Viêm não vào mùa cao điểm

Viêm não là căn bệnh do nhiều loại virus gây ra, thường bùng phát mạnh vào mùa nắng nóng. Nguy hiểm hơn, đây là căn bệnh mà đối tượng mắc chủ yếu là trẻ em nên nguy cơ biến chứng và tử vong rất cao. Đáng lo ngại khi triệu chứng ban đầu của bệnh viêm não thường giống với các bệnh sốt do virus thông thường, nên khi trẻ bị mắc căn bệnh này thường không được phát hiện sớm, nguy hiểm tới sức khỏe và khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn.
Viêm não vào mùa cao điểm

Viêm não là căn bệnh do nhiều loại virus gây ra, thường bùng phát mạnh vào mùa nắng nóng. Nguy hiểm hơn, đây là căn bệnh mà đối tượng mắc chủ yếu là trẻ em nên nguy cơ biến chứng và tử vong rất cao. Đáng lo ngại khi triệu chứng ban đầu của bệnh viêm não thường giống với các bệnh sốt do virus thông thường, nên khi trẻ bị mắc căn bệnh này thường không được phát hiện sớm, nguy hiểm tới sức khỏe và khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn.

Rất nguy hiểm

Tại Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi Trung ương, những ngày nắng nóng các phòng điều trị đều đông kín bệnh nhi. Nằm sốt mê man trên giường bệnh là bé Nguyễn Huy H. (8 tháng tuổi, ở Sơn Động, Bắc Giang) bị viêm màng não do virus. Chia sẻ với chúng tôi, chị Hà (mẹ bé H.) lo lắng cho biết: Cách đây khoảng một tuần, bé H. bị sốt cao, gia đình đưa tới bệnh viện huyện khám và được bác sĩ chẩn đoán là sốt thông thường do virus. Thế nhưng, sau gần một tuần uống thuốc và điều trị tại nhà, bé H. vẫn không hết sốt mà thỉnh thoảng bị sốt cao, co giật, khó thở. Sau đó, gia đình đã phải đưa bé H. lên cấp cứu tại Bệnh viện Nhi trung ương và được các bác sĩ khám chẩn đoán bé H. bị viêm não đã biến chứng nặng về tâm thần và vận động.

PGS-TS Phạm Nhật An, Trưởng khoa Truyền nhiễm, cho biết, khi thời tiết bắt đầu vào mùa hè, số bệnh nhi viêm não nhập viện thường tăng cao. Đây là căn bệnh rất nguy hiểm với trẻ nhỏ, trong đó đối tượng dễ mắc nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Đáng lo hơn, không ít trẻ bị viêm não nhưng lại được phát hiện muộn do triệu chứng và biểu hiện ban đầu của căn bệnh này thường chỉ là sốt, chảy nước mũi, ho, tiêu chảy... Điều này khiến rất dễ nhầm lẫn với những triệu chứng cảm cúm thông thường khác. Vì vậy mà không ít trường hợp trẻ viêm não được đưa tới bệnh viện điều trị trong trường hợp bệnh tiến triển nặng, dễ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như:  não úng thủy, động kinh, tràn dịch dưới màng cứng, áp xe não, chậm phát triển trí tuệ, điếc… thậm chí nhiều trường hợp tử vong. Tuy nhiên, qua các nghiên cứu cho thấy, trẻ bị viêm não nếu được phát hiện và điều trị sớm, tỷ lệ thành công chiếm 94%, số trường hợp có di chứng chỉ chiếm 6%. Còn trong trường hợp bệnh nhân đến muộn sau 3-5 ngày khởi phát bệnh, tỷ lệ khỏi bệnh giảm chỉ còn khoảng 70% và tỷ lệ di chứng, tử vong lên tới gần 30%.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết, viêm não là tình trạng viêm nhiễm cấp tính ở mô não, có thể lan tỏa hay khu trú, do nhiều nguyên nhân gây nên nhưng phần lớn là do một số loại virus gây ra. Thường gặp là do các virus arbo (trong đó có virus viêm não Nhật Bản), virus herpes, các virus đường ruột (như EV71 gây bệnh tay chân miệng), sởi, quai bị. Tuy nhiên, các virus arbo là loại virus thường gây bệnh viêm não trong mùa hè nắng nóng. Mầm bệnh viêm não thường có ở những động vật có vú nhỏ và một số loại chim, ngựa... Khi côn trùng, muỗi đốt động vật rồi đốt sang người sẽ truyền bệnh cho người. Cần lưu ý, bệnh viêm não thường khởi phát cấp tính diễn biến nặng kéo dài 1-3 tuần, mọi lứa tuổi đều có thể bị viêm não nhưng tỷ lệ mắc cao nhất vẫn là trẻ em do sức đề kháng còn yếu nên nguy cơ tử vong và di chứng khá cao.

Điều trị cho bệnh nhi bị viêm não virus tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Nguy cơ bùng phát

Theo một số chuyên gia dịch bệnh, ở nước ta, viêm não là dịch bệnh xảy ra quanh năm ở hầu hết các địa phương. Tuy nhiên, số người mắc thường có xu hướng tăng vào mùa nắng nóng từ tháng 5 tới tháng 8, đặc biệt là đối với bệnh viêm não Nhật Bản. Thống kê mới nhất của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, trong 5 tháng qua, cả nước ghi nhận trên 300 trường hợp mắc bệnh viêm não virus, trong đó có 6 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ  năm 2014, số ca mắc bệnh tăng gần 100%, tử vong tăng một trường hợp. Ngoài ra, cả nước cũng ghi nhận gần 30 trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản, trong đó chiếm trên 96% là trẻ dưới 15 tuổi. Đáng lưu ý, có hơn 90% trẻ mắc bệnh viêm não do chưa được tiêm vaccine và gần 10% do chưa tiêm đủ mũi.

Trước nguy cơ trên, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nhận định, mặc dù chưa phải vào giai đoạn cao điểm của dịch bệnh viêm não virus nhưng số người mắc trong những tháng qua đã tăng cao, đây là dấu hiệu rất đáng báo động và dự báo trong những tháng hè tới, số người mắc căn bệnh nguy hiểm này sẽ tăng đột biến. Tuy nhiên, Cục trưởng Trần Đắc Phu cũng cho biết, mặc dù viêm não là căn bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và không hề khó khăn. Bởi lẽ hiện nay đã có nhiều loại vaccine phòng ngừa viêm não, đặc biệt năm 2015 cũng là năm đầu tiên vaccine phòng viêm não Nhật Bản được đưa vào tiêm chủng mở rộng thường xuyên, nên các gia đình có trẻ nhỏ cần đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine đầy đủ. 

Trong khi đó, các bác sĩ điều trị cho biết để phòng tránh viêm não virus, ngoài việc cho trẻ tiêm phòng đầy đủ thì các bậc cha mẹ khi thấy trẻ có biểu hiện sốt cao, chảy nước mũi, ho, nôn, quấy khóc, nằm li bì - nhất là vào thời điểm mùa hè - thì cần nghĩ ngay tới bệnh viêm não và đưa ngay trẻ tới các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời. Cùng với đó, cha mẹ cần chú ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong những ngày nóng bức nhằm tăng sức đề kháng, cũng như giữ gìn vệ sinh môi trường trong lành, đặc biệt thực hiện các biện pháp phòng ngừa côn trùng, muỗi đốt đối với trẻ.

MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục