Theo quy hoạch phát triển nhân lực thành phố giai đoạn 2011-2020, trong giai đoạn 2011-2015, TPHCM ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ và ngành công nghiệp chủ lực (cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa; điện tử và công nghệ thông tin; chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế; hóa chất - hóa dược và mỹ phẩm).
Với kết quả khảo sát về nhu cầu nhân lực liên tục trong 2 năm 2010-2011, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM đưa ra 10 nhóm ngành nghề có nhu cầu cao, mỗi ngành nghề chiếm tỷ lệ từ 6%-8% trong tổng hợp nhu cầu nhân lực hàng năm tại TP giai đoạn 2012-2015 và xu hướng đến 2020 là: cơ khí; luyện kim; công nghệ ô tô xe máy; hóa - hóa chất; y, dược, mỹ phẩm; công nghệ chế biến thực phẩm; công nghệ thông tin - điện - điện tử - viễn thông; xây dựng; kiến trúc; giao thông vận tải; dịch vụ - phục vụ - du lịch - giải trí - nhà hàng - khách sạn; marketing - kinh tế - kinh doanh - bán hàng; quản lý - hành chính văn phòng; tài chính - ngân hàng - kế toán - bảo hiểm; dệt - may - giày da - thủ công mỹ nghệ.
Hiện nay, sự nghịch lý về cơ cấu, chất lượng, kỹ năng nghề; về tiền lương và thu nhập thực tế đã làm cho thị trường lao động TP không ổn định; mức độ dao động, thiếu hụt nhu cầu chỗ làm việc và nhu cầu tìm việc làm khoảng 30%.
TPHCM cần đưa ra các giải pháp: Tạo chuyển biến mạnh với các cơ quan, tổ chức, xã hội về phát triển nguồn nhân lực có kế hoạch, theo định hướng chuyên môn, chất lượng cao. Nâng cao nhận thức các yếu tố cạnh tranh trong quá trình tham gia thị trường lao động của các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người lao động về chất lượng nguồn nhân lực.
Liên kết, hợp tác giữa hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu. Tăng cường trách nhiệm các doanh nghiệp về thực hiện chế độ thông tin, báo cáo với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước, phối hợp với tổ chức dự báo nhu cầu nhân lực, nhu cầu tuyển dụng lao động, theo số lượng và cơ cấu ngành nghề sử dụng lao động ngắn hạn, dài hạn.
Nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực đối với những ngành nghề chủ lực của TP và các ngành khoa học xã hội. Nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp; xã hội hóa và tăng cường giám sát chặt chẽ các hoạt động tư vấn nghề nghiệp - việc làm, cung ứng lao động, giới thiệu việc làm.
TRẦN ANH TUẤN
Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM