10 lĩnh vực lồng ghép với chương trình thích ứng với BĐKH

Quy hoạch đô thị
10 lĩnh vực lồng ghép với chương trình thích ứng với BĐKH

Văn phòng thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) TPHCM vừa trình UBND TPHCM 10 lĩnh vực sẽ có những hoạt động lồng ghép với chương trình thích ứng với BĐKH giai đoạn từ nay đến năm 2020. Đây là những lĩnh vực quan trọng, có mối quan hệ chặt chẽ với công tác thích ứng với BĐKH và việc lồng ghép này sẽ có tác động tốt tới việc TPHCM ứng phó hiệu quả với BĐKH. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung này.

Nạo vét bùn kênh Bến Nghé. Ảnh: CAO THĂNG

Quy hoạch đô thị

+ Lồng ghép các yếu tố BĐKH vào các quy hoạch của thành phố (quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung, các quy hoạch ngành), đặc biệt chú trọng vấn đề tăng diện tích mặt nước và mảng xanh đô thị. 

+ Phát triển hệ thống văn bản pháp lý nhằm khuyến khích và tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho các dự án liên quan đến quy hoạch đô thị ứng phó với BĐKH.

+ Xây dựng, hoàn thiện các quy định và hoạt động về quy hoạch đô thị, lưu ý vấn đề đa dạng hóa các biện pháp tăng cường mảng xanh và tăng các loại diện tích mặt nước, cả trong khu lõi đô thị và vùng ven, bao gồm các hồ điều tiết và diện tích mặt nước trong các công trình xây dựng mới.

+ Xây dựng bộ tiêu chí công trình xanh phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội của TPHCM.

Năng lượng

+ Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

+ Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với điều kiện của TPHCM.

+ 100% các công trình xây dựng mới hoặc cải tạo tuân thủ các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ứng dụng các giải pháp, thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện cho 100% công trình chiếu sáng công cộng xây dựng mới và cải tạo.

+ Áp dụng quy trình quản lý, vận hành tiên tiến đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất đặc biệt đối với cơ sở tiêu thụ nhiều năng lượng. Định hướng đến năm 2020, 10% doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm trên địa bàn áp dụng có hiệu quả hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001.

+ Thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên trên 1.74% so với tổng năng lượng điện tiêu thụ của thành phố.

+ Tỷ lệ tổn thất điện năng đến năm 2020 còn khoảng 5% và đến năm 2025 còn 4,8%.

+ Cải thiện hệ thống chiếu sáng công cộng bằng các loại đèn có hiệu suất tiêu thụ điện năng cao hơn.

Giao thông

+ Phát triển hệ thống giao thông công cộng và tăng cường quá trình chuyển đổi từ sử dụng phương tiện giao thông cá nhân sang phương tiện công cộng.

+ Đa dạng hóa các nguồn nhiên liệu và phát triển hệ thống hạ tầng cung cấp năng lượng mới (năng lượng tái tạo và các loại năng lượng sạch hơn so với nhiên liệu truyền thống), tạo điều kiện thuận tiện để khuyến khích việc sử dụng các loại phương tiện giao thông chạy bằng điện hoặc các loại nhiên liệu mới.

+ Phát triển hệ thống giao thông xanh với mục tiêu cần đạt được tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng khoảng 20%-25% thị phần vận tải đến năm 2020.

+ Phát triển giao thông thủy nhằm hỗ trợ giảm áp lực cho hệ thống giao thông đường bộ, từ đó góp phần giảm ùn tắc giao thông và tạo nên hiệu quả kết nối đồng bộ cho toàn bộ mạng lưới giao thông của thành phố.

Công nghiệp

+ Hướng đến việc quản lý phát thải khí nhà kính từ các hoạt động sản xuất công nghiệp vốn chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng lượng phát thải khí nhà kính của TPHCM, chủ yếu là thông qua tiêu thụ năng lượng. Đặc biệt chú trọng đến các ngành công nghiệp trọng điểm của TPHCM.

+ Nghiên cứu xây dựng quy định về báo cáo phát thải khí nhà kính hàng năm đối với các nhà máy sản xuất công nghiệp trên địa bàn TPHCM.

+ Thực hiện các giải pháp tổng hợp để khuyến khích, tạo động lực, nâng cao năng lực và hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi hệ thống, dây chuyền sản xuất sang công nghệ và trang thiết bị hiệu quả năng lượng hơn; tăng cường tái sử dụng, tái chế nguyên vật liệu và chất thải (cả chất thải rắn và nước thải) trong hoạt động sản xuất.

+ Tăng cường công tác quản lý kiểm toán năng lượng ở các doanh nghiệp.

Quản lý nước

+ Đa dạng hóa các nguồn dự trữ nước cấp để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng và khó dự báo chính xác.

+ Hạn chế khai thác tài nguyên nước ngầm, giảm sụt lún đất, vốn đang làm trầm trọng thêm tác động của nước biển dâng do BĐKH, đồng thời nâng cao công tác thực hiện các giải pháp bổ cập tầng chứa nước dưới đất.

+ Thúc đẩy các cơ chế quản lý nguồn nước liên vùng.

+ Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong quá trình xử lý và phân phối nước.

+ Tăng cường khả năng chống chịu của mạng lưới cấp nước trước các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

+ Quản lý chặt chẽ công tác quy hoạch đô thị, xây dựng, hạn chế việc làm giảm diện tích mặt nước và dung tích giữ nước tự nhiên (sông, kênh, rạch...) của thành phố.

+ Thay đổi quan điểm về công tác giảm ngập: chuyển từ chống ngập triệt để sang điều tiết nước, thích nghi tích cực nhằm giảm thiểu rủi ro ngập.

+ Phân chia khu vực quản lý, đầu tư nâng cấp mạng lưới, phấn đấu giảm thất thoát nước sạch (rò rỉ) trên mạng lưới cấp nước từ 32%-34% xuống dưới 25%.

+ Quy hoạch và xây dựng các hồ dự trữ nước thô kết hợp với tiền xử lý để đảm bảo an ninh nguồn nước cấp.

+ Triển khai các dự án thí điểm thu gom và tái sử dụng nước mưa ở các cao ốc, trường học, bệnh viện, chợ đầu mối.

+ Tăng cường các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (kiểm soát ô nhiễm, hạn chế thải các chất thải vào nguồn nước, trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn...).

+ Phấn đấu xử lý được 50% - 75% lưu lượng nước thải của thành phố, tương đương 800.000 - 1.200.000m³/ngày. Ứng dụng các công nghệ xử lý sử dụng ít hoặc tái sinh năng lượng và giảm đến mức thấp nhất sản phẩm phụ (bùn hữu cơ và bùn sinh học).

+ Nghiên cứu và thí điểm triển khai mô hình tái sử dụng nước thải đô thị sau xử lý cho các mục đích khác nhau (tưới cây, rửa đường, làm mát, nông nghiệp).

+ Xây dựng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt tách riêng nước mưa để đưa về các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt cho các khu đô thị mới.

+ Khuyến khích thực hiện mô hình thu gom và tái sử dụng nước mưa cho các công trình đã xây dựng. Nghiên cứu tích hợp quy định về thu gom và tái sử dụng nước mưa đối với các công trình cao ốc xây dựng mới.

+ Xây dựng bản đồ cảnh báo rủi ro ngập lụt.

Quản lý chất thải

+ Từng bước nhân rộng mô hình phân loại chất thải rắn tại nguồn song song với phát triển hạ tầng thu gom, xử lý chất thải rắn đồng bộ, hướng đến triển khai phân loại trên toàn thành phố.

+ Triển khai các dự án xử lý tái sinh, tái chế chất thải và thu hồi năng lượng như các nhà máy đốt chất thải rắn kết hợp tái sinh năng lượng và các nhà máy liên hợp xử lý chất thải rắn hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học bằng phương pháp kỵ khí sản xuất khí sinh học, tái sinh năng lượng (điện, nhiệt), chế biến phân hữu cơ dạng lỏng phục vụ vùng chuyên canh rau sạch cho thành phố.

+ Tăng cường công tác thu gom, tái chế và xử lý bùn thải các loại (bùn cống rãnh, kênh rạch, trạm/nhà máy xử lý nước thải đô thị, công nghiệp và y tế, hầm cầu, xây dựng), chất thải công nghiệp nguy hại, chất thải y tế nguy hại.

+ Tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn và nước thải và ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý chất thải.

Xây dựng

+ Tăng cường ứng dụng vật liệu không nung và vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường khác trong xây dựng.

+ Ứng dụng công nghệ và biện pháp tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong hoạt động thi công xây dựng.

+ Xây dựng chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư nhằm khuyến khích phát triển và tạo điều kiện cho các dự án sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, công trình xanh trên địa bàn thành phố.

+ Tuyên truyền, đẩy mạnh việc áp dụng gắn Nhãn xanh Việt Nam đối với các sản phẩm vật liệu xây dựng và công trình xanh.

+ Tái sử dụng và tái chế chất thải xây dựng.

Y tế

+ Đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế các trạm, phường, xã để kịp thời ứng phó với các tình huống dịch bệnh do thời tiết cực đoan, hoặc do các thiên tai nguy hiểm gây ra (gió, lốc, hỏa hoạn...).

+ Tìm kiếm các nguồn đầu tư và hỗ trợ mở rộng xây dựng cơ sở vật chất các bệnh viện nhằm tăng cường năng lực mạng lưới y tế cơ sở, đặc biệt ở các vùng ngoại ô và các vùng nhạy cảm, dễ tổn thương (cơ sở hạ tầng thiếu thốn).

Nông nghiệp

+ Đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực về ứng phó với BĐKH cho cán bộ cấp cơ sở trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố.

+ Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, thông tin, nâng cao nhận thức nông dân trong giảm thiểu và thích ứng với BĐKH.

+ Quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đặc biệt khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ; phát triển diện tích rừng và cây xanh thành phố góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh trên địa bàn thành phố.

+ Rà soát, đánh giá, xác định và triển khai thực hiện các dự án ưu tiên ứng phó với BĐKH (góp phần giảm khí nhà kính, thích ứng với BĐKH) trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố.

Du lịch

+ Tăng cường công tác quản lý năng lượng và quản lý khí nhà kính trong các hoạt động phục vụ du lịch. 

+ Thực hiện các chương trình tuyên truyền để khuyến khích khách du lịch lựa chọn và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động du lịch thân thiện với môi trường; phát triển du lịch sinh thái và du lịch đường thủy.

+ Thay thế, đầu tư các trang thiết bị có hiệu quả tiêu thụ năng lượng cao phục vụ cho hoạt động du lịch (hệ thống điều hòa, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch…) tại các nhà hàng, khách sạn, bảo tàng... trên địa bàn thành phố.

SƠN LAM (ghi)

Tin cùng chuyên mục