TPHCM: Cứ 100.000 nam giới có 172 người mắc ung thư

° Gần 1,4 triệu nam giới khó có thể kết hôn
TPHCM: Cứ 100.000 nam giới có 172 người mắc ung thư

° Gần 1,4 triệu nam giới khó có thể kết hôn

(SGGP). - Ngày 1-12, tại hội thảo phòng chống ung thư hàng năm tổ chức ở TPHCM, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, qua điều tra ung thư quần thể trên địa bàn TPHCM cho thấy cứ 100.000 nam giới có 172 người bị ung thư và ở nữ giới là 138,7/100.000 người.

Bệnh viện Ung bướu TPHCM lúc nào cũng đông nghẹt bệnh nhân chờ khám bệnh.

Có 5 loại ung thư thường gặp ở nam giới là phổi, gan, đại - trực tràng, dạ dày và thanh quản. Trong khi ở nữ giới là ung thư vú, cổ tử cung, đại - trực tràng, phổi và tuyến giáp.

Đáng báo động là ung thư vú, đại - trực tràng có khuynh hướng gia tăng ở cả 2 giới…

Theo Hội Ung thư Việt Nam, Việt Nam xếp hạng thứ 49/184 quốc gia có số người chết vì ung thư trên toàn cầu, đang phải đối mặt với những khó khăn rất lớn trong chăm sóc y tế cho bệnh nhân. Việt Nam nằm trong nhóm nước đang phát triển với tỷ lệ mắc các bệnh lý ung thư rất cao, hiện tại và tương lai ung thư sẽ trở thành gánh nặng đối với toàn xã hội.

BS Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, chỉ ra rằng, qua nghiên cứu về ung thư quần thể được thực hiện tại các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ... cho thấy ung thư đang tăng nhanh. Ước tính, mỗi năm cả nước có khoảng 125.000 ca ung thư mới và hơn 94.000 ca tử vong do ung thư.

Riêng tại TPHCM, nếu năm 2010 thành phố có 6.800 ca ung thư mới thì đến năm 2014 số bệnh nhân mới mắc đã tăng lên 8.951 ca.

Tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, số lượng bệnh nhân khắp các địa phương đến điều trị hàng năm tăng khoảng 28.000 ca mới…

* Ngày 1-12, tại Hà Nội, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo cung cấp thông tin về dân số và phát triển cho báo chí.

Theo GS-TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, hiện nay tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta vẫn diễn ra nghiêm trọng. Nếu như tỷ lệ bé trai/bé gái năm 2005 là 106/100 thì đến năm 2015 đã lên đến 112,8/100.

Đáng báo động với tình trạng mất cân bằng giới tính kéo dài nhiều năm qua thì tới đến năm 2020, Việt Nam sẽ dư thừa 1,38 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số, Tổng cục Thống kê cho biết, dân số Việt Nam sẽ đạt mức 100 triệu người vào năm 2026. Trong đó, quy mô dân số thành thị ngày càng tăng và đạt 63 triệu người vào năm 2049 và dân số nông thôn giảm dần từ năm 2020. Trẻ em trong độ tuổi tiểu học sẽ vẫn tăng đến năm 2025 và sau năm 2025, dân số độ tuổi này sẽ giảm mạnh đến năm 2034 và giữ ổn định.

Đến năm 2040, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng, lúc này già hóa dân số và dân số già trở thành vấn đề toàn cầu.

TƯỜNG LÂM - MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục