10 doanh nghiệp lĩnh vực du lịch được vay ưu đãi gần 365 tỷ đồng

Tại hội nghị, các doanh nghiệp du lịch đã có những trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan các chính sách, các khó khăn vướng mắc cũng như các đề xuất, kiến nghị hỗ trợ và kết nối doanh nghiệp du lịch với các ngân hàng thương mại. 

Ngày 18-8, Sở Du lịch TPHCM phối hợp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TPHCM nhằm thực hiện đối thoại giữa 18 ngân hàng thương mại (NHTM) bao gồm: Vietbank, Vietinbank, BIDV, Vietcombank, HDBank, OCB, ACB… với hơn 100 doanh nghiệp lĩnh vực du lịch về cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của ngành ngân hàng.

Đây là dịp để các NHTM đồng hành cùng với chính quyền TPHCM trong việc chung sức triển khai các giải pháp phục hồi và phát triển ngành kinh tế, dịch vụ du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19.

Phát biểu khai mạc, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du Lịch TPHCM cho biết, sau gần 5 tháng chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch trong trạng thái "bình thường mới", du lịch Việt Nam đã bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, doanh nghiệp ngành du lịch vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để tái khởi động. Đặc biệt là nhóm doanh nghiệp lữ hành đang rất cần nguồn vốn xoay vòng đón các đoàn khách đến nhưng chưa đảm bảo điều kiện vay vốn với nguyên nhân chủ yếu là không có tài sản tín chấp.

10 doanh nghiệp lĩnh vực du lịch được vay ưu đãi gần 365 tỷ đồng ảnh 1 Các NHTM ký kết hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch tại TPHCM, sáng 18-8

Để chính sách đi vào thực tiễn, Sở Du lịch TPHCM kiến nghị các NHTM xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng với từng doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả của các doanh nghiệp du lịch; các hợp tác, kết nối khác trong thanh toán, giao dịch du lịch; hợp tác, liên kết thực hiện các chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng du lịch để các doanh nghiệp trong ngành du lịch và ngân hàng cùng chung tay khôi phục du lịch và phát triển kinh tế TPHCM. 

Tại hội nghị, các doanh nghiệp du lịch đã có những trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan các chính sách, các khó khăn vướng mắc cũng như các đề xuất, kiến nghị hỗ trợ và kết nối doanh nghiệp du lịch với các ngân hàng thương mại.

Lãnh đạo các chi nhánh NHTM trên địa bàn đưa số điện thoại trực tiếp để các doanh nghiệp liên hệ, nhận được những tư vấn cũng như tháo gỡ vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn. 

Về phía NHNN, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, qua trao đổi thông tin tại hội nghị, ngân hàng và doanh nghiệp đã làm rõ phần nào các khó khăn, vướng mắc.

Qua đó, ông Lệnh đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục phản ánh khó khăn vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng về Sở Du lịch, đây sẽ là đầu mối tổng hợp phản ánh về ngân hàng để ngành ngân hàng cùng phối hợp hỗ trợ tháo gỡ.

“Nếu vướng mắc liên quan cơ chế chính sách, NHNN chi nhánh TPHCM sẽ báo cáo NHNN Việt Nam xem xét, điều chỉnh. Còn vướng mắc thuộc về các NHTM, cán bộ ngân hàng nếu có gây khó khăn, nhũng nhiễu thì NHNN chi nhánh TPHCM tiếp nhận để xử lý", ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết.

"Riêng các trường hợp vướng mắc liên quan đến doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, tài chính, sổ sách kế toán không minh bạch, sử dụng vốn vay không đúng mục đích… thì các doanh nghiệp phải tự hoàn thiện, thay đổi tốt hơn để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng vì ngân hàng cho vay phải đúng quy định, đúng chuẩn. Đặc biệt là các gói hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thì cần phải rà soát kỹ để cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng vốn để ngân hàng mới có thể quyết toán được với Bộ Tài chính”, ông Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh. 

Trong khuôn khổ hội nghị, 10 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng, lữ hành… đã được 10 NHTM tại TPHCM ký kết hợp đồng cho vay với tổng số tiền 634,6 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, đồng thời áp dụng gói lãi suất hỗ trợ 2% theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ và Thông tư 03/2022 của NHNN về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Sau khi áp dụng các chính sách về lãi suất ưu đãi, các doanh nghiệp này được vay với lãi suất khoảng 6%- 7%/năm. 

Tin cùng chuyên mục