Luật “ngầm” xe cứu thương ở bệnh viện

>> Chấn chỉnh các dịch vụ ở bệnh viện
Luật “ngầm” xe cứu thương ở bệnh viện

>> Chấn chỉnh các dịch vụ ở bệnh viện

Vụ bảo vệ bệnh viện (BV) chặn xe cấp cứu chở bệnh nhi hấp hối ở BV Nhi Trung ương (Hà Nội) lộ ra vấn đề xe cứu thương và bảo vệ liên quan đến dịch vụ chuyển bệnh nhân trong BV. Tại TPHCM, nhiều bệnh nhân khi chuyển về tỉnh cũng chật vật khổ sở với xe cứu thương ở một số BV tuyến trên.

“Xử” tài xế cứu thương tỉnh

Sau sự cố xảy ra sự cố ở BV Nhi Trung ương, nhiều tài xế lái xe cứu thương ở tỉnh đã gọi điện thoại phản ánh với Báo SGGP về dịch vụ xe cứu thương ở BV Chợ Rẫy có “luật ngầm”. Tài xế từ dưới tỉnh chạy lên nhưng khi về phải chở bệnh nhân mà “cò” yêu cầu. “Cò” ở BV Chợ Rẫy rất giang hồ, sẵn sàng “xử” tài xế dưới tỉnh chạy lên nếu không chịu “phối hợp” đưa bệnh nhân về.

Xe cứu thương chuyển bệnh nhân xuất viện phải chấp nhận luật ''ngầm''

Tài xế H. lái xe cứu thương ở tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, mỗi lần vào BV Chợ Rẫy buổi chiều là luôn phải chuẩn bị tư tưởng gặp “cò”. Chuyện này không phải mới mà xảy ra từ lâu rồi. “Cò” thỏa thuận với bệnh nhân lấy được tiền cọc thì bắt đầu ngồi trước cổng cấp cứu “canh me” xe ở tỉnh chuyển viện lên. Hầu hết, xe tỉnh lên đều về xe không, nhưng nếu nhận chở bệnh nhân về cũng không có hợp đồng, chỉ kiếm thêm “tiền cà phê”. Xe Khánh Hòa nhưng “cò” nhận mối bệnh nhân ở Ninh Thuận và ép tài xế phải chở về. Nếu không đồng ý thì “bị” nhớ biển số, nhớ mặt và lần sau vào dễ bị gây sự. Còn chấp nhận chạy thì tiền phí “cò” đưa bao nhiêu lấy bấy nhiêu, chứ không dám đòi hỏi. “Cò” lấy 3 triệu đồng đi Ninh Thuận nhưng đưa cho tài xế 1 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều tài xế thắc mắc tại sao các BV tuyến trên không liên kết các xe cứu thương từ dưới tỉnh lên. Mỗi ngày các BV tuyến trên nhận rất nhiều ca chuyển bệnh từ các tỉnh. Phải có phòng đăng ký xe tỉnh với bệnh nhân. Xe tỉnh lên sẽ đăng ký với BV, trong thời gian chờ bệnh khoảng 1 tiếng. BV thấy xe tỉnh nào thuận đường với bệnh nhân thì liên hệ với tài xế. Vừa dẹp được “cò”, tăng nguồn thu cho BV tuyến dưới và không phải chạy xe không về. Tuy nhiên, có thể nhiều BV lo khi làm dịch vụ này thì xe BV sẽ bị “ế”, do xe tỉnh lên luôn lấy giá rẻ hơn.

Chiều mới ra viện, sáng “cò” đã đến hỏi

Nhiều tài xế cứu thương ở tỉnh cũng chia sẻ, một số bệnh nhân may mắn được chuyển về bằng xe cứu thương, nhưng cũng có nhiều trường hợp phải đi xe cứu thương không có còi hụ, không giường nằm, không bình thở… (gọi tắt là xe “củi”). Theo ghi nhận của chúng tôi, có rất nhiều xe “củi” mang biển số TPHCM chạy vào trong khuôn viên BV để chở bệnh nhân ra khỏi cổng! Những xe này được “cải tiến” bỏ những băng ghế phía sau tài xế để tạo khoảng trống. Người bệnh nằm trên nhiều tầng của miếng lót nệm xe.

Chị L.T.M. (quê Bình Thuận) kể, chị vừa mới làm xong thủ tục xuất viện cho chồng vào buổi sáng, hơn tiếng sau có người đàn ông mặc đồ thường đi tới ngay giường hỏi có muốn đi xe cứu thương dịch vụ rẻ hơn trong BV không? “Cũng từng nghe loáng thoáng về xe cứu thương “đểu” nên tôi thận trọng hỏi giá cả. Thấy rẻ hơn không bao nhiêu nhưng phập phồng lo sợ nên từ chối. Quan trọng là ngay trong giờ không được thăm bệnh mà “cò” lại vào được đến tận giường bệnh. Không chỉ riêng trường hợp tôi mà “cò” đi đến nhiều giường khác, nhưng đều chính xác là người bệnh sắp xuất viện!”, chị M. cho hay.

Nhiều người bệnh khi qua “cò” thường phải chấp nhận xe “củi” do đã lỡ đưa tiền

Tốn tiền nhiều, phải đi xe “củi” về nhà do lỡ đưa cò giấy xuất viện. Ngậm ngùi đưa vợ về phải chịu đau, anh N.V.K. cho biết, ngày ra viện, một người đàn ông đến đề nghị sử dụng dịch vụ xe cứu thương rẻ hơn so với BV. Gia đình hoàn cảnh khó khăn, nằm viện nhiều ngày tốn hơn chục triệu còn phải đi vay mượn. Thấy xe bên ngoài phí rẻ hơn lại quảng cáo chất lượng ngang bằng xe BV nên đồng ý.

“Lấy được giấy xuất viện, tiền cọc xong thì liền bị giở quẻ, người đó gọi điện thoại lại thông báo xe bị trục trặc hỏng chuyển sang đi xe loại 7 chỗ giá rẻ hơn. Tôi đề nghị không đi lấy lại tiền cọc thì “cò” lớn tiếng gây gổ, dọa nạt. Như cá nằm trên thớt, không đồng ý cũng không được. Khi đi, thấy tài xế là người khác thì mới biết gặp phải “cò”, còn gặp phải xe “củi”. Trước khi đi, tài xế còn dặn ra tiệm thuốc tây mua thuốc giảm đau, thuốc ngủ tránh bị mệt mỏi. Trên đường về, tài xế nói mình lái thuê, xin tiền “bồi dưỡng”, tôi không đồng ý thì lái chạy trên đường gồ ghề… Tưởng rẻ hơn hóa ra còn mắc cũng gần bằng giá xe cứu thương BV”, anh K. ấm ức.

Muốn về phải sử dụng dịch vụ

Tại một số BV lớn ở TPHCM, nhiều bệnh nhân cho biết có rất ít xe cứu thương nên không có sự lựa chọn nào khác đành phải chấp nhận đi xe dịch vụ liên kết với BV. Nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, muốn kiếm xe rẻ hơn nhưng cũng khó. Chị L.T.N. cho biết: “Đến đội xe cấp cứu thì được bảo gọi số điện thoại của dịch vụ bên ngoài phối hợp với BV. Thấy giá quá cao nhưng tìm mãi cũng không có dịch vụ nào khác xung quanh BV nên đành chấp nhận đi. Từ tỉnh lên thì làm sao biết chỗ nào có xe cấp cứu khác mà kiếm”.

Theo quy định của các BV, xe cứu thương bên ngoài vào không được đậu lâu, chỉ được vài phút, nên phải chuyển bệnh nhân xuống sảnh trước. Chúng tôi ra hỏi xe ôm đậu trước cổng BV thì họ nói gần đây không có xe cứu thương chuyển bệnh dịch vụ nào khác. Xe cứu thương ở đây rất độc quyền, luôn có đội ngũ “chân rết” quan sát nhân viên bảo vệ, dù bảo vệ có số xe cấp cứu ở ngoài nhưng cũng không dám cho.

Trong vai người đang cần tìm xe cứu thương chuyển bệnh về tỉnh, chúng tôi gặp xe ôm bên ngoài BV Chợ Rẫy tìm xe dịch vụ. Dù là chạy xe ôm nhưng ông này khẳng định ngay giá về Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) là 2 triệu đồng. Chúng tôi muốn đến tận nơi xem xe thì xe ôm chở đến một căn nhà nằm trong hẻm đường Lý Nam Đế, nhưng không thấy xe đâu. Một người xưng là tài xế nói rằng xe gửi ở bãi bên quận 11 nên chỉ có hình ảnh. Chúng tôi từ chối không đi nữa thì xe ôm đòi 100.000 đồng tiền phí chở đi, chúng tôi đành đưa tiền để không gặp rắc rối.

QUÝ NGỌC

Tin cùng chuyên mục