Nhiều tiến bộ trong điều trị bệnh Lơ-xê-mi-kinh

(SGGP).- Ngày 20-9, tại Hà Nội, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo và gặp mặt bệnh nhân Lơ-xê-mi-kinh dòng bạch cầu hạt nhằm hưởng ứng “Ngày Lơ-xê-mi-kinh dòng bạch cầu hạt thế giới 22-9”.

(SGGP).- Ngày 20-9, tại Hà Nội, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo và gặp mặt bệnh nhân Lơ-xê-mi-kinh dòng bạch cầu hạt nhằm hưởng ứng “Ngày Lơ-xê-mi-kinh dòng bạch cầu hạt thế giới 22-9”.

Với thông điệp “Hãy tập hợp lại, chúng ta là một”, hội thảo đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học và gần 300 bệnh nhân mắc bệnh này. Theo GS-TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, bệnh Lơ-xê-mi-kinh dòng bạch cầu hạt là một bệnh ác tính hệ tạo máu dạng ung thư tủy, gặp ở cả nam và nữ, cũng như trẻ nhỏ. Căn bệnh này chiếm 25% các bệnh máu ác tính, trên thế giới cứ 100.000 người thì có 2-3 người mắc bệnh này. Ở Việt Nam, mỗi năm được ghi nhận khoảng 100-150 bệnh nhân mắc mới.

Căn bệnh này có nguyên nhân do bất thường di truyền chuyển đoạn giữa nhiễm sắc thể số 9 và nhiễm sắc thể số 22 nên thế giới đã lấy ngày 22-9 là ngày Lơ-xê-mi-kinh dòng bạch cầu hạt thế giới. Mặc dù số lượng bệnh nhân không lớn nhưng cũng là gánh nặng không hề nhỏ đối với gia đình, xã hội và nguy hiểm hơn đã ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.

Trước đây, những người mắc căn bệnh Lơ-xê-mi-kinh dòng bạch cầu hạt thường tử vong sớm và có chất lượng sống rất thấp do không có thuốc đặc trị. Tuy nhiên trước sự tiến bộ của y học thế giới, hiện có hai phương pháp điều trị bệnh Lơ-xê-mi-kinh dòng bạch cầu hạt được lựa chọn tại Việt Nam là điều trị nhắm đích bằng thuốc Glivec (Imatinib) và ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại.

Trong đó phương pháp điều trị nhằm đích là phương pháp dùng thuốc sửa chữa đột biến di truyền nhiễm sắc thể. Người bệnh sẽ phải sử dụng thuốc cả đời và nếu không có bảo hiểm y tế chi trả, mỗi năm chỉ riêng tiền thuốc bệnh nhân sẽ phải trả khoảng 500 triệu đồng, tương đương 45 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, để hỗ trợ những người mắc căn bệnh hiểm nghèo này ở Việt Nam, kể từ năm 2009, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Công ty Novatis đã ký kết hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân Lơ-xê-mi-kinh dòng bạch cầu hạt có bảo hiểm y tế. Theo đó, bảo hiểm y tế sẽ chi trả 40% chi phí thuốc và Công ty Novatis chi trả 60% còn lại bằng thuốc cho bệnh nhân. Đến nay đã có trên 770 bệnh nhân được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ này.

Đối với phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại cho đến nay, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đã triển khai ghép được 9 trường hợp. Trong đó đã có những bệnh nhân đã đẩy lùi được hoàn toàn và trở về cuộc sống bình thường như bệnh nhân Hoàng Thị Diệu Thuần ở Nghệ An.

GS-TS Nguyễn Anh Trí cũng cho biết, qua các nghiên cứu bệnh nhân khi phát hiện bệnh Lơ-xê-mi-kinh dòng bạch cầu hạt được ghép bằng máu dây cuốn rốn từ nhỏ sẽ tốt hơn, không phải uống thuốc cả đời. Do vậy, hiện nay, viện đã thành lập “Ngân hàng máu tế bào gốc máu cuống rốn cộng đồng” với hy vọng giúp cho những bệnh ung thư máu có cơ hội được ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại. Hiện nay, ngân hàng đã lưu trữ được khoảng 500 mẫu máu cuống rốn và mỗi ngày tiếp nhận được từ 2-3 mẫu.

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục