Từ tháng 11-2002 đến nay, Sở Quy hoạch - Kiến trúc tiếp nối công việc của cơ quan Kiến trúc sư trưởng thành phố trước đây. Giai đoạn này là lúc TPHCM thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2010 với tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước”. Trong thời kỳ này, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố luôn cao, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, đã đặt ra hàng loạt những vấn đề về quy hoạch - kiến trúc cần phải nghiên cứu giải quyết.
Phủ kín quy hoạch chi tiết 1/2.000
Thực hiện những nhiệm vụ trên, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã tập trung chỉ đạo Viện Quy hoạch xây dựng cùng Công ty Tư vấn Nikken Seikei (Nhật Bản) hoàn thiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2025; cùng các quận huyện tập trung nghiên cứu, lập nhiệm vụ và đồ án phủ kín quy hoạch chi tiết (1/2.000) khu vực đô thị hóa của thành phố kết hợp với điều chỉnh quy hoạch chung các quận huyện. Mặt khác, sở cũng phối hợp thẩm định hàng loạt các quy hoạch ngành, như: mạng lưới các khu công nghiệp tập trung, các cụm công nghiệp; mạng lưới giáo dục, y tế; hệ thống chợ - siêu thị - trung tâm thương mại; quy hoạch hệ thống xăng dầu; quy hoạch sử dụng đất…
Tập trung cho công tác quy hoạch, đến nay, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6-1-2010; 22 quận huyện đã được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng; khoảng 87.728ha/95.000ha đất đô thị đã được phê duyệt và lập mới quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 với 626 đồ án (trong đó 53.378ha với 428 đồ án đã được phê duyệt, chiếm tỷ lệ 56,19% đất đô thị); hàng loạt các khu chức năng đô thị cũng đã được phê duyệt nhiệm vụ hoặc đồ án quy hoạch các loại, như: Khu đô thị mới Thủ Thiêm (657ha), Khu đô thị Cảng Hiệp Phước (3.911ha), Khu đô thị Tây Bắc (6.089ha), Khu đô thị mới Nam Sài Gòn (2.975ha), Khu Công nghệ cao thành phố (913ha), Khu đô thị lấn biển Cần Giờ (821ha), Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (426ha), Khu công viên lịch sử văn hóa dân tộc, Khu liên hợp Thể dục thể thao Rạch Chiếc, cải tạo mở rộng khu trung tâm hiện hữu thành phố 930ha,… Đánh giá chung về công tác quy hoạch, từ năm 2005 đến nay, với sự nỗ lực của đội ngũ làm công tác quy hoạch, một khối lượng rất lớn về quy hoạch đô thị đã được thực hiện với diện tích đất đô thị được quy hoạch gấp 2,5 lần so với 30 năm trước đó.
Trong 10 năm qua, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng đã phê duyệt hoặc thẩm định hàng ngàn đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 với hơn nửa triệu ha, cung cấp thông tin quy hoạch và chỉ tiêu kiến trúc - quy hoạch cho hàng chục ngàn trường hợp, để phục vụ cho các dự án đầu tư hàng vạn khu nhà ở, công trình kiến trúc phục vụ sản xuất - kinh doanh - dịch vụ trên địa bàn thành phố.
Quan tâm đến kiến trúc
Về kiến trúc đô thị, trước tình hình quản lý xây dựng còn những bất cập, diện mạo kiến trúc còn manh mún, lộn xộn, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã xây dựng một số quy định về kiến trúc trình UBND TPHCM ban hành, làm cơ sở cho việc cấp giấy phép xây dựng, quản lý được kiến trúc đường phố và công khai được thông tin đến người dân và nhà đầu tư, lập và trình UBND TPHCM phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc 4 ô phố trước Dinh Thống Nhất, tổ chức lập thiết kế đô thị các khu vực quan trọng như: khu bờ Tây sông Sài Gòn (trong khu vực trung tâm 930ha đang tiến hành quy hoạch), các trục đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, xa lộ Hà Nội, đại lộ Võ Văn Kiệt, trục đường Phan Đình Giót dẫn vào sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất… Mặt khác, sở cũng đã phối hợp với tổ chức tư vấn quốc tế Tây Ban Nha lập các nghiên cứu về tổ chức không gian lối đi bộ tại khu trung tâm, nghiên cứu bảo tồn phố cổ Chợ Lớn, đang phối hợp Hội Kiến trúc sư thành phố tổ chức giải thưởng Kiến trúc TPHCM để tôn vinh các kiến trúc đẹp, các giải pháp kiến trúc xanh, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh những nhiệm vụ về quy hoạch - kiến trúc, sở cũng đã xây dựng hàng loạt các quy định khác nhau như: quy định về lộ giới hẻm; quy định về hành lang bảo vệ sông rạch; các quy định về thẩm định phê duyệt đồ án quy hoạch, cung cấp thông tin quy hoạch, cấp giấy phép quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch… nhằm đưa Luật Quy hoạch đô thị vào thực tiễn và thực thi được hiệu quả.
TPHCM đang trở thành “siêu đô thị” (megacity) với dân số khoảng 10 triệu người. Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hướng tới mục tiêu xây dựng TPHCM ngày càng phát triển văn minh, hiện đại; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, có vị trí quan trọng của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10-8-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 cũng đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém về quy hoạch và quản lý đô thị và vạch ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thành phố đến năm 2020, trong đó yêu cầu “…Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quy hoạch, thiết kế đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị gắn với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân”. Trước nhiệm vụ này, Sở Quy hoạch - Kiến trúc càng thấy mình phải có trách nhiệm hơn nữa với TPHCM.
TRẦN CHÍ DŨNG
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM