Kê toa… dinh dưỡng cho người bệnh

Không chỉ điều trị ngoại khoa bằng mổ xẻ, điều trị nội khoa bằng hàng tá thuốc tây - đông y mà chế độ dinh dưỡng cũng góp phần rất lớn trong hỗ trợ điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, đến nay công tác dinh dưỡng tiết chế trong bệnh viện (BV) chưa được chú trọng, người bệnh vẫn chưa được tư vấn hướng dẫn cụ thể về khẩu phần dinh dưỡng hoặc được cung cấp khẩu phần phù hợp. Do đó, không chỉ đa số người bệnh trong và sau điều trị thường bị suy dinh dưỡng mà bệnh tật cũng khó đẩy lùi, nhất là đối với các bệnh lý mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, suy thận, tim mạch…
Kê toa… dinh dưỡng cho người bệnh

Không chỉ điều trị ngoại khoa bằng mổ xẻ, điều trị nội khoa bằng hàng tá thuốc tây - đông y mà chế độ dinh dưỡng cũng góp phần rất lớn trong hỗ trợ điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, đến nay công tác dinh dưỡng tiết chế trong bệnh viện (BV) chưa được chú trọng, người bệnh vẫn chưa được tư vấn hướng dẫn cụ thể về khẩu phần dinh dưỡng hoặc được cung cấp khẩu phần phù hợp. Do đó, không chỉ đa số người bệnh trong và sau điều trị thường bị suy dinh dưỡng mà bệnh tật cũng khó đẩy lùi, nhất là đối với các bệnh lý mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, suy thận, tim mạch…

Hơn 40% bệnh nhân suy dinh dưỡng

Phần lớn người bệnh chưa được cung cấp suất ăn bệnh lý phù hợp

Là một trong những BV hàng đầu về chăm sóc thai phụ, sản phụ, BV Từ Dũ TPHCM đã xác định chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn đến bà mẹ và trẻ  sơ sinh. Do đó, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế của BV Từ Dũ được thành lập khá sớm và hiện nay đã thiết kế các suất ăn bệnh lý nội viện cho thai phụ, sản phụ và bệnh nhân bị đái tháo đường, suy thận. Năm 2002, BV Từ Dũ đã xây dựng bếp ăn một chiều, đảm bảo cung cấp được 3 bữa chính cho bệnh nhân bị bệnh lý đái tháo đường và 2 - 3 bữa ăn phụ cho bệnh nhân bị các bệnh lý khác được khuyến cáo dùng bữa ăn tiết chế thay thế. “Một trong những bệnh lý phổ biến của thai phụ là bệnh đái tháo đường. Do đó, nếu không có chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ lẫn con. Vì vậy, BV luôn khuyến cáo, tư vấn thai phụ có chế độ dinh dưỡng tiết chế phù hợp mặc dù có thể không hợp khẩu vị so với nấu tại gia đình”, Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Từ Dũ cho biết… Tại BV Huyện Bình Chánh, TS Lê Thị Hoàng Liễu (phụ trách Khoa Dinh dưỡng), cho biết thường xuyên hội chẩn dinh dưỡng, can thiệp dinh dưỡng, nhất là đối với bệnh nhân phải ăn bằng ống truyền để đảm bảo chế độ dinh dưỡng tiết chế hợp lý. “Trong năm 2016 đã cung cấp trên 5.000 suất ăn bệnh lý cho bệnh nhân, kể cả ngoại trú lẫn nội trú”, TS Hoàng Liễu cho biết.

Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, tỷ lệ bệnh nhân suy dinh dưỡng khi nhập viện chiếm tỷ lệ rất cao, trung bình tới 20% - 50%, riêng tại TPHCM có tỷ lệ 40,7%. Trong đó, bệnh nhân suy dinh dưỡng nằm Khoa Hồi sức tích cực chống độc đến 65%, bệnh nhân Lão khoa 72,3%, bệnh nhân ung thư đại tràng trước phẫu thuật 83,5%... Theo Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, đa số BV, nhất là các BV tư, chưa quan tâm đúng mức, đáp ứng dinh dưỡng, tiết chế cho người bệnh. “Công tác đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho bệnh nhân nội trú và ngoại trú, xây dựng kế hoạch can thiệp về dinh dưỡng, cung cấp suất ăn chưa được thực hiện đầy đủ…”, bác sĩ Ngọc Diệp khuyến cáo.

“Kê toa” thực đơn bệnh lý

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nhìn nhận chế độ dinh dưỡng, tiết chế không hợp lý không chỉ làm bệnh nhân suy dinh dưỡng mà còn làm tăng biến chứng, tử vong, thời gian nằm viện dài, chi phí điều trị tốn kém. Mỗi loại bệnh, mỗi thể trạng bệnh nhân đòi hỏi phải có một thực đơn dinh dưỡng riêng, dù có dùng nhiều loại thuốc nhưng không có một chế độ ăn hợp lý thì cũng rất khó điều trị tốt. “Từ năm 2011, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 08/2011 hướng dẫn về công tác dinh dưỡng, tiết chế trong BV nhưng đến nay vẫn không ít BV chưa thực hiện”, ông Khuê băn khoăn. Theo Thông tư 08/2011, tất cả các BV từ cấp huyện trở lên phải thành lập khoa dinh dưỡng - tiết chế, có 3 nhiệm vụ: Tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân ngoại trú, bệnh nhân trước xuất viện; hội chẩn nuôi ăn bệnh nhân tại giường; cung cấp suất ăn bệnh lý (nuôi ăn đường miệng, nuôi ăn qua ống thông). Tuy nhiên, thực tế, nhiều BV tuyến trên quá tải bệnh nhân, không đủ nhân sự thực hiện đánh giá tất cả bệnh nhân ngoại trú; không đánh giá được tình trạng suy dinh dưỡng và không thể chọn lọc được đối tượng cần được tư vấn dinh dưỡng. Còn không ít BV tuyến dưới hạn chế về nhân lực, chuyên môn…  Đặc biệt, chế độ dinh dưỡng đối với bệnh nhi có một ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình điều trị nhưng không phải BV nào cũng chú ý triển khai… PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Sở Y tế đã đốc thúc các BV dành khoản kinh phí để xây dựng, thành lập khoa dinh dưỡng - tiết chế và sắp tới sẽ kiểm tra, đánh giá cũng như có cơ chế giám sát”.

Mới đây, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM đã nghiên cứu xây dựng bộ thực đơn dinh dưỡng bệnh lý bao gồm 32 thực đơn mẫu cho 8 chế độ ăn (đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận, gout, suy dinh dưỡng, sinh lý, ăn qua ống thông…). “Với bộ thực đơn dinh dưỡng bệnh lý, các BV có thể tham khảo để tự tổ chức cung cấp suất ăn, hoặc hợp đồng cung cấp suất ăn, hoặc chí ít cũng tư vấn cho người bệnh”, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp nói. Đánh giá cao bộ thực đơn dinh dưỡng bệnh lý, các chuyên gia y tế cho rằng lãnh đạo các BV cần quán triệt thực hiện nghiêm túc, tạo điều kiện và tăng cường đào tạo, tập huấn, nhất là chuyên khoa đại học và sau đại học về dinh dưỡng - tiết chế; dinh dưỡng lâm sàng… Mặt khác, Bộ Y tế sớm nghiên cứu thanh toán bảo hiểm y tế cho chế độ ăn bệnh lý nhằm thuận lợi cho người bệnh.

 GiA PHÚ

Tin cùng chuyên mục