Bao giờ sử dụng được thẻ BHYT điện tử?

Tôi có 2 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), một thẻ bình thường hết hạn cuối năm 2018. Ngày 14-3-2016, tôi được cấp 1 thẻ BHYT điện tử. Tôi mang thẻ này đến khám ở Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định nhưng nhân viên ở đây bảo BV chưa có máy quét để đọc mã vạch của thẻ. Đầu năm 2017, tôi có phải đổi thẻ cũ không? Thẻ mới - thẻ điện tử - thì bao giờ sử dụng được ở TPHCM?
Bao giờ sử dụng được thẻ BHYT điện tử?

Tôi có 2 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), một thẻ bình thường hết hạn cuối năm 2018. Ngày 14-3-2016, tôi được cấp 1 thẻ BHYT điện tử. Tôi mang thẻ này đến khám ở Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định nhưng nhân viên ở đây bảo BV chưa có máy quét để đọc mã vạch của thẻ. Đầu năm 2017, tôi có phải đổi thẻ cũ không? Thẻ mới - thẻ điện tử - thì bao giờ sử dụng được ở TPHCM?

ĐÀO HOÀNG KIỀN, quận Gò Vấp, TPHCM

Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM: Thẻ BHYT điện tử do Bộ Y tế phát hành để thí điểm liên thông giữa BV Nhân dân Gia Định với BV Quận 2. Còn thẻ BHYT do BHXH TPHCM phát hành hiện nay mới có tính pháp lý khi chữa bệnh, nhất là khi ông phải chữa bệnh ngoài 2 BV trên. Vì vậy, đầu năm nay, ông vẫn phải đổi thẻ BHYT mới. Xin mời ông đến nơi trả lương hưu trực tiếp để nhận thẻ mới.

Về thẻ BHYT điện tử, BHXH Việt Nam chưa dùng thẻ điện tử vì còn một số cơ sở khám chữa bệnh chưa liên thông dữ liệu với kho thẻ của BHXH. Tuy nhiên, việc này đang trong quá trình hoàn thiện và sẽ sớm thực hiện. Khi có thẻ điện tử thì không cần in thời hạn sử dụng trên thẻ (chỉ căn cứ dữ liệu trên mạng). Lúc đó, mỗi người có thẻ BHYT dùng lâu dài, không cần thu hồi hoặc cấp lại khi thay đổi việc tham gia BHYT. Ngoài ra, có thể lưu giữ những thông tin về tiền sử bệnh tật và quá trình đã điều trị của người dùng thẻ.

Tôi và vợ tôi có thẻ BHYT hết hạn vào ngày 31-12-2018. Vợ chồng tôi đều là thương binh, được BHYT thanh toán 100%, vậy có phải đổi thẻ BHYT không. Tôi nhận lương hưu qua ATM thì  có thể đến bưu điện để đổi thẻ không? (Thương binh có điện thoại 0985.641…)

Việc đổi thẻ lần này còn để thống nhất thời hạn cuối của thẻ là 31-12-2021. Nếu không đổi lần này cho ông bà thì đầu năm 2019, ông bà cũng phải đổi. Đề nghị ông bà đến nơi trả trực tiếp lương hưu cho người không nhận qua thẻ (theo thời hạn các đợt đã nêu trên Báo SGGP ngày 28-12-2016). Ngoài thời hạn trên, ông bà đến bưu điện và từ ngày 1-5-2017 thì đến BHXH quận, huyện nơi cư trú để nhận.

Việc đổi thẻ BHYT được thực hiện làm 3 đợt: tháng 1, tháng 3 và tháng 4-2017, nhưng ông Cao Văn Sang lại nói “thẻ cũ đương nhiên hết hiệu lực sau ngày 31-1-2017”. Tại sao đợt cuối cấp thẻ mới là vào tháng 4 nhưng trước đó - tháng 1 - đã hết hạn rồi, nếu chưa kịp đổi thẻ sẽ bị ảnh hưởng sao? (người dân có điện thoại 0838.451…)

Tất cả đối tượng hưu trí đều có thẻ mới ngay trong đợt 1, từ ngày 3-1-2017. Tuy nhiên, đề phòng trường hợp các bác hưu trí không đến nhận kịp nên chúng tôi phát thêm 2 đợt nữa vào kỳ trả lương hưu tháng 3, tháng 4-2017. Ngoài thời hạn trên, hưu trí đến nhận tại bưu điện và sau đó là BHXH quận, huyện. Xin mời ông, bà đến nhận ngay từ đợt 1 để tiện khám chữa bệnh.

Đổi thẻ BHYT hưu trí từ mã số 5 sang mã số 3 nghĩa là sao, quyền lợi khác nhau như thế nào? (LÊ DUY LINH, phường Cầu Kho, quận 1)

Hưu trí khi khám bệnh bằng thẻ BHYT được thanh toán 95%, đồng chi trả 5% (trừ một số người có công được thanh toán 100%). Việc đổi mã thẻ chỉ để thống nhất trong quản lý và thanh toán quỹ BHYT, không thay đổi gì về quyền lợi của hưu trí.

Buổi họp về thí điểm thẻ BHYT điện tử. Ảnh: baohiemxahoi.gov

Tôi là Trương Thanh Nguyên, tất cả các giấy tờ hộ khẩu, CMND, sổ BHXH… của tôi tên vậy. Nhưng thẻ BHYT lại đề là Trương Thành Nguyên. Tôi đi khám bệnh ở BV Thống Nhất, bác sĩ quen mặt nên du di. Nhưng nếu đi khám bệnh viện khác, rất phiền toái. Tôi cần liên hệ ở đâu để được cấp lại thẻ BHYT cho đúng với tên của mình?

TRƯƠNG THANH NGUYÊN, quận Gò Vấp

Có lẽ trong hồ sơ hưu trí ông có tên là Trương Thành Nguyên nên thẻ BHYT ghi theo hồ sơ này. Nếu vậy, ông đến BHXH Gò Vấp và mang theo giấy tờ tùy thân (hộ khẩu, CMND, giấy hưởng lương hưu) kèm 2 ảnh để làm giấy xác nhận cả hai tên là một người. Ông sử dụng giấy này (có đóng dấu giáp lai hình) để đi khám chữa bệnh. Còn nếu tất cả giấy tờ của ông đều thống nhất, trừ thẻ BHYT, thì ông vui lòng đến BHXH quận Gò Vấp để điều chỉnh, rất nhanh thôi.

Bạn đọc gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, P5, Q3, TPHCM; hoặc điện thoại 091.444.6618, email: duongloan@sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục