Số người mắc tay chân miệng cao hơn cả dịch sởi

Ngày 29-4, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết cùng với dịch sởi đang diễn biến phức tạp thì dịch tay chân miệng cũng đang gia tăng nhanh số ca mắc, chủ yếu là trẻ nhỏ.
Số người mắc tay chân miệng cao hơn cả dịch sởi

(SGGPO). - Ngày 29-4, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết cùng với dịch sởi đang diễn biến phức tạp thì dịch tay chân miệng cũng đang gia tăng nhanh số ca mắc, chủ yếu là trẻ nhỏ.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 17.400 trường hợp bị tay chân miệng tại 62/63 tỉnh thành. Mặc dù số ca mắc giảm 20% so với cùng thời điểm năm ngoái nhưng một số tỉnh, thành lại có số mắc cao và tăng nhanh là: TPHCM gần 2.700 trường hợp (tăng 29%), Bà Rịa-Vũng Tàu hơn 1.100 ca mắc (tăng hơn 34%), Cà Mau gần 940 ca (tăng hơn 15%) và Kon Tum 112 ca (tăng gần 70%).

Số người mắc tay chân miệng cao hơn cả dịch sởi ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhi mắc sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: T.L

Cục trưởng Trần Đắc Phu cũng cho biết, tay chân miệng là bệnh gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên đỉnh dịch tay chân miệng thường diễn ra từ tháng 3-5 và tháng 9-12.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Tuy nhiên khó khăn của việc phòng chống bệnh tay chân miệng là chưa có vaccine phòng ngừa.

Trước nguy cơ dịch tay chân miệng bùng phát, Bộ Y tế đã có khuyến cáo người dân về cách phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này. Theo đó, cả người lớn và trẻ em cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Cần lưu ý, trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác. Khi trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

Liên quan tới tình hình dịch sởi, thống kê cho thấy, cả nước đã ghi nhận 3.751 trường hợp mắc sởi xác định trong số 11.249 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố. Trong đó có 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 128 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi.

Hiện nay, bệnh viện Nhi trung ương và bệnh viện Bạch Mai vẫn là 2 cơ sở điều trị có số trẻ bị sởi đang điều trị đông nhất. Theo đó, tại bệnh viện Nhi trung ương có 230 trẻ, còn tại bệnh viện Bạch Mai là 69 cháu.

Bộ Y tế cũng cho biết, tỷ lệ tiêm vaccin sởi tại các tỉnh, thành phố tiếp tục được nâng lên đến nay đã đạt 79,4%. Cả nước có 49 tỉnh có tỷ lệ tiêm vaccine sởi đạt tỷ lệ cao trên 70% và chỉ còn tỉnh có tỷ lệ tiêm vét vaccine sởi thấp dưới 50% là Bạc Liêu.

QUỐC LẬP

Tin cùng chuyên mục