Viêm gan siêu vi C: Dễ xơ gan, ung thư gan

Trong vòng 10 năm qua, số lượng bệnh nhân bị xơ gan do viêm gan C (HCV) tăng hơn 4 lần. Dự báo mỗi năm nước ta có khoảng 500.000 bệnh nhân mắc mới HCV mạn tính không đáp ứng với điều trị của thuốc, gây nên biến chứng xơ gan và ung thư gan.
Viêm gan siêu vi C: Dễ xơ gan, ung thư gan

Trong vòng 10 năm qua, số lượng bệnh nhân bị xơ gan do viêm gan C (HCV) tăng hơn 4 lần. Dự báo mỗi năm nước ta có khoảng 500.000 bệnh nhân mắc mới HCV mạn tính không đáp ứng với điều trị của thuốc, gây nên biến chứng xơ gan và ung thư gan.

Phát hiện muộn

Là một trong ít bệnh viện (BV) có chuyên khoa điều trị viêm gan, BV Bệnh nhiệt đới TPHCM mỗi tháng tiếp nhận khoảng 2.400 bệnh nhân đến khám và điều trị. Trong đó, khoảng 20% đã chuyển sang viêm gan C mạn tính, có triệu chứng xơ gan, ung thư gan. Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, viêm gan siêu vi là một trong những hiểm họa sức khỏe trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Nhưng đa số bệnh nhân đến khám và phát hiện khi đã muộn, thậm chí đã phát ung thư giai đoạn cuối. Cũng theo TS-BS Vĩnh Châu, sau viêm gan B là viêm gan C với tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng vào khoảng 4% - 5%. Nhưng nghiêm trọng hơn khi mắc HCV là có thể làm bệnh kéo dài trong nhiều năm, liên quan khá mật thiết với xơ gan và ung thư gan.

Khám bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, nghiên cứu của phòng khám viêm gan đối với tất cả bệnh nhân nhiễm virus HCV điều trị nội và ngoại trú cho thấy tỷ lệ ung thư gan do HCV cao hơn và nhanh hơn so với siêu vi B. Nếu như năm 2005, phòng khám viêm gan BV Chợ Rẫy tiếp nhận gần 1.800 bệnh nhân mắc HCV đến khám (chiếm 20% trên tổng số các bệnh nhân đến khám vì các bệnh viêm gan), thì năm 2014 số ca tăng lên hơn gần 4.000 người.

Tại BV Đại học Y Dược TPHCM, BV Nhân dân 115 và Trung tâm Y khoa Medic, mỗi ngày cũng có hàng trăm bệnh nhân được phát hiện nhiễm virus HCV mới. Theo phân khoa Tiêu hóa - gan mật BV Đại học Y Dược TPHCM, mỗi ngày đơn vị này khám và phát hiện từ 40 - 50 bệnh nhân nhiễm HCV, trong đó hơn một nửa bệnh nhân mắc HCV đã ở giai đoạn mạn tính. Các chuyên gia y tế xác nhận 50% - 85% người mắc viêm gan siêu vi C chuyển qua HCV mạn tính, trong đó có tới 20% - 25% bệnh nhân mạn tính diễn tiến qua xơ gan và ung thư gan.

Dễ lây, khó chữa

 

Với khoảng 5% dân số Việt Nam (tương đương gần 4,5 triệu người) mắc, Việt Nam được xếp là nước có virus viêm gan B, C cao của khu vực và thế giới. Hàng năm, trung bình có khoảng 22.000 người chết do căn bệnh viêm gan C mạn tính, xơ gan, ung thư gan; nhiều người đang chết dần và khánh kiệt với căn bệnh viêm gan siêu vi C.

 

Giáo sư Phạm Hoàng Phiệt, Chủ tịch Hội Gan mật TPHCM, cho biết viêm gan siêu vi C là bệnh rất dễ lây nhiễm, nhưng người dân vẫn còn mù mờ về căn bệnh cũng như cách phòng ngừa. Có nhiều đường lây truyền nhưng chủ yếu qua đường máu như: truyền máu, dùng chung kim tiêm và ống chích. Ngoài ra, bệnh còn lây truyền qua tiếp xúc tình dục, lây nhiễm từ mẹ sang con (nếu mẹ bị nhiễm thêm HIV thì khả năng lây siêu vi C cho con là 20% - 30%), qua châm cứu… Trong đó, tình trạng người dân đến các thẩm mỹ viện chăm sóc sắc đẹp, đặc biệt là xâm môi - mắt, xâu khuyên tai ở những nơi không bảo đảm vô trùng rất dễ lây nhiễm viêm gan C. Đa số bệnh nhân nhiễm siêu vi C không thể tự loại trừ mầm bệnh khỏi cơ thể và trở thành người mang siêu vi C mạn tính. Trong đó, 25% bệnh nhân có men gan bình thường, chậm tiến triển sang viêm gan mạn và gan ít bị hư hại, được gọi là “người mang siêu vi C mạn không triệu chứng”. Số bệnh nhân còn lại chuyển thành viêm gan C mạn tính, sau 10 - 20 năm, ít nhất 20% trong số họ sẽ bị xơ gan.

Theo GS Phạm Hoàng Phiệt, nhiễm HCV là nguyên nhân hàng đầu gây nên viêm gan, xơ gan và ung thư gan nguyên phát. Tuy nhiên, do người nhiễm HCV không tìm thấy nguy cơ, cũng như mù thông tin về đường lây nên chủ quan và chỉ tìm đến sự can thiệp của y học khi ở giai đoạn đã chuyển sang mạn tính hoặc xơ gan. Trong khi đó điều trị HCV rất tốn kém, mặc dù bảo hiểm y tế đã hỗ trợ thanh toán một phần nhưng không đáng kể. “Với chi phí điều trị lớn, 90% bệnh nhân nhiễm siêu vi viêm gan C không đủ điều kiện để tiếp cận với việc điều trị hoặc phải bỏ điều trị giữa chừng”, TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết. Hiện phác đồ chuẩn điều trị HCV mất chi phí trung bình từ 120 triệu đồng đến 200 triệu đồng/đợt điều trị (48 tuần). Còn nếu bệnh nhân chuyển sang xơ gan, ung thư gan giai đoạn cuối thì ghép gan là giải pháp cuối cùng, do không còn đáp ứng với điều trị bằng thuốc.

Là một trong những nước chịu gánh nặng bệnh tật do viêm gan B, Việt Nam đã đưa vaccine viêm gan B vào Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia từ năm 1997. Ngành y tế khuyến cáo, để phòng ngừa viêm gan B, cách tốt nhất là tiêm đầy đủ 4 mũi vaccine cho trẻ, mũi thứ nhất trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Kể cả người mẹ không mắc viêm gan, nhưng trẻ có thể bị lây trong quá trình chăm sóc nếu tiếp xúc với nguồn bệnh. Tiêm vaccine sớm có thể ngăn ngừa lây nhiễm viêm gan B thậm chí sau khi phơi nhiễm virus. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ chích ngừa vaccine viêm gan B đang có chiều hướng giảm, đây là điều đáng lo ngại. Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, năm 2014 tỷ lệ tiêm chủng viêm gan B cho trẻ sơ sinh đạt thấp. Trong khi những năm trước, như năm 2005, tỷ lệ chích ngừa vaccine viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh đạt hơn 60% và năm 2012 đạt tới 75%. “Sau một số sự cố tai biến xảy ra trong những năm gần đây, tỷ lệ tiêm chủng vaccine viêm gan B giảm xuống. Nếu trẻ dưới 10 tuổi nhiễm virus viêm gan B thì 90% trở thành mạn tính”, một chuyên gia Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nhìn nhận.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục