TPHCM (xin giấu tên) cũng không khỏi bức xúc vì việc vận dụng Công văn 8933 của một số sở ban ngành. Vốn dĩ đơn vị này đã có một phòng khám đa khoa nhưng trước khi cổ phần hóa không kê khai phần đất sử dụng. Vậy là đơn vị làm thủ tục xin cấp lại đất và trong hồ sơ xin cấp “lỡ” ghi mục đích xin cấp để làm bệnh viện. Vậy là hồ sơ xin cấp đất này đã bị “treo” do vướng Công văn 8933 và đến nay chưa biết đã được gỡ thế nào…

Sự thực là một số đơn vị, nhất là các bệnh viện công lập vì vướng công văn nói trên nên không thể triển khai thêm được các dịch vụ kỹ thuật mới, làm hạn chế chất lượng điều trị và dịch vụ cho người bệnh. Trong khi đó, theo Công văn 8933 việc đầu tư xây dựng mới sẽ được triển khai tại các quận mới và các huyện ngoại thành, các cửa ngõ ra vào thành phố.

Thế nhưng, đã qua 6 năm nay chưa thấy bóng dáng hình hài của một bệnh viện công cấp thành phố nào để giúp giảm tải cho các bệnh viện nội thành, ngoại trừ mới đây đưa vào hoạt động một bệnh viện tư nhân là đa khoa quốc tế Thành Đô ở quận Bình Tân. Các dự án bệnh viện cửa ngõ ở Thủ Đức, Hóc Môn, quận 7, Bình Chánh, Củ Chi đều còn nằm trên giấy. Có chăng năm 2013 đã khởi công san lấp được mặt bằng của Bệnh viện Nhi đồng TP ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh.

Chính vì vậy, theo nhiều chuyên gia y tế, Công văn 8933 quá chặt và nên xem xét nới lỏng nhằm tạo điều kiện cho những cơ sở y tế, nhất là bệnh viện công lập được xây mới mở rộng đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Tuy nhiên, theo BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cần xem xét từng trường hợp cụ thể, nhất là đối với những cơ sở đã xuống cấp. Mặt khác, theo các chuyên gia y tế nên thực hiện các mô hình bệnh viện điều trị trong ngày nhằm vừa giảm áp lực quá tải cho các bệnh viện hiện nay vừa phần nào nâng cao chất lượng, dịch vụ điều trị mà không ảnh hưởng nhiều đến hạ tầng kỹ thuật đô thị cũng như giao thông nội thành.

TƯỜNG LÂM

Thông tin liên quan

Bài 1: Chịu trận… xuống cấp
 

Tin cùng chuyên mục