Căng thẳng vì dịch nối dịch

Trong khi dịch sởi vẫn diễn ra căng thẳng với hàng ngàn trẻ mắc bệnh thì dịch tay chân miệng và thủy đậu cũng có chiều hướng bùng phát, khi số ca bệnh gia tăng liên tục. Đáng lo ngại hơn, các chuyên gia y tế nhận định trong thời điểm tháng 5, khi thời tiết bắt đầu vào mùa nóng bức ở miền Bắc thì số người mắc 2 loại bệnh này sẽ gia tăng hơn nữa.Dễ biến chứng nếu không sạch sẽ
Căng thẳng vì dịch nối dịch

Trong khi dịch sởi vẫn diễn ra căng thẳng với hàng ngàn trẻ mắc bệnh thì dịch tay chân miệng và thủy đậu cũng có chiều hướng bùng phát, khi số ca bệnh gia tăng liên tục. Đáng lo ngại hơn, các chuyên gia y tế nhận định trong thời điểm tháng 5, khi thời tiết bắt đầu vào mùa nóng bức ở miền Bắc thì số người mắc 2 loại bệnh này sẽ gia tăng hơn nữa.

Dễ biến chứng nếu không sạch sẽ

Những ngày gần đây, Khoa Nhi Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã phải tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị mắc thủy đậu. PGS-TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi cho biết thủy đậu là bệnh lưu hành quanh năm ở nước ta, với số bệnh nhân mắc rải rác tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Tính tới thời điểm này, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã phải tiếp nhận trên 120 trường mắc thủy đậu, gồm cả trẻ em và người lớn.

Còn tại BV Bạch Mai, mỗi ngày cũng có hơn 10 trẻ bị thủy đậu phải tới điều trị. PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết, phần lớn số trẻ mắc thủy đậu nhập viện đều chưa được tiêm vaccine phòng bệnh. Thủy đậu là bệnh do virus Varicella zoster gây nên, lây qua đường hô hấp. Bệnh thậm chí có thể lây khi trẻ tiếp xúc với dụng cụ học tập, quần áo, đồ chơi có chứa siêu vi trùng gây bệnh. Bệnh nhân mắc thủy đậu thường bắt đầu bằng triệu chứng sốt cao, trên da nổi những vết đỏ như nốt xuất huyết nên nhiều người thường nhầm lẫn với sốt phát ban hay tay chân miệng. Sau 1 - 2 ngày sẽ nổi các mụn phỏng nước trên da. Nếu các nốt phỏng bị vỡ thì dễ bị bội nhiễm vi khuẩn, gây mủ, sưng to nhiễm trùng da khiến việc điều trị rất lâu.

Tiêm vaccine thủy đậu là biện pháp phòng dịch hiệu quả.

Tiêm vaccine thủy đậu là biện pháp phòng dịch hiệu quả.

Theo PGS-TS Bùi Vũ Huy, thủy đậu là loại bệnh lành tính nhưng nếu không được chữa trị kịp thời và chăm sóc cẩn thận, sạch sẽ thì rất dễ dẫn tới các biến chứng mà thường gặp nhất là nhiễm trùng da. Trường hợp nặng hơn là vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu, gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não rất nguy hiểm. Để phòng tránh thủy đậu, biện pháp quan trọng nhất là cần đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phòng ngừa đầy đủ. Kể cả người lớn, nếu chưa miễn dịch với thủy đậu cũng nên chủ động đi tiêm vaccine ngừa bệnh. Những trẻ khi mắc bệnh vẫn cần tắm rửa, vệ sinh hàng ngày bằng nước ấm, tốt nhất là tắm bằng nước lá chè xanh đun sôi, giữ ấm cơ thể. Cần lưu ý, khi tắm, lau người cho trẻ phải rất nhẹ nhàng, tuyệt đối không để nốt đậu bị trợt vỡ. Khi có nốt bỏng bị vỡ ra thì bôi trực tiếp thuốc sát khuẩn lên, còn những nốt bỏng nước chưa vỡ thì không cần bôi thuốc. Khi bị vỡ, trợt nhiều nốt đậu, cần đưa ngay trẻ đến BV để điều trị vì tình trạng vỡ mụn nhiều có thể làm cho trẻ bị mất nước, nhiễm trùng dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho trẻ, đảm bảo trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tăng cường đề kháng.

Để tránh lây lan dịch bệnh, các phụ huynh khi phát hiện trẻ bị thủy đậu thì cho các cháu nghỉ học, cách ly khỏi môi trường đông người.

Tay chân miệng tăng ở nhiều nơi

Cùng với dịch sởi và thủy đậu, hiện nay dịch tay chân miệng cũng đang bắt đầu giai đoạn cao điểm. PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, cả nước đã ghi nhận khoảng 17.500 người mắc tay chân miệng tại 62/63 tỉnh thành. Đáng lo ngại khi ở nhiều địa phương, số mắc tay chân miệng đang tăng rất cao so với cùng kỳ năm ngoái, như Bà Rịa - Vũng Tàu (1.100 ca, tăng 34,4%), TPHCM (2.600 ca, tăng 28,9%)… PGS-TS Trần Đắc Phu cũng nhận định, dịch bệnh tay chân miệng ở miền Nam thường xuất hiện nhiều vào tháng 3 đến tháng 4 và tháng 9 đến tháng 10 hàng năm. Còn ở miền Bắc trước đây thường có đỉnh dịch từ tháng 5 đến tháng 6. Hơn nữa, năm 2013 số ca mắc tay chân miệng thấp nên theo chu kỳ nhiều khả năng trong thời gian tới, số người mắc dịch bệnh này sẽ tăng rất cao.

Trẻ bị tay chân miệng thường có những nốt đỏ dễ nhận thấy ở miệng và tay chân.

Trẻ bị tay chân miệng thường có những nốt đỏ dễ nhận thấy ở miệng và tay chân.

Theo các chuyên gia y tế, tay chân miệng là bệnh lành tính, tỷ lệ biến chứng thấp nhưng do lây lan khá nhanh trong cộng đồng qua đường ăn uống, tiêu hóa nên dễ gây dịch lớn. Điều đáng quan ngại nhất hiện nay là bệnh này vẫn chưa có vaccine phòng ngừa, thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, đau miệng, loét miệng với vết loét đỏ hay bỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi và phát ban dạng bỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân.

Chăm sóc bệnh nhi bị nhiễm bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Dương Ngọc
Chăm sóc bệnh nhi bị nhiễm bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Dương Ngọc


Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để phòng bệnh, mọi người cần rửa tay thường xuyên bằng xà bông nhiều lần trong ngày, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng. Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế bằng xà bông hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Cần lưu ý, trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác. Khi trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

TRUNG KIÊN 

Ngày 2-5, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM Nguyễn Trí Dũng cho biết, số ca sốt phát ban nghi sởi trên địa bàn TP có chiều hướng giảm. Tháng trước, mỗi tuần ghi nhận 110-130 ca, hiện nay còn khoảng 90 ca/tuần. Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi từ đầu năm đến nay ghi nhận trên 1.800 ca (cả năm 2013 chỉ ghi nhận 404 ca), trong đó 649 ca xét nghiệm dương tính với sởi. TPHCM tiếp tục tiêm vét vaccine phòng ngừa bệnh sởi cho trẻ từ 9 đến 36 tháng tuổi trong tháng 5. Hiện nay tỷ lệ tiêm ngừa đạt 95,7%. Cùng ngày, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh cho biết, mỗi ngày vẫn có 50-60 ca sốt phát ban nghi sởi nhập viện. Số ca nghi mắc sởi đến khám và nhập viện chững lại, trong đó 10% có biến chứng lên phổi. Bệnh nhân nghi mắc sởi ở tỉnh nhập viện tại khoa chiếm 60%.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM Nguyễn Trí Dũng cảnh báo, bệnh tay chân miệng cũng đang có chiều hướng gia tăng. Hiện nay, trên địa bàn TP ghi nhận trên 200 ca mắc bệnh tay chân miệng/tuần. Do đó, giữ gìn vệ sinh thân thể và môi trường sạch sẽ, tránh tiếp xúc nguồn bệnh, tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh tay chân miệng.

NGỌC THÙY

Tin cùng chuyên mục