Thực phẩm chức năng - hàng giả, hàng nhái tràn lan

Thực phẩm chức năng - hàng giả, hàng nhái tràn lan

Thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) đang “trăm hoa đua nở” với hàng ngàn sản phẩm khác nhau. Hơn nữa, thị trường TPCN không chỉ có kinh doanh đa cấp, bán hàng qua mạng mà hiện nay hầu hết nhà thuốc, siêu thị, thậm chí là cửa hàng tạp hóa cũng kinh doanh TPCN. Tuy nhiên, đáng báo động hơn khi thị trường TPCN đang rất hỗn loạn, tràn lan sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái nhưng lại được quảng cáo quá mức như “thần dược”...

Cơ quan công an kiểm tra, phát hiện một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng giả.

“Hàng hiệu” - nguyên liệu tù mù

Liên tiếp các vụ sản xuất, kinh doanh TPCN giả, kém chất lượng bị phát hiện trong thời gian gần đây đã khiến cho người tiêu dùng không khỏi bức xúc và lo lắng cho sức khỏe. Mới đây nhất vào chiều 24-6, Tổ công tác đặc biệt (113 - Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TPHCM và một số lực lượng chức năng đã kiểm tra trụ sở, kho hàng của Công ty TNHH Bảo Khang (đường Phan Văn Trị quận Gò Vấp) thu giữ tới 60 thùng TPCN chủ yếu là thuốc giảm cân được dán nhãn mác xuất xứ từ Mỹ nhưng thực tế đều được nhập từ Trung Quốc. Trước đó ít ngày, PC46, Công an Hà Nội đã phát hiện tại Công ty TNHH Đầu tư phát triển y tế và hóa chất VQTech (C24, TT13, khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) tới hơn 20 tấn TPCN kém chất lượng được làm giả, làm nhái nhưng lại là những sản phẩm đang rất “hot” trên thị trường như: Sữa ong chúa Costar, 100% Royal Jelly, Omega 3, nhau thai cừu Placentra, Vip reserve, Essence baby sheep... Đáng chú ý, để kinh doanh và tiêu thụ được một khối lượng rất lớn TPCN trên, giám đốc doanh nghiệp VQTech là Trần Như Quỳnh (28 tuổi) đã mở công ty, đăng ký kinh doanh mặt hàng TPCN và công bố chất lượng sản phẩm tại Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, nhằm hợp thức hóa việc kinh doanh, sản xuất TPCN. Tuy nhiên sau đó, Quỳnh cho nhập nguyên liệu, các loại TPCN trôi nổi, không nhãn mác rồi thuê gia công đóng gói sản phẩm TPCN tại các cơ sở sản xuất, gia công khác, đặt in và dán tem, nhãn mác của các sản phẩm nổi tiếng được bảo hộ và cho nhân viên đưa đi tiêu thụ tại nhiều trung tâm dược phẩm và thương mại lớn ở Hà Nội để kiếm lời.

Việc sử dụng TPCN phải hết sức thận trọng, không tin theo những lời quảng cáo sai sự thật.

 

Từ đầu tháng 6-2015 đến nay, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đồng loạt việc kinh doanh TPCN tại nhiều nhà thuốc trên địa bàn thành phố và đã phát hiện tới 82 vụ vi phạm, với tổng số tiền thu nộp lên tới hàng trăm triệu đồng..

 

Ông Vương Chí Dũng, Phó chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội nhấn mạnh, qua những vụ việc mà cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý các đối tượng về hành vi sản xuất, kinh doanh TPCN có thể thấy, một nguồn lợi nhuận cực lớn đang chảy vào túi các đối tượng buôn bán hàng giả, họ đang kiếm tiền trên sức khỏe của người tiêu dùng, trong đó có không ít bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Trong khi đó, Thiếu tá Trần Tuấn Phương, PC46 Công an Hà Nội thẳng thắn cho biết, cách thức mà đối tượng sản xuất và tiêu thụ TPCN giả thường rất tinh vi. Các đối tượng thường lập công ty có chức năng kinh doanh, sản xuất TPCN, sau đó thuê gia công sản phẩm bán thành phẩm, như viên nang hoặc lọ không dán tem, nhãn mác. Khi thị trường có nhu cầu tiêu thụ mạnh về loại sản phẩm này thì đối tượng lập tức cho dán nhãn mác giả vào và tung ra thị trường. Đặc biệt, hầu hết nguyên liệu TPCN, các đối tượng nhập về đều không rõ nguồn gốc, hoặc có nguồn từ Trung Quốc với giá thành rất rẻ mạt nhưng khi ra sản phẩm thành phẩm bán ra thị trường thì lại được “phù phép” thành sản phẩm của Mỹ, Nhật Bản, Australia hay một số nước châu Âu nhằm đánh lừa người tiêu dùng và bán với giá từ vài trăm tới hàng triệu đồng. Thậm chí qua các vụ phát hiện và bắt giữ gần đây cho thấy, các đối tượng đã đầu tư trang bị đầy đủ dụng cụ, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem sản phẩm, sản phẩm giả có hình thức rất tinh vi, rất khó phân biệt với hàng chính hãng.

Cây gì, con gì cũng thành… thực phẩm chức năng

Thực tế thị trường TPCN đã đến độ không còn từ nào diễn đạt hơn từ “bát nháo”. Từ nhập khẩu có nguồn gốc đến không rõ nguồn gốc, tự sản xuất trong nước và tự làm giả, làm nhái. Mặc dù công dụng chưa biết thế nào nhưng để làm nên những TPCN ấy là sự tráo trộn thêm nhiều hóa chất, dược chất có thể gây những phản ứng ngoài mong muốn, nếu không nói là chất cấm, nguy hại. Điển hình như mới đây 3 loại TPCN giảm cân Super fat burner, Maxi Gold viên nhộng và Esmeralda viên nang do Công ty TNHH Trung tâm Vân Sơn ở TPHCM phân phối đã bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) yêu cầu thu hồi do chứa chất Sibutramine rất nguy hại. Sibutramine ngoài việc làm tăng huyết áp, tăng nhịp đập của tim còn là chất gây tương tác với các loại thuốc khác. Hay như TPCN hỗ trợ điều trị ung thư Vidatox chứa chất độc hại cũng đã bị cấm lưu hành… Ngày 13-3-2015, Mỹ phát hiện TPCN làm giảm cân Perfect Slim USA chứa chất Sibutramine, hoạt chất gây chán ăn, tác động trên hệ thần kinh trung ương. Ngay sau đó, Cục An toàn thực phẩm cũng đã đình chỉ lưu hành loại thực phẩm này. Bên cạnh trộn lẫn chất cấm, theo ông Phạm Xuân Đà, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tình trạng thuốc giả cũng tràn lan. Ông Đà cho biết, so với thuốc, TPCN bị làm giả dễ hơn. Tuy nhiên, hồ sơ công bố sản phẩm TPCN còn chung chung, không có một tiêu chí tiêu chuẩn nào và cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Qua thực tế kiểm nghiệm, ông Đà cũng rất lo ngại vì một số loại TPCN chứa chất nguy hại, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.

Nhiều loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc nhưng bán tràn lan trên thị trường.

Quả thực, với việc sản xuất TPCN quá dễ, từ việc đặt hàng sản xuất từ Trung Quốc về đóng gói, dán nhãn đến việc tự sản xuất cũng không mấy khó khăn. Theo chuyên gia dược học Trần Văn Truyền, lộ trình của Bộ Y tế đến năm 2015 các cơ sở sản xuất đông y, đông dược phải có dây chuyền đạt chuẩn GMP-WHO. Trong khi đầu tư nhà máy đạt GMP-WHO rất tốn kém nên không ít cơ sở đông y, đông dược lâu nay chuyển sang sản xuất TPCN… cho khỏe! PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng thừa nhận, chưa có một quy trình, tiêu chuẩn nào cho TPCN nên cây gì, con gì cũng thành TPCN. “Đến lúc rau muống, rau má cũng làm TPCN thì hết biết”, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan ngán ngẩm.

Theo đánh giá của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thị trường TPCN không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đang thực sự “trăm hoa đua nở” với hàng ngàn, hàng vạn sản phẩm khác nhau. Trong đó có nhiều loại TPCN không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo, thậm chí là nguy hại cho sức khỏe vẫn được kinh doanh và quảng cáo tràn lan như những “thần dược” đối với sức khỏe con người khiến người tiêu dùng như rơi vào ma trận không biết thực hư ra sao.

NGUYỄN QUỐC - TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục