Mỹ phẩm lậu lừa người tiêu dùng

Mỹ phẩm lậu lừa người tiêu dùng

Hiện nay trên thị trường xuất hiện hàng loạt mỹ phẩm gắn logo Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), dù không hề được Hội Doanh nghiệp HVNCLC xét cấp. Điều này không chỉ đánh lừa người tiêu dùng, mà nguy hại hơn, theo các chuyên gia y tế, hầu hết đều là mỹ phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Vô tư gắn mác… lậu

Bất chấp khuyến cáo cũng như yêu cầu về việc các công ty mỹ phẩm không được tự ý gắn logo HVNCLC, đồng thời buộc phải gỡ bỏ, nhưng các doanh nghiệp làm mỹ phẩm bất chính vẫn chây ỳ. Trên wesite và facebook của mình, Công ty TNHH SX-TM Nguyễn Hoàng Na ở đường Hùng Vương (phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) bung hàng loạt sản phẩm mỹ phẩm cao cấp “Linh Chi Vàng”  với logo in to trên hộp HVNCLC. Tại các đại lý và quầy bán ở chợ, các dòng mỹ phẩm mang thương hiệu “Linh Chi Vàng” tràn lan đều được khoác lên mình logo HVNCLC. Tuy nhiên, Hội Doanh nghiệp HVNCLC cho biết không hề có tên Công ty TNHH SX-TM Nguyễn Hoàng Na ở Cần Thơ đăng ký HVNCLC và mỹ phẩm “Linh Chi Vàng” cũng chưa được cấp logo.

Hai sản phẩm mỹ phẩm gắn lậu logo HVNCLC để lừa người tiêu dùng

Theo một lãnh đạo Hội Doanh nghiệp HVNCLC, logo chứng nhận HVNCLC được người tiêu dùng dễ nhận diện nhất nên nhiều nhãn hàng tự ý dán “lậu” để đánh bóng tên tuổi. Ghi nhận tại chợ Bình Triệu (quận Thủ Đức), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh)… cho thấy, các quầy hàng giới thiệu nhiều loại kem trắng da, kem trị mụn - nám Như Tiên của Cơ sở sản xuất hóa mỹ phẩm Minh Xuân (TP Cần Thơ). Chủ một sạp mỹ phẩm ở chợ Bình Triệu đon đả: “Đây là thương hiệu lớn có uy tín, đã được chứng nhận HVNCLC nên em cứ yên tâm sử dụng. Sản phẩm này bán chạy lắm”.

Trong tờ hướng dẫn sử dụng của hộp kem mụn - trị nám - tái tạo da cho biết hiệu quả sau 7 ngày sử dụng, đồng thời giới thiệu hàng chục loại mỹ phẩm khác nhau của cơ sở này, tất cả đều gắn logo HVNCLC (!?). Còn tại chợ Bình Tây (quận 6), các tiểu thương quảng cáo mỹ phẩm ROJZY JIALI của Công ty TNHH Tân Minh Phong (xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, Long An); nhau thai cừu phấn hoa Q -10 của Công ty TNHH SX-TM Mỹ phẩm Lê Hoàng Hà My (số 3, đường 176 ấp 4A, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM), độc quyền phân phối bởi Công ty TNHH MTV TM Hóa mỹ phẩm Nam Anh Khương (11/B6 KP, Bình Thuận 2, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) đều được gắn logo HVNCLC tràn lan. Các logo này cũng không giống nhau mà được các hãng tự “biến tấu” hoặc in “lậu” theo ý mình. Xem qua các nhãn mỹ phẩm trên, đại diện lãnh đạo Hội Doanh nghiệp HVNCLC khẳng định đều gắn logo “dỏm” và không phải là sản phẩm được chứng nhận HVNCLC.

Nguy hại cho người tiêu dùng

Khi liên hệ với các đơn vị đang sử dụng “chùa” logo HVNCLC, ông Huỳnh Văn Thành, Giám đốc Cơ sở sản xuất hóa mỹ phẩm Minh Xuân, cho biết: “Năm 2010, tôi có đạt danh hiệu HVNCLC nên gắn logo này từ đó đến nay. Tôi không biết là phải đăng ký và xét bình chọn lại theo từng năm”. Còn ông Lê Văn Khương, Giám đốc Công ty Nam Anh Khương, thừa nhận có sai trong việc sử dụng logo HVNCLC là do… in nhầm! “Tôi đã thay thế logo HVNCLC bằng logo HVNCLC theo tiêu chuẩn, logo cũng khác chứ không có biểu tượng như của Hội Doanh nghiệp HVNCLC”, ông Khương phân bua.

Tuy nhiên, vào website của Công ty Nam Anh Khương và các sản phẩm mới của công ty này đăng trên các phương tiện truyền thông, đều dùng logo có biểu tượng của Hội Doanh nghiệp HVNCLC. Đến chợ sỉ Bình Tây, các tiểu thương nơi này đưa ra hàng lố mỹ phẩm của Nam Anh Khương, Lê Hoàng Hà My… cũng gắn logo HVNCLC. Tiểu thương tên Hà nói: “Đây là mẫu mới tôi vừa nhập về, chưa nghe đơn vị phân phối nói gì về việc đổi mẫu mã bao bì”.

Theo Hội Doanh nghiệp HVNCLC, để tham gia bình chọn đạt danh hiệu trên, doanh nghiệp phải có sản phẩm đạt tỷ lệ bình chọn tối thiểu 2% trên tổng số phiếu bình chọn nhóm sản phẩm; sản phẩm phải đáp ứng các quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa. Riêng đối với ngành thực phẩm, ngành dược phẩm, mỹ phẩm…, doanh nghiệp phải cung cấp được giấy chứng nhận đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (đối với ngành thực phẩm), quyết định cho phép lưu hành sản phẩm của Cục Quản lý dược (đối với dược phẩm, mỹ phẩm). Đồng thời, cam kết không vi phạm các quy định của cơ quan quản lý  thị trường về phân phối, bảo đảm chất lượng hàng hóa. “Để được gắn logo HVNCLC, sản phẩm và doanh nghiệp phải trải qua một quy trình điều tra, bình chọn nghiêm túc từ người tiêu dùng và các cơ quan quản lý nhà nước”, ông Nguyễn Văn Phượng, cán bộ chuyên trách điều tra của Hội Doanh nghiệp HVNCLC, cho biết.

Cũng theo ông Phượng, rất nhiều doanh nghiệp khi bị phát hiện đều ngụy biện rằng không biết quy định của hội. Còn tiểu thương kinh doanh và người tiêu dùng đều căn cứ vào hình chữ V có ngôi sao để nhận diện sản phẩm được chứng nhận lúc chọn mua hàng. Khi những đơn vị này sản xuất sản phẩm không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, hội cũng bị “vạ lây”.

 Với những doanh nghiệp tự ý gắn logo HVNCLC bị phát hiện, hội sẽ xác lập hành vi vi phạm hoặc dấu hiệu vi phạm, gửi công văn cảnh báo tới doanh nghiệp yêu cầu gỡ bỏ logo hoặc thay bao bì. Nếu họ vẫn tiếp tục vi phạm, hội sẽ đăng tải tên doanh nghiệp, sản phẩm trên các phương tiện truyền thông, gửi công văn đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ, Thanh tra Sở Khoa học Công nghệ, quản lý thị trường các tỉnh, thành nơi doanh nghiệp hoạt động để kiểm tra và bước cuối cùng là khởi kiện ra tòa án. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC, việc dán logo giả danh hiệu HVNCLC chính là sự mạo nhận, vi phạm nghiêm trọng tài sản sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ, đồng thời lập lờ và gian dối với người tiêu dùng.

Theo TS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, tình trạng cơ sở sản xuất mỹ phẩm vi phạm ngày càng tăng. Trong đó, sai phạm về nhãn mác, xuất xứ, tiêu chuẩn công bố là phổ biến.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục