Chấn chỉnh dự phòng tai biến sản khoa

Trong 2 tuần đã xảy ra các vụ tai biến sản khoa liên tiếp khiến mẹ con sản phụ tử vong ở Hà Tĩnh, con tử vong và mẹ nguy kịch ở Tiền Giang. Trước đó, trong các năm 2013 - 2014 cũng xảy ra hàng loạt vụ tai biến sản khoa làm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh ở nhiều địa phương. Làm sao để phòng ngừa, hạn chế tai biến sản khoa là vấn đề nổi cộm của ngành y tế.
Chấn chỉnh dự phòng tai biến sản khoa

Trong 2 tuần đã xảy ra các vụ tai biến sản khoa liên tiếp khiến mẹ con sản phụ tử vong ở Hà Tĩnh, con tử vong và mẹ nguy kịch ở Tiền Giang. Trước đó, trong các năm 2013 - 2014 cũng xảy ra hàng loạt vụ tai biến sản khoa làm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh ở nhiều địa phương. Làm sao để phòng ngừa, hạn chế tai biến sản khoa là vấn đề nổi cộm của ngành y tế.

Tỷ lệ tai biến cao

Hiểu rõ tầm quan trọng của chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, vừa bước sang năm 2015, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BYT về việc tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định các chỉ số về sức khỏe bà mẹ, trẻ em Việt Nam đạt được là khá tốt so với nhiều quốc gia có mức thu nhập bình quân trên đầu người tương tự. Tử vong mẹ và tử vong trẻ em đã giảm đáng kể. Mặc dù đã cải thiện rõ rệt về tình trạng sức khỏe bà mẹ, trẻ em nhưng vẫn còn có sự khác biệt khá lớn về tử vong mẹ, tử vong trẻ em và tử vong sơ sinh giữa các vùng, miền… Trong đó, thực tế tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh do các tai biến sản khoa vẫn cao, ngay cả ở các đô thị lớn. Theo Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TPHCM, năm 2014 có đến 2.638 sản phụ bị tai biến khi vượt cạn hay nạo phá thai khiến 11 người tử vong. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TPHCM, nhìn nhận số ca tai biến sản khoa tăng dần trong các năm gần đây. Năm 2011, TP có hơn 1.000 trường hợp thì năm 2012 con số này tăng gần gấp đôi. Năm 2014, trong gần 170.000 sản phụ đi sinh thì hơn 2.600 ca tai biến.

Một trường hợp sinh mổ do khó sinh thường được chăm sóc tại bệnh viện.

Bộ Y tế cho biết tử vong sơ sinh chiếm đến 70% số tử vong trẻ em dưới 1 tuổi. Trong khi tốc độ giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em trong những năm gần đây đã có xu hướng chậm lại, nếu không có những giải pháp quyết liệt và đầu tư thỏa đáng thì sẽ khó có thể đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ em vào năm 2015 như đã cam kết với cộng đồng quốc tế. Để khắc phục thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đưa các chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường đầu tư từ ngân sách địa phương thông qua nguồn vốn chi thường xuyên, vốn đầu tư, các chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung thực hiện các mục tiêu giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh...

Dự phòng từ ý thức sản phụ

Các bác sĩ xác định nguyên nhân thường dẫn đến tai biến sản khoa và tử vong là thuyên tắc ối, nhiễm khuẩn, băng huyết, thuyên tắc phổi sau sinh mổ. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như thai phụ có sẵn các bệnh lý mạn tính. Thống kê tại các bệnh viện sản ở TPHCM cũng cho thấy, sản phụ chủ động sinh mổ từ lần đẻ trước là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai biến cho lần vượt cạn tiếp theo. Tại 2 bệnh viện Từ Dũ và Hùng Vương, không ít sản phụ bị nhau thai bám vết mổ cũ, nhau bong non, nhau cài răng lược có liên quan đến sinh mổ. Tình trạng nạo phá thai cũng góp phần làm tăng lượng ca tai biến sản khoa. Nhiều trường hợp gặp tai biến ngay trong khi nạo phá thai, không ít trường hợp hỏng thai hoặc biến chứng khi sinh do hậu quả của nạo phá thai gây nên. Nghiên cứu của Vụ Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) cho thấy, có 5 tai biến sản khoa thường gặp, dễ dẫn đến tử vong cho sản phụ, cho trẻ hoặc cho cả sản phụ và em bé sơ sinh. Đó là nhiễm khuẩn hậu sản, băng huyết sau sinh, vỡ tử cung, sản giật, uốn ván rốn (tai biến cho con). Trong đó, theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Từ Dũ TPHCM, có 3 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho sản phụ là do băng huyết sau sinh, chiếm 2/3 các ca tử vong ở bà mẹ. Thông thường, tử cung bà mẹ khi trẻ sinh ra sẽ co lại. Tuy nhiên, vì lý do nào đó tử cung không co được khiến máu chảy ra. Đó là tình trạng đờ tử cung. Nguyên nhân khác là do rách tử cung, đứt mạch máu hay nhau bám chặt vào vết mổ cũ (nhau cài răng lược). Nguyên nhân thứ hai là tiền sản giật - sản giật (nhiễm độc thai nghén) là cao huyết áp do thai kỳ. Thứ ba là thuyên tắc ối do nước ối chui vào mạch máu mẹ, lên phổi và gây tắc hệ thống huyết mạch ở phổi và tử vong. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ thai phụ bị thuyên tắc ối xảy ra là 1/20.000 - 1/30.000 ca sinh nhưng tỷ lệ tử vong đến 70% - 90%.

Để phòng ngừa các tai biến trong sản phụ khoa, các chuyên gia y tế khẳng định việc thăm khám không thể ngẫu hứng, tùy tiện được bởi mỗi giai đoạn lại có những nguy cơ khác nhau và có những tai biến khó lường đôi khi bác sĩ không trở tay kịp dù có đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật cao. Vì vậy, để có được quá trình mang thai - sinh nở an toàn, sản phụ cần phải ý thức thăm khám thai một cách cẩn thận theo tư vấn của bác sĩ, đặc biệt là làm các xét nghiệm liên quan như đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, xét nghiệm gan… Theo chiến lược phòng chống 5 tai biến sản khoa được đưa ra của Bộ Y tế, ngay chính mỗi bác sĩ và cơ sở y tế cần phát hiện và chẩn đoán sớm; có thái độ xử trí đúng lúc, hợp lý (sớm) và chuyển tuyến sớm. Bên cạnh đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sản phụ khoa và nhi khoa các tuyến cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục vận động để các bà mẹ có thai được khám thai, biết được các dấu hiệu nguy cơ khi mang thai…

Ngày 2-3, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết thực hiện Chỉ thị 01/2015/CT-BYT của Bộ Y tế, yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tế của địa phương, tích cực tham mưu với UBND tỉnh, thành phố có kế hoạch triển khai chương trình hành động “giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh hướng tới thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ 4 và 5”; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn để chấn chỉnh việc thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh...; rà soát tình hình cán bộ về số lượng và năng lực, trang thiết bị và tổ chức nhân sự làm công tác chăm sóc sản khoa...

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục