Sử dụng nhầm thuốc giả: Từ mang bệnh thành mang… họa!

Mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trên thị trường dược phẩm nhưng mỗi năm số thuốc giả, thuốc kém chất lượng bị phát hiện và đình chỉ lưu hành cũng lên đến vài chục loại, gây nguy hại đối với sức khỏe người sử dụng.
Sử dụng nhầm thuốc giả: Từ mang bệnh thành mang… họa!

Mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trên thị trường dược phẩm nhưng mỗi năm số thuốc giả, thuốc kém chất lượng bị phát hiện và đình chỉ lưu hành cũng lên đến vài chục loại, gây nguy hại đối với sức khỏe người sử dụng.

Liên tục phát hiện thuốc giả

Theo Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương, hàng năm hệ thống các trung tâm kiểm nghiệm thuốc trong cả nước lấy từ 30.000 - 40.000 mẫu thuốc trên thị trường để giám sát chất lượng. Qua đó cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý bằng hình thức thu hồi, đình chỉ lưu hành không ít các loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, điều báo động là thuốc giả hiện đã xuất hiện ở nhiều thành phố lớn, thậm chí cả trong bệnh viện. Nếu như trước đây các loại thuốc thường được sử dụng phổ biến (như kháng sinh chống nhiễm khuẩn, cảm cúm, điều trị các bệnh về đường tiêu hóa...) mới hay bị làm giả thì gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện không ít loại biệt dược, đặc trị nhập ngoại phải sử dụng theo kê đơn và hướng dẫn chặt chẽ của bác sĩ cũng bị làm giả như: thuốc về tim mạch, thần kinh, điều trị các rối loạn về cương dương, hỗ trợ sinh lý.

Vào cuối tháng 1-2015, Công an thành phố Hà Nội phát hiện vụ vận chuyển hàng chục ngàn hộp và lọ thuốc tăng cường sinh lý với các nhãn hiệu như Maxman, Gold Fly, America Leopard đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và chứng nhận về chất lượng.

Còn trước đó, cơ quan chức năng đã triệt phá một cơ sở sản xuất thuốc giả do Bùi Văn Hiệp (30 tuổi, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và thiết bị y tế HT Hoa Kỳ, có trụ sở ở phố Đội Cấn, Hà Nội) tổ chức, thu giữ hàng trăm thuốc Lumbrotine hỗ trợ điều trị tai biến mạch máu não và Zinc-kid điều trị thiếu kẽm ở trẻ còi xương và phụ nữ mang thai.

Mới đây nhất, Công an TPHCM đề nghị truy tố hai vợ chồng Trần Đăng Trường (36 tuổi), Nguyễn Thị Diễm Huyền (34 tuổi) về hành vi sản xuất và tiêu thụ 650 hộp thuốc giả.

Một lô thuốc giả bị thu giữ.

Theo TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, tỷ lệ thuốc kém chất lượng ở Việt Nam hiện dao động khoảng 3% và thuốc giả dưới 0,02%. Trong 2 năm qua đã có khoảng 110 lô thuốc bị đình chỉ lưu hành hoặc buộc phải tái xuất do không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Riêng năm 2014 đã xử lý, thu hồi 41 lô thuốc không đạt chất lượng và 7 trường hợp thuốc giả. Còn trong hai tháng đầu năm 2015, cục đã ra quyết định xử phạt 9 doanh nghiệp dược có thuốc kém chất lượng, bằng hình thức không cấp giấy phép đăng ký thuốc mới trong vòng một năm.

Nhiều mối nguy hại

Theo các chuyên gia về dược phẩm, sở dĩ thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn tung hoành có phần nguyên nhân rất lớn từ thói quen sử dụng thuốc một cách tùy tiện của người bệnh. Hiện nay, việc mua bán, sử dụng thuốc không đơn, không chỉ dẫn của thầy thuốc diễn ra khá phổ biến, người bán chỉ mong bán cho nhanh và được nhiều loại thuốc, còn người mua cũng không quan tâm tới những tác dụng phụ có hại của thuốc gây ra, chỉ biết cứ ốm đau, mệt mỏi là tự mua thuốc về sử dụng.

Trong khi đó, theo đánh giá của WHO, mặc dù Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng duy trì ở mức thấp nhưng ảnh hưởng, tác hại của thuốc giả, kém chất lượng tới sức khỏe người sử dụng không hề nhỏ. WHO chỉ ra, trung bình mỗi năm, trên thế giới có khoảng 200.000 người chết do thuốc giả, kém chất lượng.

PGS-TS Nguyễn Đăng Hòa, Hiệu trưởng Đại học Dược Hà Nội, cho biết thuốc giả, kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người sử dụng mà còn vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị để cứu sống người bệnh. Rất nhiều trường hợp thuốc giả gây ra tác hại nặng nề như các phản ứng dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng cũng như làm bệnh nhân bị kháng thuốc. Nếu tác dụng phụ của thuốc thật, thuốc chuẩn nằm trong khoảng 1/10.000 đến 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả, thuốc kém chất lượng lại lên đến 1/10 (tăng gấp hơn 1.000 lần).

Theo các bác sĩ của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, khi uống phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, người bệnh hay gặp phải tình trạng dị ứng, phản ứng thuốc, có thể xuất hiện sau khi dùng thuốc 15 - 30 phút hoặc một vài ngày. Các phản ứng dị ứng có nhiều cấp độ khác nhau, từ nhẹ như buồn nôn, ói mửa cho đến các trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng.

Được biết, Cục Quản lý dược đang phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và hậu kiểm trên thị trường dược phẩm để nâng cao chất lượng của thị trường.

TRUNG KIÊN

Tin cùng chuyên mục