Kiểm tra thực phẩm chức năng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Sai thì “trảm” ngay!

Quảng cáo như thuốc chữa bệnh
Kiểm tra thực phẩm chức năng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Sai thì “trảm” ngay!

Trước thực trạng bát nháo của việc kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) hiện nay, nhất là quảng cáo thổi phồng công dụng, hôm qua (4-8), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã dẫn đầu đoàn giám sát thanh tra, kiểm tra đột xuất về thực phẩm này tại TPHCM.

Đoàn thanh tra kiểm tra thông tin sản phẩm chức năng tại Công ty Bảo Khang.

Đoàn thanh tra kiểm tra thông tin sản phẩm chức năng tại Công ty Bảo Khang.

Quảng cáo như thuốc chữa bệnh

Mặc dù là công ty chuyên về dược phẩm nhưng mới đây, Công ty cổ phần Dược phẩm SAVI (Savipharm) ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM) cũng tham gia sản xuất TPCN. Tại thời điểm thanh tra đột xuất công ty này vào sáng qua, đoàn thanh tra Cục An toàn thực phẩm ghi nhận nhà máy sản xuất 2 loại TPCN có tên Tây Sa với công dụng da sáng, dáng đẹp và SaviGold forte có công dụng cải thiện khả năng sinh lý cho nam giới, chống mệt mỏi, giúp nâng cao sức khỏe, tăng cường sinh lực và dẻo dai trong hoạt động thể thao.

Theo ông Trần Tựu, Tổng Giám đốc Savipharm, công ty nghiêm túc chấp hành các quy định về công bố tiêu chuẩn sản phẩm, hồ sơ quảng cáo… Tuy nhiên, khi kiểm tra thành phần của SaviGold forte, Bộ trưởng Bộ Y tế không khỏi băn khoăn vì toàn là cao, như cao tật lê, cao dâm dương hoắc, cao bá bệnh, cao đinh lăng…

“Không biết có thực sự cải thiện sức khỏe tự tin hơn, mạnh mẽ hơn không”, bộ trưởng nghi ngờ. Khi xem qua thành phần của sản phẩm TPCN Tây Sa, Bộ trưởng Y tế cũng không khỏi thắc mắc căn cứ vào đâu mà những thành phần trong sản phẩm rất đỗi “đồng quê” như cao mắm đậu tương, cao tật lê, cao tam thất, cao nhàu lại được quảng cáo làm giúp giảm vết nhăn trên da, giúp da mịn màng hơn…

Dù vậy, qua kiểm tra thực tế nhà máy, Savipharm đạt chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc Nhật Bản (GMP-Nhật Bản) nên khá tươm tất, hệ thống sản xuất khép kín một chiều. Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu các sản phẩm TPCN của Savipharm để kiểm nghiệm các thành phần xem có đúng như tiêu chuẩn công bố hay không.

Cùng ngày, đoàn thanh tra kiểm tra cơ sở kinh doanh TPCN của Công ty TNHH Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Bảo Khang (gọi tắt Công ty Bảo Khang, địa chỉ 1069 Phan Văn Trị, phường 10, quận Gò Vấp, TPHCM) do ông Nguyễn Duy Bảo làm giám đốc.

Mặc dù là công ty kinh doanh TPCN nhưng ngay bên ngoài bảng hiệu trụ sở lại ghi “Dược Bảo Khang”. Sự lập lờ TPCN là thuốc này đã được đoàn thanh tra lật tẩy khi xem xét các sản phẩm của công ty như sản phẩm giảm cân Express Slimming. Đây là TPCN nhập khẩu nhưng không ghi nhãn phụ tiếng Việt, lại “nổ” công dụng như thuốc chữa bệnh.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), TPCN Express Slimming chỉ được cấp phép quảng cáo là hỗ trợ giảm cân, giảm choresterol nhưng ngay trong website www.giamcan24h.comwww.thuocgiamcan.vn cũng như trong tài liệu tapchigiamcan.vn mà Công ty Bảo Khang phát hành lại ghi là “thuốc giảm cân”. “Đây là sai phạm về quảng cáo nghiêm trọng và đánh lừa người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng tưởng là thuốc chữa bệnh”, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong bức xúc.

Ngoài Express Slimming, tại thời điểm kiểm tra còn phát hiện Công ty Bảo Khang phân phối các sản phẩm như Tiền Đình Bảo Khang, Ever slim… Ông Nguyễn Văn Nhiên, Trưởng phòng thanh tra Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã lập biên bản những vi phạm của Công ty Bảo Khang và yêu cầu dừng ngay những quảng cáo thổi phồng công dụng TPCN, tiêu hủy những tài liệu quảng cáo công dụng TPCN không đúng nội dung cấp phép.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu xử lý ngay và dứt điểm những vi phạm theo đúng quy định hiện hành và lấy mẫu kiểm tra thành phần chất lượng sản phẩm. Bộ trưởng Y tế cũng đặt nghi vấn giữa công ty nhập khẩu TPCN và Công ty Bảo Khang phân phối là một. Do đó, bộ trưởng chỉ đạo ngay tiếp tục thanh, kiểm tra công ty nhập khẩu TPCN là Công ty Thiên Hà Xanh cũng có địa chỉ tại quận Gò Vấp TPHCM.

Vi phạm là… trảm ngay

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, không thể phủ định tác dụng hỗ trợ sức khỏe của TPCN, nhưng cũng phải khẳng định TPCN không thể là thuốc. “Chất lượng cuộc sống ngày càng tăng, nhu cầu tăng cường sức khỏe của người dân rất lớn. Do đó cơ quan quản lý càng phải chặt chẽ quy trình nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân”, Bộ trưởng nói. Với hơn 10.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN, việc quản lý để TPCN phát triển đúng hướng, có lợi cho sức khỏe người bệnh là điều Bộ Y tế đặt ra.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, hiện các quy trình cấp phép như công bố tiêu chuẩn, hồ sơ quảng cáo của cơ quan chức năng là minh bạch, rõ ràng, song thời gian qua không ít doanh nghiệp được cấp phép nội dung quảng cáo một đằng lại quảng cáo một nẻo, chủ yếu là “nổ” về công dụng hay tự công bố tiêu chuẩn có công dụng “trên trời” nhưng khi kiểm nghiệm thì không đúng.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo quyết liệt giám sát kinh doanh, sản xuất, quảng cáo TPCN: “Sai thì “trảm” ngay. Mục đích cuối cùng là vì sức khỏe người dân. TPCN chỉ là hỗ trợ sức khỏe, không thể là thuốc được”. Bộ trưởng cũng lưu ý người tiêu dùng cần thận trọng khi sử dụng TPCN, nên tìm hiểu kỹ sản phẩm trước khi mua và tốt nhất phải có tư vấn của cán bộ y tế.

Bộ trưởng cũng hoan nghênh cá nhân, tổ chức phản ánh đến Bộ Y tế hoặc Cục An toàn thực phẩm những sản phẩm TPCN không đúng chất lượng như cam kết công bố tiêu chuẩn, nhãn mác lập lờ hay cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN vi phạm sản xuất, buôn bán, quảng cáo TPCN không đúng.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục