Việt Nam vẫn là 1 trong 15 quốc gia hút thuốc nhiều nhất

(SGGPO). - Đây là thông tin được công bố tại hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá do với Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức ngày 28-5 tại Hà Nội.

(SGGPO). - Đây là thông tin được công bố tại hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá do với Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức ngày 28-5 tại Hà Nội.

Theo đó, qua điều tra toàn cầu của WHO về sử dụng thuốc lá cho thấy, Việt Nam vẫn là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Việc sử dụng thuốc lá phổ biến ở Việt Nam là một nguyên nhân làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm một cách nhanh chóng trong thời gian qua. Các bệnh như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tác nghẽn mãn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ. Đáng chú ý, trên 75% các ca tử vong ở Việt Nam mỗi năm là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó sử dụng thuốc lá là một nguyên nhân chính.

Trước thực trạng trên, ông Jeffery Kobza, quyền Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam chỉ rõ, sử dụng thuốc lá đang là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật và tử vong lớn nhất trên thế giới mà chúng ta có thể phòng tránh được. Việt Nam đang phải đối  mặt với gánh nặng to lớn về kinh tế và sức khỏe do sử dụng thuốc lá. Mỗi năm, thuốc lá gây ra 40.000 ca tử vong sớm và chi phí điều trị và mất năng suất lao động do thuốc lá gây ra ước tính lên tới 1 tỷ USD/năm. WHO cũng ước tính, thế gới mỗi năm có khoảng 6 triệu ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá. Trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá. Dự báo đến năm 2020, con số này sẽ lên tới 1,6 tỷ người.

Trong khi đó, về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên, Phó Chủ nhiệm thường trực Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá Quốc gia nêu rõ, sau 10 năm thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, đến nay việc thực hiện môi trường không khói thuốc tại Việt Nam đã được cải thiện nhiều so với trước đây và được nhiều tỉnh, thành phố, bộ, ngành và tổ chức xã hội hướng ứng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, giá thuốc lá còn rẻ, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới còn rất cao, ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá của người dân còn hạn chế. Do đó, để thực hiện thành công cam kết của Việt Nam khi tham gia công ước, triển khai hiệu quả Luật phòng chống tác hại của thuốc lá cần sự nỗ lực, sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá.

Được biết, vào ngày 11- 11-2004, Việt Nam đã tham gia Công ước Khung của WHO về kiểm soát thuốc lá, với cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả để bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai khỏi các tổn thất do sử dụng thuốc lá. Theo ông Jeffery Kobza, đến nay đã có 180 nước là thành viên của công ước, đây là một trong những công ước được nhiều nước tham gia nhất trong lịch sử của Liên hợp quốc. Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế  thế giới là biện pháp ngăn ngừa hiệu quả nhất đối với sức khỏe cộng đồng. Đồng thời giúp cho việc bảo vệ thế hệ hiện nay và tương lại khỏi sự tàn phá sức khỏe, xã hội, môi trường và kinh tế do hậu quả của sử dụng thuốc lá và hút thuốc thụ động.

KHÁNH NGUYỄN

 Nhân dịp này, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế đã được WHO trao tặng Giải thưởng danh dự do có những đóng góp to lớn trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.

Tin cùng chuyên mục