Thanh tra an toàn thực phẩm tại phường, xã: Tránh lạm dụng xử phạt

Nể nang và… lạm quyền
Thanh tra an toàn thực phẩm tại phường, xã: Tránh lạm dụng xử phạt

Với chủ trương đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho người dân, Chính phủ đã ban hành quyết định cho phép triển khai thí điểm tổ chức lực lượng thanh tra ATVSTP đến tận phường, xã tại Hà Nội và TPHCM kể từ ngày 15-11 vừa qua. Với một địa bàn dân cư rộng, gần 10 triệu dân, TPHCM vốn dĩ gặp nhiều khó khăn trong quản lý ATVSTP, trong đó việc thanh tra, kiểm tra lâu nay vẫn còn lỗ hổng lớn do thiếu nhân lực, vật lực.

Nể nang và… lạm quyền

Tại TPHCM, Sở Y tế đã giao Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiến hành lập danh sách, triển khai tập huấn chuyên môn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra cho cán bộ của các quận, huyện, phường, xã đã bố trí nhân sự. Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục Trưởng, hiện công tác tập huấn đã triển khai và cơ bản truyền thụ được những nội dung chuyên ngành. Mặc dù vậy, ông Hòa vẫn lo ngại một số cán bộ có thể vận dụng máy móc, thiếu linh hoạt hoặc chưa nắm vững nghiệp vụ, thiếu những kiến thức của quy định pháp luật về ATVSTP, dẫn đến khi phát hiện cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm thì xử phạt chưa đúng. Hoặc do chưa nắm chắc nghiệp vụ nên không dám phạt vì sợ bị khiếu nại.

Theo Bộ Y tế, về nhân sự thanh tra ATVSTP, ở cấp quận sẽ có các cán bộ thuộc các phòng y tế, kinh tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, trung tâm y tế, đội quản lý thị trường; cấp phường, xã sẽ có cán bộ thuộc biên chế của trạm y tế, công chức phụ trách nông nghiệp, kinh tế ở cấp phường, xã. Những người này sẽ được quyền thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, xử phạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Tuy nhiên, tại cuộc tập huấn mới đây, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng hầu hết những cán bộ nói trên chưa qua đào tạo chuyên ngành thanh tra, kiểm tra ATVSTP, nên thời gian đầu sẽ không khỏi gặp phải những khó khăn nhất định.

Thực tế, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ATVSTP quan ngại không chỉ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ thanh tra cấp quận, huyện, phường, xã mà ngay câu chuyện “địa bàn” cũng là vấn đề đáng nói. “Hàng quán, chợ búa đều ít nhiều có mối quan hệ địa phương, họ hàng nên không tránh khỏi nể nang”, một chuyên gia y tế nghi ngại. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, với việc thiếu giám sát thì thanh tra ATVSTP sẽ là một “ung nhọt” nếu lạm quyền! Điều này đã từng được bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng nhìn nhận khi qua thống kê các năm cho thấy các xã, phường ít xử phạt vi phạm ATVSTP vì quen biết, còn quận huyện thì thanh tra viên do sợ bị kiện nên cũng ngại phạt. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hưng, thành phố kiên quyết xử phạt sai phạm ATVSTP để hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sự phát triển chung. Đồng thời, Thanh tra Sở Y tế và Chi cục ATVSTP phải giám sát và kiểm tra hoạt động thanh tra, kiểm tra của lực lượng cấp cơ sở để đánh giá chất lượng và có sự điều chỉnh.

Thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại một cơ sở ở TPHCM

Cần giám sát

Vừa qua, Bộ Y tế tổ chức triển khai Quyết định 38/2015 của Thủ tướng về việc thí điểm thanh tra chuyên ngành ATVSTP. Việc thí điểm được thực hiện tại 10 quận, huyện, 20 phường, xã ở Hà Nội và TPHCM. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, GS-TS Nguyễn Thanh Long, sự vào cuộc của chính quyền cấp cơ sở sẽ tạo được mạng lưới kiểm soát ATVSTP rộng hơn, khắc phục hạn chế về nhân sự hiện nay của các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, GS Nguyễn Thanh Long cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc triển khai bước đầu sẽ gặp nhiều khó khăn như cán bộ kiêm nhiệm nhiều việc, trang thiết bị thiếu…  Trong cuộc họp mới đây, bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, cũng cho rằng các xã, phường vừa hạn chế chuyên môn, lại thêm thiếu thiết bị, công cụ nên khó nhận diện được thực phẩm mất an toàn để xử phạt… Về quyền hạn thanh tra, theo quyết định của Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp quận, huyện, phường, xã sẽ ra quyết định thanh tra, thanh tra đột xuất và thành lập đoàn thanh tra. Cuộc thanh tra chuyên ngành do chủ tịch UBND cấp quận, huyện quyết định tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày. Thanh tra chuyên ngành do chủ tịch UBND cấp phường, xã, thị trấn quyết định tiến hành không quá 20 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 30 ngày…

Việc các địa phương được giữ lại 100% tiền xử phạt là yếu tố khiến không ít ý kiến băn khoăn. “Cấp xã có quyền xử phạt đến 5 triệu đồng và cấp quận được phạt đến 20 triệu đồng, là khoản tiền không nhỏ. Đây thực sự là nguồn thu cho các địa phương, nên nếu không giám sát sẽ sinh ra… lạm thanh tra, lạm thu”, một chuyên gia lo lắng. Chính vì vậy, theo GS-TS Nguyễn Thanh Long, việc thanh tra phải minh bạch, xử phạt phải công minh và nếu cơ sở, doanh nghiệp không đồng ý kết quả thanh tra phải tiến hành xem xét, thanh tra lại. “Mục đích là ngăn chặn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nguy cơ gây hại sức khỏe cho người dân từ thực phẩm bẩn chứ không phải nhân danh cơ quan thanh tra để sa đà vào bắt bẻ, gây khó cho người dân”, GS Nguyễn Thanh Long khuyến cáo. Bên cạnh thanh tra, GS Long cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc lồng ghép tuyên truyền, giải thích, vận động, nhắc nhở cho không chỉ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà ngay cả người tiêu dùng, tiến tới thay đổi hành vi, ý thức chấp hành pháp luật về ATVSTP.

Theo Sở Y tế TPHCM, hiện toàn thành phố có khoảng 53.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong 9 tháng đầu năm 2015, các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành ATVSTP quận, huyện phạt hơn 3,7 tỷ đồng; còn các đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến phường, xã chỉ phạt độ 235 triệu đồng.


TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục